a. Tên luận văn: Nhận dạng cảm xúc của người dựa trên ảnh nhiệt
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Nguyễn Thị Anh Thư
c. Tên cơ quan cử đi học: Trường THPT Chuyên Hùng Vương
d. Tên viện trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
e. Mục tiêu nghiên cứu: Xây dựng một mô hình rút trích đặc trưng của ảnh nhiệt hỗ trợ cho việc nhận dạng cảm xúc của người dựa trên ảnh nhiệt của gương mặt người
d. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp phi ngôn ngữ, là một trong những cơ sở để hiểu được hành vi của con người. Và có thể nhận dạng cảm xúc thông qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là thông qua biểu hiện trên khuôn mặt.
Hiện nay trong xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nhận dạng cảm xúc trở thành một vấn đề đã và đang thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, do sự phức tạp của khuôn mặt người, biểu cảm của cảm xúc và quan điểm về hành vi cho thấy nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn còn là một thách thức lớn.
Hầu hết các phương pháp tiếp cận bài toán nhận dạng cảm xúc đều chuyển đổi dữ liệu đến các không gian khác có mô tả tốt hơn và dễ dàng phân loại cảm xúc hơn. Trích xuất đặc trưng là cách tìm các đặc trưng phù hợp để thể hiện tốt nhất cảm xúc của con người. Dựa trên các đặc trưng này để thực hiện phân loại cảm xúc. Trích xuất đặc trưng là chìa khóa để trích xuất các thông tin hữu ích của khuôn mặt bằng cách giảm số chiều của không gian dữ liệu sao cho lượng thông tin sau khi trích xuất vẫn đảm bảo các đặc trưng của dữ liệu ban đầu, trích xuất đặc trưng tốt làm giảm chi phí và tăng độ chính xác cho quá trình nhận dạng. Có thể phân thành hai phương pháp chính: Phương pháp dựa trên việc xuất hiện đặc trưng và phương pháp dựa trên đặc trưng hình học.
Ngoài ra, các hệ thống dựa trên các hình ảnh nhìn thấy phải đối mặt với những thách thức như: chất lượng ảnh không tốt do điều kiện ánh sáng kém, nhiều người không biểu hiện nên không thể nhận biết được cảm xúc thật, v.v. Tất cả những nguyên nhân đó đều có thể làm giảm độ chính xác của kết quả nghiên cứu. Việc sử dụng hình ảnh nhiệt là một trong những giải pháp khắc phục những hạn chế của ảnh nhìn thấy được. Hình ảnh nhiệt không nhạy cảm với điều kiện ánh sáng. Bên cạnh đó, không phải toàn bộ ảnh có tác động thay đổi nhiệt độ khi cảm xúc thay đổi nên việc rút trích đặc trưng vùng quan trọng là rất cần thiết. Có thể nói, sử dụng ảnh nhiệt là một kỹ thuật đầy hứa hẹn trong việc nhận dạng cảm xúc thực tế hơn.
Chính vì vậy, tác giả Nguyễn Thị Anh Thư đã lựa chọn đề tài “Nhận dạng cảm xúc của người dựa trên ảnh nhiệt” làm cơ sở cho luận văn nghiên cứu thạc sỹ, với mong muốn làm rõ cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu liên quan cũng như thực nghiệm, đánh giá kết quả đạt được trong thực tế.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng một mô hình rút trích đặc trưng của ảnh nhiệt hỗ trợ cho việc nhận dạng cảm xúc của người dựa trên ảnh nhiệt của khuôn mặt người.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tác giả đã tiến hành tìm hiểu tổng quan tình hình nghiên cứu về nhận dạng, phân tích và dự đoán cảm xúc của người bằng ảnh thông thường và ảnh nhiệt; xây dựng và giải quyết bài toán nhận dạng cảm xúc của người dựa trên ảnh nhiệt; tiến hành thực nghiệm chương trình và đánh giá kết quả đạt được. Qua đó, đúc kết kinh nghiệm và đề xuất hướng phát triển trong tương lai của đề tài.
Việc thực hiện nhận dạng cảm xúc của người dựa trên ảnh nhiệt cho kết quả cao trong những điều kiện thu nhận thay đổi về tỷ lệ, ánh sáng, đặc biệt là với dữ liệu khuôn mặt của người. Đồng thời, tạo tiền đề cho các nghiên cứu dùng thị giác máy tính và tâm lý học tiếp theo trong tương lai.
e. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).