a. Tên nhiệm vụ: Chế tạo mô hình keo tụ tạo bông ứng dụng xử lý nước thải công nghiệp
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Trịnh Diệp Phương Danh
d. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu chế tạo mô hình keo tụ tạo bông ứng dụng xử lý nước thải công nghiệp
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Bình Dương là một trong các tỉnh thành có tốc độ phát triển kinh tế cao, chủ yếu phát triển về công nghiệp, với những thiết bị công nghệ sản xuất hiện đại đã mang lại nhiều hiệu quả cao cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt thì vấn đề ô nhiễm từ các ngành công nghiệp đang là vấn đề gây khó khăn cho các xí nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Và trong nước thải này thường có hàm lượng pH trung bình từ 9 - 13, hàm lượng COD, BOD5, SS độ màu rất cao, hơn nữa nước còn chứa cả kim loại nặng. Do vậy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm, các nhà máy, xí nghiệp cần phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Hiện nay, trong và ngoài nước có rất nhiều phương pháp cũng như thiết bị để xử lý các loại nước thải công nghiệp như hóa lý, hóa học, sinh học hiếu khí, sinh học kỵ khí,… Do vậy, việc tìm ra các phương pháp và hóa chất tối ưu để xử lý cho từng loại nước thải là điều vô cùng quan trọng đối với các nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó, mô hình Pilot là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc xử lý các loại nước thải công nghiệp tại phòng thí nghiệm, mô hình này có khả năng thử nghiệm hoạt động với nhiều hệ điều kiện khác nhau nhằm tìm ra hệ tối ưu để áp dụng vào thực tế.
Với mong muốn tìm hiểu các thông số vận hành tối ưu của mô hình keo tụ tạo bông; tiến hành thí nghiệm tìm ra giải pháp tối ưu nhất để xử lý nước thải bằng một số loại chất keo tụ khác nhau; giảm tối đa nồng độ các chất ô nhiễm trước khi thải ra nguồn tiếp nhận, Thạc sỹ Trịnh Diệp Phương Danh đã đề xuất nhiệm vụ “Chế tạo mô hình keo tụ tạo bông ứng dụng xử lý nước thải công nghiệp” và Trường Đại học Thủ Dầu Một chủ trì thực hiện.
Mục tiêu: Nghiên cứu chế tạo mô hình keo tụ tạo bông ứng dụng xử lý nước thải công nghiệp, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên tại trường Đại học Thủ Dầu Một.
Sau 12 tháng triển khai thực hiện, tác giả và các cộng sự đã hoàn thành mục tiêu và nội dung theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, với mô hình Keo tụ tạo bông có thể giúp xác định được các thông số vận hành tối ưu trong ứng dụng phương pháp hóa lý, keo tụ tạo bông trong xử lý nước và nước thải; tìm được độ loại phèn tối ưu và độ pH tối ưu trong quá trình xử lý nước thải;… đồng thời, sau khi nghiên cứu thành công, tác giả và các cộng sự cũng đưa ra kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu và áp dụng thực nghiệm sâu hơn về khả năng xử lý độ màu và COD trong cả nước thải dệt nhuộm và xi mạ một cách hiệu quả hơn; nghiên cứu về biện pháp thu hồi hoặc xử lý bùn thải sau khi xử lý nước thải.
e. Thời gian nghiên cứu: 12 tháng
- Thời gian bắt đầu: 12/2017
- Thời gian kết thúc: 12/2018
f. Kinh phí thực hiện: 43.857.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).