a/ Tên nhiệm vụ: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất cây điều (Anacardium occidentale L.) ở Huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Mai Văn Trị và cá nhân tham gia chính:
1. ThS. Đỗ Văn Quỹ
2. KS. Vũ Mạnh Hà
3. KS. Vũ Thị Hà
4. KS. Lê Văn Thịnh
5. KS. Phan Văn Dũng
6. KS. Nguyễn Văn Hòa
7. KS. Hoàng Văn Hiệu
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên và hội thảo nhằm cải thiện hiểu quả canh tác cây điều trên địa bàn một số huyện của tỉnh Bình Dương.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Trước thực trạng khó khăn chung của ngành sản xuất hạt điều trên phạm vi cả nước, diện tích trồng điều tại tỉnh Bình Dương có xu hướng giảm rõ rệt. Một trong những nguyên nhân làm diện tích và năng suất giảm là do giá vật tư đầu vào cao, sản phẩm bán giá thấp và không ổn định. Điều kiện thời tiết gặp nhiều bất lợi nhất là những đợt mưa trái mùa trong thời kỳ cây điều ra hoa, đậu trái nên đã tạo điều kiện cho sâu bệnh hoành hành. Mặt khác, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của tỉnh Bình Dương trong những năm gần đây diễn ra nhanh nên đã hạn chế sự phát triển của loài cây này do khó có thể cạnh tranh với cây cao su và một số cây trồng khác.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có sự cố gắng trong việc đẩy mạnh nâng cao sản lượng sản phẩm. Nhưng nhìn chung năng suất điều trong tỉnh vẫn còn thấp so với tiềm năng về điều kiện tự nhiên và khả năng của giống. Các khảo sát cho thấy nếu áp dụng giống điều cao sản năng suất có thể tăng cao năng suất so với các vườn điều cũ trồng hạt trước đây. Các yếu tố giới hạn sản xuất điều chủ yếu là giống, kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh,… Do đó, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất cây điều ở một số địa bàn tỉnh Bình Dương là cần thiết.
II. Kết quả thực hiện
Sau 3 năm triển khai thực hiện dự án, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã hoàn thiện các nội dung của dự án với những kết quả đạt được như sau:
Thiết lập nên cơ sở dữ liệu về hiện trạng kỹ thuật canh tác cây điều trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Với kết quả đựơc ghi nhận sau quá trình điều tra, thống kê bằng các phương pháp tương thích như: phương pháp thu thập thông tin chung, phương pháp điều tra nhanh nông thôn,... Theo đó, hiện trạng các quy mô vườn điều có diện tích nhỏ, trung bình từ 0,5 - 1,0ha; loại hình canh tác cây điều chủ yếu là trồng thuần (chiếm 78,33% số điều tra và 10% là trồng xem canh được trồng chủ yếu trên nền đất xám. Đối với giống trồng chủ yếu được trồng bằng hạt, đa phần là những vườn điều lâu năm, già cỗi và cho năng suất thấp. Chính từ các nguyên nhân làm giảm năng suất và hiệu quả kinh tế giữa các vườn điều, nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất cây điều ở Bình Dương như sử dụng giống điều cao sản (PN1), áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh cây điều, tăng cườn chuyển giao kỹ thuật cho nhà vườn thông qua tập huấn, hội thảo và hỗ trợ cho nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng các mô hình trình diễn thử nghiệm trên vườn cây bao gồm: mô hình tỉa cành tạo tán cho vườn điều thời kỳ kinh doanh, mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên vườn điều thời kỳ kinh doanh, mô hình bón phân và xử lý ra hoa đồng loạt cho vườn điều thời kỳ kinh doanh, mô hình thâm canh tổng hợp vườn điều thời kỳ kinh doanh. Các mô hình thử nghiệm trên vườn điều có tác dụng khiến năng suất sản phẩm tăng 17 – 50% và hiệu quả kinh tế vườn điều tăng 18 – 57%. Thông qua các mô hình giai đoạn kinh doanh được triển khai so với sản xuất đại trà, cho thấy độ thích nghi tốt và có tiềm năng đạt được năng suất cao, cho hiệu quả sản xuất cao hơn.
Tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật được thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, thông qua các lớp tập huấn đã chuyển giao được các kỹ thuật cho người trồng. Thống kê chi tiết đã tổ chức hướng dẫn cho 360 lượt nhà vườn, đào tạo 06 kỹ thuật viên nắm vững biện pháp nhân giống và quản lý chăm sóc vườn điều, chủ trì 7 hội thảo đầu bờ nhằm giúp nhà vườn và cán bộ địa phương nâng cao kỹ năng trồng và chăm sóc cây điều cũng như một số khâu quan trọng để tăng năng suất điều.
III. Kết luận
Trên cơ sở thu thập, phân tích các số liệu về thực trạng, và đề xuất triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất cây điều ở một số địa phương. Có thể rút ra một số kết luận như sau:
Năng suất và hiệu quả sản xuất điều chưa cao do một số nguyên nhân như tỷ lệ sử dụng giống trồng từ hạt còn cao, đất trồng điều phần lớn là đất nghèo dinh dưỡng, dịch hại phát sinh nhiều, hiệu quả phòng trừ bệnh hại còn thấp và chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp thêm canh. Để cải thiện tình hình, cần tăng xường đầu tư, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh.
Các mô hình tỉa cành tạo tán, mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp, mô hình bón phân và xử lý ra hoa đồng loạt và mô hình thâm canh tổng hợp vườn điều kinh doanh đã nâng cao năng suất trung bình 15 – 20% và góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế vườn cây. Giống điều cao sản PN1 giới thiệu trong mô hình bước đầu cho thấy thích nghi tốt, phát triển nhanh và cho năng suất cao.
Thông qua tập huấn, hội thảo và đào tạo kỹ thuật viên đã giúp nhà vườn nâng cao hiểu biết, kỹ năng và tầm quan trọng của việc thâm canh trong tăng năng suất và nâng cao hiệu quả.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 36 tháng
- Thời gian bắt đầu: 06/2008
- Thời gian kết thúc: 06/2011
g/ Kinh phí thực hiện: 526.813.800 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).