a/ Tên nhiệm vụ: Phát triển sơn mài truyền thống Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh và cá nhân tham gia chính:
1. ThS. Thái Kim Điền
2. Ths. Nguyễn Xuân Dũng
3. Ths. Nguyễn Văn Quý
4. CN. Nguyễn Tấn Công
5. CN. Nguyễn Văn Đạo
6. CN. Nguyễn Quang Sơn
d. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu các giá trị truyền thống của nghệ thuật sơn mài Bình Dương qua tính chất song hành giữa văn hóa và kinh tế trong xu thế hội nhập và cơ chế thị trường.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Sơn mài - một nghệ thuật diệu kỳ độc đáo mà khi nói đến nghệ thuật Việt Nam, nó đã được xem như một trong những vốn truyền thống đặc thù tiêu biểu đậm nét văn hóa nhất được thế giới quan tâm.
Nghề sơn mài đã xuất hiện rất sớm và lưu truyền qua nhiều thế hệ ở nhiều nơi trên đất nước ta. Ở phía Nam, có Thủ Dầu Một - Bình Dương là vùng đất lâu đời với điều kiện ưu đãi của thiên nhiên để phát triển các nghề truyền thống như sơn mài trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài. Sau nhiều thăng trầm biến đổi, sơn mài Bình Dương đã ổn định và phát triển. Từ các hộ gia đình đến nhiều cơ sở xí nghiệp, có quy mô sản xuất lớn đã hình thành. Sơn mài cổ điển vẫn được ưa chuộng, thêm vào đó là hàng loạt các mẫu mã hiện đại phù hợp với thị hiếu mới đã tạo nên tính đa dạng, phong phú cho làng nghề sơn mài trong thời kỳ mới.
II. Mục tiêu
Nghiên cứu các giá trị truyền thống của nghệ thuật sơn mài Bình Dương quá tính chất song hành giữa văn hóa và kinh tế trong xu thế hội nhập và cơ chế thị trường. Cụ thể, nghiên cứu tổng quan về lịch sử và đặc điểm hình thành nghề sơn mài tại Bình Dương, được chia làm nhiều mốc thời gian để đảm bảo tính khả thi liên tục của quá trình phát triển có những đặc điểm và kế thừa riêng; nghiên cứu các kỹ thuật truyền thống và đặc điểm nghệ thuật của sơn mài Bình Dương để khẳng định những thành tựu và nét đẹp cổ truyền, đồng thời làm cơ sở đối sánh với hiện trạng sản suất, gia công sơn mài ngày nay, từ đó đề xuất hướng bảo tồn trong tương lai.
III. Nội dung
Bình Dương với nghề sơn mài truyền thống
Bình Dương là mổ tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, được bao bọc bởi 3 con sông lớn là sông Sài Gòn, sông Bé và sông Đồng Nai. Những điều kiện giao thông thuận lợi này đã khiến cho Bình Dương có thể dễ dàng nối với các cảng biển lớn ở phía Nam.
Hệ thống khu rừng bạc ngàn, dày đặc với nhiều loại gỗ quý cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào chính là điều kiện cần thiết để phát triển nghề mộc gia dụng, nghề chạm khắc gỗ và nghề sơn mài.
Làng nghề sơn mài truyền thống của Bình Dương: Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng sơn mài Phú Cường.
Sơn mài Bình Dương cũng như sơn mài Việt Nam, đã từng hiện diện như là một thành tố không thể thiếu, nhằm tăng thêm giá trị của cái đẹp hài hòa lẫn với tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, sơn mài Bình Dương đã từng là một thú tiêu khiển lúc nông nhàn của cư dân Việt xưa trên vùng đất mới. do đó, nghề sơn mài ở đây sớm định hình và phát triển cao qua phong cách nghệ thuật thật phóng khoáng, phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại, thể loại và đề tài của ba loại hình sơn mài truyền thống đó là: đồ trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài.
Thành tựu và những đặc trưng của nghệ thuật sơn mài Bình Dương
Kỹ thuật sơn mài truyền thống đã qua nhiều thế kỷ, hiện nay trên đất Bình Dương không chỉ tồn tại kỹ thuật sơn son thiếp vàng, sơn then mà còn xuất hiện nhiều thể loại tranh sơn mài với kỹ thuật phát triển khá độc đáo, được các nghệ nhân, họa sĩ dày công nghiên cứu và thể hiện và giữ gìn như: Sơn lộng, vẽ chìm, vẽ mỏng, vẽ lặn phức tạp, khoét trũng, đắp nổi, cẩn xà cừ, cẩn võ trứng, cẩn tre, vẽ màu vàng bạc nhũ, vẽ màu vàng bạc lá, tổng hợp bình sơn, đĩa soa… cùng với việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thể hiện.
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương.
Sự phong phú đa dạng trong chất liệu và nghệ thuật thể hiện sơn mài Bình Dương ngày nay là một tất yếu trong cơ chế thị trường, nó thể hiện sự chấp nhận sản xuất hàng hóa phục vụ cuộc sống và thị trường hiện đại, sự năng động để tìm kiếm một hướng đi mới cho làng nghề truyền thống. Sơn mài Bình Dương không thể tự tách mình ra khỏi dòng chảy của thời đại nhưng đồng thời, cũng không thể tự đánh mất mình.
Đã có thời gian, một số cơ sở do chạy theo lợi nhuận, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng gây mất lòng tin đối với khách hàng, thị trường và xuất khẩu thu hẹp, sản xuất bị sút giảm… làm cho sơn mài Bình Dương mai một dần… Truy nhiên, những nghệ nhân, họa sĩ và những nhà sản xuất có tâm với nghề đã liên kết, hợp tác cùng khôi phục lại nghề và tiếp tục phát triển đến nay.
Để phát triển nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương, đòi hỏi sự quan tâm đồng bộ có chiến lược từ các cấp quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, họa sĩ, các doanh nghiệp,cơ sở sản xuất và sự đồng tâm hiệp lực của mọi thành phần xã hội. Hiện nay, sơn mài Bình Dương đang giải quyết một số vấn đề nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có Quyết định số 3855/QĐ-UBND công nhận làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống. việc công nhận này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để làng nghề được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển theo quy định.
- Tăng cường chất lượng thẩm mỹ trên nền tảng truyền thống qua việc mạnh dạn tiếp thu và vận dụng công nghệ mới vào việc sản xuất sơn mài ứng dụng là việc làm phù hợp trong cơ chế thị trường.
- Đẩy mạnh việc đào tạo họa sĩ sáng tác chuyên khoa sơn mài bên cạnh việc nâng cao đội ngũ thợ lành nghề.
- Tiếp tục nghiên cứu chất liệu, màu sắc và cải tiến hình thức thể hiện.
- Quy hoạch các làng nghề có chính sách cụ thể cho hoạt động.
- Tiếp thị sản phẩm thông qua thế mạnh du lịch.
- Vấn đề môi trường sinh thái ở các làng nghề.
IV. Kết luận
Đề tài đã phân tích được tình hình sáng tác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sơn mài ứng dụng Bình Dương để tìm ra những mặt mạnh, mặt còn hạn chế trong quá trình sáng tác và thực hiện các sản phẩm, tác phẩm của một số doanh nghiệp, cơ sở sơn mài tại Bình Dương để đưa ra các khuyến nghị về sự cần thiết xây dựng các chiến lược củng cố làng nghề, doanh nghiệp, hiệp hội và nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại. Đồng thời, tổng hợp những yếu tố quan trọng của chất liệu truyền thống trong mối quan hệ với nghệ thuật thể hiện, làm cơ sở định hướng phát triển nghệ thuật sơn mài.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 4/2010-10/2011
g/ Kinh phí thực hiện: 137.500.000 đồng.
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)