a/ Tên nhiệm vụ: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất cây mít (Artocarpus heterophyllus Lamk) phục vụ chế biến và ăn tươi trên địa bàn tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Bùi Xuân Khôi và cá nhân tham gia chính:
1. ThS. Mai Văn Trị
2. ThS. Đỗ Văn Quỹ
3. KS. Vũ Mạnh Hà
4. KS. Lê Thị Vân
5. KS. Vũ Thị Hà
6. KS. Lê Văn Thịnh
7. KS. Phan Văn Dũng
8. KS. Nguyễn Văn Hòa
9. KS. Hoàng Văn Diệu
d/ Mục tiêu nghiên cứu: Phát triển và cải thiện hiệu quả sản xuất cây mít ráo phục vụ chế biến và ăn tươi trên địa bàn tỉnh Bình Dương thông qua xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên, tham quan và hội thảo.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Mít nghệ (Artocarpus heterophyllus Lamk) là cây ăn trái hiện có tiềm năng lớn về thị trường tiêu thụ, có thể vừa làm nguyên liệu chế biến vừa có thể ăn tươi, sản phẩm chế biến có giá trị kinh tế cao. Hiện nay mít nguyên liệu chế biến cung không đủ cầu.
Bình Dương là tỉnh có điều kiện phát triển cây mít nghệ như khí hậu thuận lợi, đặc biệt là đất đai để mở rộng diện tích, nhất là ở các vùng đất trồng cần phủ xanh, các vùng đất không thuận lợi mà những cây trồng khó tính khác không thể phát triển được. Tuy nhiên diện tích ở các nông hộ thường ít, nhỏ lẻ chưa có tập quán thâm canh cây mít với quy mô lớn và cung cấp các sản phẩm theo kiểu chuyên canh hàng hóa. Hiện có một số cơ sở chế biến mít trên địa bàn và khu vực xung quanh như:
Dona Newtower, Inter Food, Cơ sở sản xuất Gia Kiệm, công ty Đức Thành… đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ nguyên liệu trái cây, trong đó có mít.
Ngoài ra, một số cơ sở sấy mít ở địa phương hình thành trong những năm gần đây cũng có sức mua lớn. Điều đó cho thấy thị trường tiêu thụ mít nghệ có sức thu hút mạnh, trong khi sản lượng còn thấp. Những nước sản xuất nhiều mít có thể kể đến là Thái Lan, Malaysia, Philippine, Việt Nam, Trung Quốc. Nhưng sản lượng mít nguyên liệu còn ít so với nhu cầu của thị trường.
Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác mít chưa được chú trọng. Tập quán trồng mít của nông dân trước đây chủ yếu theo kiểu quảng canh. Năng suất mít trung bình ước tính khoảng 14-16 tấn/ha, nhìn chung vẫn còn thấp, chưa phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Cùng với hiện trạng các vườn mít trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, chưa áp dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật canh tác mới vì vậy năng suất và chất lượng còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Việc đưa cây mít vào cơ cấu cây trồng và chuyển giao kỹ thuật phát triển nghề trồng mít trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu mít trên thị trường hiện nay là cần thiết. Chính vì vậy, nhóm tác giả đề xuất thực hiện dự án “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển và cải thiện hiệu quả sản xuất cây mít (Artocarpus heterophyllus Lamk) phục vụ chế biến và ăn tươi trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Mục tiêu của dự án: Phát triển và cải thiện hiệu quả cây mít ráo phục vụ chế biến và ăn tươi trên địa bàn tỉnh Bình Dương thông qua xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên, tham quan và hội thảo.
Cụ thể, dự án tiến hành thực hiện xác định hiện trạng trồng mít trên địa bàn tỉnh và nhu cầu, tiêu chuẩn mít nguyên liệu cho các nhà máy thông qua điều tra hiện trạng canh tác cây mít trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Qua đó cho thấy, đa số các vườn mít có diện tích nhỏ, phân tán, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Mức độ đầu tư thâm canh cho vườn mít chưa cao. So với một số cây trồng khác, mít là cây trồng có hiệu quả, nhiều nhà vườn đang có ý định mở rộng diện tích. Các vườn mít chưa áp dụng đồng bộ các kỹ thuật, năng suất thấp, sâu bệnh hại nhiều. Việc bón phân, tỉa cành, tạo tán và tỉa trái và phòng trừ bệnh hại còn nhiều bất cập. Đặc biệt bệnh thối gốc, chảy nhựa đang gây hại ở hầu hết các vườn mít thái làm nhiều cây trong vườn bị chết và giảm năng suất đáng kể.
Từ kết quả điều tra, nhóm thực hiện cũng đã đề xuất các giải pháp cho sản xuất cây mít trên địa bàn tỉnh Bình Dương như: Cần cải tạo dần và thay thế giống mới có năng suất cao đối với vườn mít lâu năm được trồng từ hạt; có thể sử dụng giống MĐN06 cho mít nguyên liệu chế biến; các giống mít thái cần chú ý phòng trừ sâu bệnh; tạo thông thoáng cho vườn mít; khi trồng mới cần thiết kế khoảng cách phù hợp, có chiến lược tỉa cảnh, tạo tán thích hợp; khuyến khích các nhà vườn đầu tư, chăm sóc; áp dụng các biện pháp thâm canh đồng bộ…
Thực hiện mô hình trình diễn: Mô hình trồng mới cây mít áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp; mô hình cải tạo vườn mít có sẳn theo hướng tổng hợp; mô hình tưới tiết kiệm cho vườn mít thâm canh; mô hình trình diễn phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên cây mít. Trong mô hình trồng mới, cây mít sinh trưởng tốt, vượt trội so với lô đối chứng. Mít Khanun vàng sớm ra trái, trong khi giống mít MĐN06 chưa ra trái. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm một số sâu bệnh hại trên mít Khanun cao hơn mít MĐN06.
Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án, nhóm thực hiện cũng tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 400 nhà vườn tham dự, tổ chức 5 đợt hội thảo đầu bờ và đào tạo kỹ thuật viên 6 kỹ thuật viên trên địa bàn huyện Tân Uyên và Phú Giáo. Qua đó, đã giúp cho nhà vườn nâng cao hiểu biết, kỹ năng và tầm quan trọng của việc thâm canh tăng năng suất.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 07/2008
- Thời gian kết thúc: 07/2011
g/ Kinh phí thực hiện: 477.933.100 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).