a. Tên nhiệm vụ: Đánh giá sự hiện diện và hiệu suất xử lý vi nhựa có trong hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tỉnh Bình Dương
b. Cấp quản lý nhiệm vụ: cơ sở
c. Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
d. Chủ nhiệm nhiệm vụ: SV Hồ Tống Trọn
e. Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá hàm lượng và hiệu suất xử lý vi nhựa của hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải Dĩ An và nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một.
- Mô tả đặc trưng thành phần vi nhựa trong nước thải sinh hoạt sau xử lý và bùn bằng hệ thống lọc với mắt lưới lọc 25μm, 100μm và 300μm
f. Tóm tắt:
Đây là đề tài nghiên cứu do sinh viên Hồ Tống Trọn thực hiện vào năm 2022 với mục tiêu nghiên cứu hàm lượng vi nhựa có trong nước thải sinh hoạt trước, sau khi xử lý và trong bùn thải trong hệ thống nước thải sinh hoạt tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, đề tài đã đánh giá hàm lượng và hiệu suất xử lý vi nhựa của hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải Dĩ An và nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một. Mô tả đặc trưng thành phần vi nhựa trong nước thải sinh hoạt sau xử lý và bùn bằng hệ thống lọc với mắt lưới lọc 25μm, 100μm và 300μm.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tác giả đã tiến hành nghiên cứu 4 nội dung sau: khảo sát hiện trạng thu gom và xử lý nước thải tại Bình Dương; thu thập mẫu vi nhựa trước, sau khi xử lý và bùn thải có trong nước thải sinh hoạt; thiết lập mô hình thực nghiệm đánh giá nồng độ vi nhựa có trong nước; phân tích mẫu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, vi nhựa trong nước thải sinh hoạt sau xử lý vẫn còn tồn tại. Phương pháp thực nghiệm được tiến hành một cách kỹ lưỡng và khoa học. Kết quả cho thấy kích thước vi nhựa trong nước thải sinh hoạt dao động từ 10,4 - 1383 micron. Thành phần vi nhựa trong nước thải và bùn thải chủ yếu là plastic fragment, plastic film và filament. Nồng độ vi nhựa có trong nước thải sinh hoạt dao động từ 0,11 - 0,52 hạt vi nhựa/L. Hiệu suất xử lý vi nhựa của hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đạt 99,9%. Mật độ vi nhựa trong bùn thải nhiều hơn trong nước thải. Vi nhựa fragment chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 55,8% trong nước thải và 48,2% trong bụi thải, vi nhựa film trong nước thải sinh hoạt có tỷ trọng 30,8% và bùn thải khoảng 39,2%, filaments chiếm tỷ trọng là 13,4% trong nước thải và 12,6% trong bùn thải. Vi nhựa màu xanh dương chiếm ưu thế, với giá trị trung bình cộng là 31,6% ± 15,3, màu đỏ (22,4 ± 0,91%), màu hồng (11,4 ± 8,5), màu xám (10,6 ± 10,2), màu nâu (7 ± 4), màu nâu (7 ± 4).
Bên cạnh đó, đề tài còn cho thấy sự hiện diện của vi nhựa có trong bùn thải nhiều hơn nước thải sau xử lý. Hiện nay hiệu quả xử lý vi nhựa tại các nhà máy xử lý nước thải tỉnh Bình Dương đạt hiệu quả cao 99,9%. Tuy nhiên, vi nhựa vẫn tồn tại trong nước thải sau xử lý là khá lớn. Điều này có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sinh vật thủy sinh trong nước. Nghiên cứu chỉ ra phương pháp phân tích hạt vi nhựa trong nước thải và bùn thải có khả năng mở rộng áp dụng cho đối tượng nghiên cứu khác. Các loại vật tư sử dụng trong phương pháp này cũng khá phổ biến và thích hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Thông qua kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần đánh giá sự hiện diện và hiệu suất xử lý vi nhựa có trong hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tỉnh Bình Dương, làm tiền đề cho việc xử lý vi nhựa, tránh các mối nguy mà ô nhiễm nhựa mang lại.
g. Lĩnh vực nghiên cứu:
h. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp khảo sát thực địa; Phương pháp thu thập mẫu; Phương pháp phân tích mẫu; Xử lý mẫu
i. Thời gian thực hiện: 01/03/2021- 01/03/2022
j. Kinh phí phê duyệt: 19.665.800