a. Tên nhiệm vụ: Đánh giá tác động hợp lực của cao chiết từ các bộ phận khác nhau của cây khế Averrhoa Carambola L.với nano Vàng (Gold nanoparticles) trên khuẩn Staphylococcus aureus
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Nguyễn Thị Nhật Hằng và cá nhân tham gia thực hiện:
1. ThS Mai Thị Ngọc Lan Thanh
d. Mục tiêu nghiên cứu: Tổng hợp thành công hạt nano vàng từ dịch chiết thực vật có khả năng làm tăng hoạt tính kháng khuẩn Staphylococcus aureus so với khi chỉ sử dụng dịch chiết thực vật
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Ở nước ta, điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã cho ra một hệ sinh thái phong phú, đa dạng và có tiềm năng to lớn về tài nguyên cây thuốc. Thực vật dùng làm thuốc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã được sử dụng từ xa xưa theo các đơn thuốc y học cổ truyền vẫn còn giá trị sử dụng cho đến ngày nay trong trị chữa các bệnh cấp tính và mãn tính.
Có thể đơn cử một số bài thuốc dân gian chữa bệnh nhiễm khuẩn như: Bù xít (Ageratum conyzoides L) chữa viêm xoang, nước sắc bằng cồn của Ngũ trảo được thử nghiệm cho thấy có tính kháng sinh đối với Bacillus subtilis, Escherichia coli, Salmonella typhi, Vibrio mimicus, staphyllococcus aureus, Proteus vulgaris, Proteus aeruginosa và 3 loài nấm (Aapergillus niger, Aspergillus flavon, Candida albicans). Nước sắc hoặc rượu Ngũ trảo có tác dụng kháng sinh trên các vi khuẩn trên trị trúng thực, sình bụng, tiêu chảy, huyết trắng, nhiễm trùng da.
Với thực trạng, trong 30 trở lại đây con người chưa thực sự thành công trong việc tìm ra loại kháng sinh nào mới mà chủ yếu là các dạng sửa đổi dựa vào khung nguyên bản của thuốc kháng sinh thế hệ cũ, việc tìm kiếm một phương pháp mới để kháng lại vi khuẩn có khả năng kháng sinh, đặc biệt dạng siêu kháng là hết sức cấp bách. Một trong những phương pháp có khả năng kháng vi khuẩn kháng kháng sinh đó là sự kết hợp các hợp chất thực vật với các tác nhân diệt khuẩn khác là một hướng đi mới hiện nay.
Từ đó, tác giả Nguyễn Thị Nhật Hằng - trường Đại học Thủ Dầu Một đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá tác động hợp lực của cao chiết từ các bộ phận khác nhau của cây khế Averrhoa Carambola L. với nano vàng (Gold Nanoparticles) trên khuẩn Staphylococcus Aureus.” với mục tiêu tăng hoạt tính kháng khuẩn Staphylococcus Aureus của hoạt chất thực vật khi kết hợp với nano vàng.
Hạt nano vàng là một vật liệu quý hiếm. Nó đã và đang thu hút được sự chú ý rất lớn của các nhà khoa học cùng với vô số những ứng dụng đang gia tăng hàng ngày. Các ứng dụng phát triển rất mạnh trong những thập kỷ qua đó là việc sử dụng các hạt nano vàng trong y học, sinh học hay khoa học sự sống. có những lĩnh vực ứng dụng nổi bật trong y sinh: chuyển dẫn thuốc, đánh dấu sinh học và cảm ứng.
Cấu trúc và thuộc tính của nano vàng có nhiếu ứng dụng trong lĩnh vực sinh y học, y học. Tuy nhiên, việc ứng dụng nano vàng trong vấn đề diệt khuẩn thường đòi hỏi nồng độ rất cao, ở nồng độ diệt khuẩn có thể gây độc cho tế bào. Một hướng khác, nano vàng có thể đóng vai trò như một chất chuyên chở và phân phối kháng sinh do đó cải thiện được tác động của kháng sinh.
Cây khế có tên khoa học là Averrhoa Carambola L. cây khế chậm lớn, thân thẳng, tán rộng. Trái khế có hình dạng rất đẹp, được dùng nhiều trong các món ăn, nhưng giá trị dinh dưỡng không cao. Trong 100g khế chỉ cho 35,7 Calo. Tuy nhiên, khế là nguồn thức ăn rất giàu vitamin C, ăn một quả khế có thể cung cấp 1/3 lượng vitamin C cho cơ thể mỗi ngày, giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Theo đông y, khế còn gọi là ngũ liểm tử có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, khế có vị chua, tính bình, dùng để giải khát, giải độc, lợi tiểu. Dùng quả khế ép lấy nước uống rất tốt để giải nhiệt cũng như chống cảm nắng, chữa ho, viêm họng. Khế có thể chữa dị ứng do tiếp xúc với sơn, lá khế tươi có thể trị nổi mề đay, vỏ cây khế sẽ rất công dụng khi trẻ em bị lên sởi, hoa khế làm giảm những cơn ho khan, ho có đờm.
Trong quá trình triển khai đề tài, tác giả đã thực hiện thu dịch chiết lá và quả và nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng là thời gian, nhiệt độ, pH, nồng độ dịch chiết đến quá trình tổng hợp nano vàng; thu phân đoạn dịch chiết lá dùng làm tác nhân khử cho quá trình tổng hợp nano vàng. Kết quả:
Đề tài đã tổng hợp thành công hạt nano vàng từ dịch chiết thực vật có khả năng làm tăng hoạt tính kháng khuẩn Staphylococcus Aureus so với khi chỉ sử dụng dịch chiết thực vật; tổng hợp thành công hạt nano vàng khi sử dụng cao chiết và bước đầu xác định các điều kiện tối ưu từ các phân đoạn dịch chiết thực vật nhằm tạo hạt nano vàng bằng phương pháp tổng hợp xanh không sử dụng hóa chất, điều kiện gần giống với sinh lý cơ thể nhằm bước đầu ứng dụng nano vàng trong lĩnh vực y - sinh.
Để tài đã hoàn thành theo mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên để phát triển hơn nữa trong lĩnh vực này, tác giả đã đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế tăng hoạt tính kháng khuẩn của dịch chiết thực vật do sự ảnh hưởng của nano vàng; nghiên cứu cơ chế điều chỉnh kích thước và hình dạng nano vàng cho hoạt tính sinh học và khảo sát thêm độc tính của nano vàng đối với tế bào, góp phần chứng minh khả năng năng dụng trong y sinh của dung dịch nano vàng tổng hợp thành công.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 10/2016
- Thời gian kết thúc: 10/2017
f. Kinh phí thực hiện: 54.338.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).