a. Tên nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp tổng hợp quản lý chất lượng nước lưu vực sông Thị Tính, tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường
c. Chủ nhiệm đề tài: TS Trần Minh Chí
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Đánh giá khả năng tự làm sạch của sông Thị Tính trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát hiện trạng môi trường lưu vực sông Thị Tính
- Dự báo các tác động đến chất lượng nước sông Thị Tính căn cứ vào hiện trạng và quy hoạch, xu hướng phát triển KTXH ở lưu vực sông Thị Tính.
- Đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp: Xác định tiêu chuẩn thải, áp dụng các công cụ quản lý môi trường.
- Quản lý tổng hợp phục vụ phát triển bền vững của lưu vực sông Thị Tính
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
I. Đặt vấn đề
Việc áp dụng bộ TCVN 5945-2005 là một bước tiến quan trọng về tiêu chuẩn xả thải. Theo bộ tiêu chuẩn này, các yếu tố như tải lượng phát thải và lưu lượng của nguồn tiếp nhận đã được tính đến. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận (tự làm sạch) của nguồn tiếp nhận chưa được tính đến một cách triệt để đặc biệt là đối với sông Thị Tính có đa chức năng: Cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiếp nhận nước thải từ các nguồn khác nhau như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong lưu vực. Do vậy, việc triển khai thực hiện đề tài là cần thiết nhằm mục đích quản lý tổng hợp phục vụ phát triển bền vững của lưu vực sông Thị Tính.
II. Mục tiêu nghiên cứu
Đánh giá khả năng tự làm sạch của sông Thị Tính trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát hiện trạng môi trường lưu vực sông Thị Tính.
Dự báo các tác động đến chất lượng nước sông Thị Tính căn cứ vào hiện trạng và quy hoạch, xu hướng phát triển KTXH ở lưu vực sông Thị Tính.
Đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp: Xác định tiêu chuẩn thải, áp dụng các công cụ quản lý môi trường.
Quản lý tổng hợp phục vụ phát triển bền vững của lưu vực sông Thị Tính.
III. Nội dung nghiên cứu
Lập lưu vực của sông Thị Tính, khảo sát lưu vực sông Thị Tính: Xác định ranh giới thủy vực của sông Thị Tính, các nhánh, các công trình thủy lợi như cầu, cống, chế độ thủy lực… hiện trạng sử dụng đất xây dựng bản đồ điện tử phục vụ các nội dung tiếp theo.
Khảo sát, đo đạc các thông số thủy văn và hóa - lý - sinh học của sông Thị Tính, mùa mưa, mùa khô.
Lấy mẫu, phân tích môi trường nước bao gồm chất thải rắn, nước thải, nước mặt và nước ngầm tại lưu vực sông Thị Tính, hiện trạng quản lý chất thải rắn tại lưu vực, đặc trưng của các dòng thải chính vào sông Thị Tính.
Xác định các nguồn gây ô nhiễm và phân loại theo nguồn điểm (point sources), nguồn diện (nonpoint sources) ngành nghề, quy mô, địa điểm: Tọa độ các nguồn thải, đặc trưng của các nguồn thải như chế độ thải, cường độ ô nhiễm, các chất ô nhiễm đặc biệt và hiện trạng quản lý/xử lý chất thải.
Xác lập mô hình chất lượng nước của sông Thị Tính căn cứ vào các kết quả điều tra, khảo sát và mô hình chất lượng nước QUAL2K của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Liên Bang Mỹ (US EPA).
Đánh giá khả năng chịu đựng (khả năng tự làm sạch) của sông Thị Tính sử dụng mô hình và các kết quả điều tra, khảo sát.
Đánh giá tác động môi trường tại lưu vực: Tác động của nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp (nếu có) chất thải rắn đến chất lượng môi trường nước mặt, đất và nước ngầm trong khu vực.
Xây dựng một quy hoạch môi trường hợp lý cho khu vực sông Thị Tính, nhằm đảm bảo phát triển KTXH trên cơ sở giảm thiểu tối đa các tác động môi trường.
Xây dựng và tiến hành áp dụng chương trình nâng cao nhận thức môi trường và phát triển bền vững trong cộng đồng, kể cả các nhà sản xuất và dân cư.
Xây dựng và tiến hành áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn kết hợp với tái chế/tái sử dụng tại các cơ sở sản xuất tại địa phương.
Xây dựng và bảo vệ chương trình kiểm soát ô nhiễm tại nguồn và tập trung.
Xây dựng và kiến nghị áp dụng các biện pháp khuyến khích và chế tài sử dụng đòn bẩy kinh tế…
Đề xuất chương trình tổng thể cải thiện môi trường lưu vực sông Thị Tính.
III. Kết quả nghiên cứu
Lưu vực sông Thị Tính có tọa độ địa lý khoảng 106o22’ ÷ 106o40’ kinh độ Đông và 11o15’ ÷ 11o30’ vĩ độ Bắc. Toàn bộ lưu vực sông Thị Tính có diện tích khoảng 840 km2, thuộc địa phận các huyện: Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và một phần nhỏ nằm trên địa phận tỉnh Bình Phước.
Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, lưu vực sông Thị Tính nằm trên địa bàn các huyện như Bến Cát và Dầu Tiếng, một phần rất nhỏ trên địa bàn huyện Tân Uyên và thị xã Thủ Dầu Một.
Trên lưu vực sông Thị Tính hiện có 3 khu công nghiệp (KCN): Mỹ Phước I, Mỹ Phước II, Mỹ Phước III, 1 cụm công nghiệp (CCN): Tân Định và 19 nhà máy nằm ngoài các KCN, CCN đang hoạt động thuộc các ngành nghề khác nhau bao gồm sản xuất giấy, bao bì (08 nhà máy); chế biến mủ cao su (06); chăn nuôi gia súc (04) và chế biến rượu các loại (01) với tổng diện tích đất công nghiệp lên đến khoảng 1.654 ha, phân bố tập trung ở khu vực hạ lưu (khu vực huyện Bến Cát).
1. Xác lập các tiểu lưu vực sông Thị Tính
a) Tiểu lưu vực 1
Tiểu lưu vực 1 sông Thị Tính: Bao gồm 2 chi lưu là rạch Bến Củi và suối Bà Lăng.
Tiểu lưu vực 1 bao gồm một phần huyện Bến Cát; một phần rất nhỏ trên huyện Dầu Tiếng và Tân Uyên. Trong đó có các xã/thị trấn: Lai Uyên, Long
Nguyên, Tân Hưng, Lai Hưng, Hưng Hòa, Phú Chánh, Mỹ Phước;
Trên tiểu lưu vực 1 là nơi tập trung quy hoạch phát triển các KCN lớn như Bàu Bàng và Lai Hưng. Ngoài ra, tiểu lưu vực 1 cũng là nơi tập trung 6 nhà máy hiện hữu thuộc ngành chế biến mủ cao su, chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi.
b) Tiểu lưu vực 2
Tiểu lưu vực 2 sông Thị Tính: Thượng nguồn sông Thị Tính.
Tiểu lưu vực 2 bao gồm một phần huyện Dầu Tiếng, Bến Cát và một phần đất của tỉnh Bình Phước; trong đó có các xã/thị trấn: Minh Hòa, Minh Thạnh, Minh Tân, Định An, Định Hiệp, Trừ Văn Thố, Long Hòa, Cây Trường 2, Long Tân,Lai Uyên, An Lập, Long Nguyên thuộc tỉnh Bình Dương.
Trong tiểu lưu vực 2 không có KCN/CCN. Tuy nhiên, tại tiểu lưu vực 2 có 6 nhà máy hiện hữu thuộc ngành chế biến mủ cao su, chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi.
Điểm quy hoạch lấy nước cho nhà máy nước cấp thị trấn Mỹ Phước nằm ngay điểm cuối cùng của tiểu lưu vực 2.
c) Tiểu lưu vực 3
Tiểu lưu vực 3 sông Thị Tính: Hạ nguồn sông Thị Tính
Nằm trên địa bàn một phần huyện Bến Cát; một phần rất nhỏ trên thị xã Thủ Dầu Một;
Nằm trên địa bàn các xã/thị trấn: Một phần xã Long Nguyên, Mỹ Phước, An Điền, Hòa Lợi, An Tây, Thới Hòa, Phú An, Tân An, Hiệp An, Định Hòa;
Tại tiểu lưu vực 3 là nơi quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị nhiều nhất trong số 3 tiểu lưu vực. Tại tiểu lưu vực 3 có 6 KCN/CCN, đó là KCN Mỹ Phước 1, KCN Mỹ Phước 2, KCN Mỹ Phước 3, KCN Thới Hòa, CCN Tân Định và CCN An Điền và có 7 nhà máy.
Tại tiểu lưu vực 3 có điểm lấy nước cho nhà máy nước Tân Định An hiện hữu.
2. Các nguồn thải
Trên lưu vực sông Thị Tính hiện có 3 KCN (Mỹ Phước I, Mỹ Phước II, Mỹ Phước III), 1 CCN (Tân Định) và 19 nhà máy nằm ngoài các KCN, CCN đang hoạt động thuộc các ngành nghề khác nhau bao gồm sản xuất giấy, bao bì (08 nhà máy); chế biến mủ cao su (06); chăn nuôi gia súc (04) và chế biến rượu các loại (01) với tổng diện tích đất công nghiệp lên đến khoảng 1.654 ha, phân bố tập trung ở khu vực hạ lưu (khu vực huyện Bến Cát).
Đa phần các cụm dân dư hiện nay trên lưu vực sông Thị Tính chưa có hệ thống thu gom nước thải, nước thải từ sản xuất nông nghiệp và nước mưa chảy tràn.
3. Đánh giá chung về chất lượng nước sông Thị Tính
Chất lượng nước sông Thị Tính hiện chưa đạt tiêu chuẩn đối với nguồn cấp nước.
Mức độ ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng của nước sông Thị Tính ở mức độ trung bình. Mức độ ô nhiễm cao hơn vào mùa mưa. Điều này cho thấy, ảnh hưởng của các nguồn thải dạng diện đến chất lượng nước sông hiện hữu mạnh hơn so với các nguồn khác. Các nguồn thải dạng diện chủ yếu là nước thải từ canh tác nông nghiệp, nước thải sinh hoạt và nước mưa cuốn theo các chất thải chưa thu gom được.
Việc ghi nhận được sự hiện diện của thuốc bảo vệ thực vật (họ Chlor hữu cơ) khẳng định ảnh hưởng của dòng nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trong khu vực.
Mức độ ô nhiễm NH4+ trong nước sông Thị Tính, đặc biệt là tại tiểu lưu vực 1 khẳng định ảnh hưởng của nước thải từ ngành chế biến mủ cao su ở đây chưa được kiểm soát tốt.
Giá trị pH của nước sông Thị Tính khá thấp, mặc dù trong lưu vực không có đất phèn hoạt động. Nguyên nhân có thể do các yêu tố khác như quá trình rửa trôi các chất ô nhiễm bởi nước mưa hoặc các nguồn thải công nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Nước sông Thị Tính không bị nhiễm mặn.
Hiện trạng ô nhiễm dầu mỡ chưa cao nhưng cũng đến mức cần lưu ý.
4. Xây dựng mô hình chất lượng nước sông Thị Tính
Dựa trên các cơ sở dữ liệu: Các thông số thủy lực, các thông số thời tiết khí hậu và thảm thực vật, các giá trị hệ số, các thông số về chất lượng nước, dữ liệu đầu vào đặc trưng hình thái, thủy lực/thuỷ văn, đặc trưng thời tiết khí hậu lưu vực sông, hiện trạng chất lượng nước sông, đặc trưng hệ thủy sinh, các thông số về nguồn xả thải và các giá trị đầu vào khác của mô hình QUAL2K được kế thừa từ nghiên cứu thực nghiệm và ứng dụng mô bình QUAL2K tại Việt Nam và trên thế giới mô hình QUAL2K cho 61 phân đoạn sông Thị Tính đã được xây dựng.
Áp dụng mô hình Qual2K để đánh giá tác động của các nguồn thải hiện hữu đến chất lượng sông Thị Tính trên toàn lưu vực và trên từng tiểu lưu vực.
Áp dụng mô hình Qual2K để đánh giá khả năng tự làm sạch của sông Thị Tính:
Khả năng tự làm sạch hay còn gọi là khả năng đồng hoá (assimilative capacity) của nguồn nước mặt là tải lượng các chất ô nhiễm mà nguồn nước mặt đó có khả năng tiếp nhận mà vẫn có khả năng duy trì chức năng chính của nó. Đối với một dòng sông, tiêu chí để đánh giá khả năng tự làm sạch có thể là khả năng duy trì hàm lượng ôxy hoà tan/hoặc hàm lượng BOD nhất định. Kết quả áp dụng mô hình Qual2K đã tính được khả năng tự làm sạch của sông Thị Tính là 58 tấn BOD/ngày.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng mô hình Qual2k để chạy cho 3 kịch bản qui hoạch phát triển KTXH tại lưu vực sông Thị Tính. Kết quả cho thấy:
- Đối với mức độ phát triển KTXH ở mức vừa, nếu các nguồn thải được kiểm soát tốt theo tiêu chuẩn xả thải hiện hành thì chất lượng nước sông Thị Tính sẽ đáp ứng được mục tiêu phục vụ cấp nước sinh hoạt.
- Để thực hiện kịch bản phát triển KTXH ở mức cao cần phải kiểm soát các nguồn diện tốt hơn.
- Trong trường hợp thực hiện kịch bản phát triển KTXH ở mức cao nhất, ngoài việc cần kiểm soát nguồn diện tốt hơn, còn cần phải kiểm soát việc xả nước thải công nghiệp chặt chẽ hơn hoặc bằng cách hạn chế lưu lượng xả thải hoặc áp dụng tiêu chuẩn xả thải khắt khe hơn.
5. Quy hoạch môi trường phục vụ phát triển bền vững tại lưu vực sông Thị Tính: Kiểm soát chất thải ngành chế biến mủ cao su, kiểm soát tốc độ phát triển công nghiệp trong lưu vực, đẩy mạnh công tác quản lý chất thải đối với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thân thiện môi trường, triển khai một số vùng đệm (đất ngập nước) nhằm mục đích hồi phục sinh học.
6. Kế hoạch hành động bảo vệ môi trường hướng phát triển bền vững trong lưu vực sông Thị Tính: Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong cộng đồng, đẩy mạnh sản xuất sạch hơn kết hợp với tái chế và tái sử dụng, kiểm soát ô nhiễm do chất thải, đẩy mạnh việc sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường và thiết kế chương trình quan trắc chất lượng nước sông Thị Tính.
IV. Kết luận và kiến nghị
1. Kết luận
a) Xác lập lưu vực và các tiểu lưu vực của sông Thị Tính
Căn cứ trên điều kiện tự nhiên, bằng phương pháp GIS với phần mềm ArcMap đã xác lập được lưu vực của sông Thị Tính, cũng như 3 tiểu lưu vực của sông này có lưu ý đến hiện trạng và qui hoạch phát triển KTXH tại lưu vực sông.
Tiểu lưu vực thứ nhất bao gồm 2 chi lưu là rạch Bến Củi và suối Bà Lăng, một phần huyện Bến Cát; một phần rất nhỏ trên huyện Dầu Tiếng và Tân Uyên, trong đó có các xã/thị trấn: Lai Uyên, Long Nguyên, Tân Hưng, Lai Hưng, Hưng Hòa, Phú Chánh, Mỹ Phước…với các đặc điểm như lưu lượng nhỏ, dòng chảy lớn, không có khả năng phục vụ lưu thông thủy, hiện tiếp nhận chủ yếu là nước thải sinh hoạt và nông nghiệp. Đây là nơi qui hoạch phát triển các KCN lớn như Bàu Bàng và Lai Hưng. Ngoài ra ở đây tập trung 6 nhà máy thuộc ngành chế biến mủ cao su, chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi.
Tiểu lưu vực thứ hai nằm ở thượng nguồn sông Thị Tính, bao gồm một phần huyện Dầu Tiếng và Bến Cát và một phần đất của tỉnh Bình Phước, trong đó có các xã/thị trấn: Minh Hòa, Minh Thạnh, Minh Tân, Định An, Định Hiệp, Trừ Văn Thố, Long Hòa, Cây Trường 2, Long Tân, Lai Uyên, An Lập, Long Nguyên thuộc tỉnh Bình Dương, Trong tiểu lưu vực này cho đến nay chưa có các KCN/CCN, tuy nhiên tại đây có 6 nhà máy thuộc ngành chế biến mủ cao su, chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi.
Tiểu lưu vực thứ ba nằm ở hạ nguồn sông Thị Tính, trên địa bàn một phần huyện Bến Cát; một phần nhỏ trên điạ bàn thị xã Thủ Dầu Một, bao gồm các xã/thị trấn: Long Nguyên, Mỹ Phước, An Điền, Hòa Lợi, An Tây, Thới Hòa, Phú An, Tân An, Hiệp An, Định Hòa; Đây là nơi quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị nhiều nhất trong số 3 tiểu lưu vực. Tại tiểu lưu vực 3 có 6 KCN/CCN, gồm các KCN Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Thới Hòa, các CCN Tân Định, An Điền và 7 nhà máy phân tán. Đây là nguồn tiếp nhận nước thải của một phần Thị xã Thủ Dầu Một và các cơ sở công nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến họng lấy nước thô của Nhà máy nước Bến Than, TP.HCM. Tại đây có điểm lấy nước cho nhà máy nước Tân Định An.
Việc phân chia thành 3 tiểu lưu vực sẽ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất lượng nước sông nói riêng tại lưu vực sông Thị Tính vì nó giúp cho các nhà quản lý tập trung được nguồn lực nhằm các mục tiêu đặc thù trên một tiểu lưu vực cụ thể.
b) Hiện trạng chất lượng nước sông Thị Tính
Dòng chính sông Thị Tính không bị nhiễm mặn, có chỉ số BOD hiện nằm trong khoảng loại A2 và B1 của QCVN 08-2008, chưa đạt tiêu chuẩn đối với nguồn sử dụng cho mục đích cấp nước. Tại đa số các điểm quan trắc, chỉ số này năm sau cao hơn năm trước.
Mức độ ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng của nước sông Thị Tính ở mức độ trung bình, mức độ ô nhiễm cao hơn vào mùa mưa do ảnh hưởng của các nguồn thải dạng diện, bao gồm nước thải từ canh tác nông nghiệp, nước thải sinh hoạt và nước mưa cuốn theo các chất thải chưa thu gom được, đến chất lượng nước sông
Mức độ ô nhiễm NH4+ trong nước sông Thị Tính, đặc biệt là tại tiểu lưu vực thứ nhất, khẳng định ảnh hưởng của nước thải từ ngành chế biến mủ cao su ở đây chưa được kiểm soát tốt.
c) Hiện trạng hệ thống quản lý môi trường tại lưu vực sông Thị Tính
Hệ thống quản lý môi trường hiện hữu tại tỉnh Bình Dương đã có tiến bộ nhiều so với 10 năm trước đây, với nhân lực chuyên trách tăng, hệ thống quan trắc môi trường ngày càng củng cố và phát triển, áp dụng các công cụ như đánh giá tác động môi trường, giấy phép khai thác nước ngầm và giấy phép xả thải, chế độ thanh tra, kiểm tra môi trường, cảnh sát môi trường ngày càng chặt chẽ.
Tuy nhiên riêng trên lưu vực Sông Thị Tính, hệ thống quản lý môi trường vẫn còn nhiều khiếm khuyết: số liệu quan trắc rời rạc, các biện pháp lồng ghép không nhiều. Lưu vực Sông Thị Tính cũng chưa được nhìn nhận như một nguồn tài nguyên nước nhạy cảm cần chú trọng đặc biệt.
Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nguy hại chưa đạt được mức độ thu gom triệt để và cấp độ xử lý an toàn.
Công tác quản lý/kiểm soát ô nhiễm do nước thải trong lưu vực sông Thị Tính hiện nay mới chỉ thực hiện được cho các đối tượng là các KCN/CCN và các nhà máy công nghiệp, riêng với các nhà máy chế biến mủ cao su chưa kiểm soát tốt và chưa kiểm soát được đối với nước thải sinh hoạt. Tần suất kiểm tra quá thấp.
Việc sử dụng phân bón hóa học thuốc bảo vệ thực vật lấy biện pháp quản lý dịch hại là chính, tăng cường sử dụng thuốc sinh học và hình thành mạng lưới kiểm tra nhanh dư lượng, mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra.
Áp dụng mô hình Qual2K để quản lý chất lượng nước sông Thị Tính
Đã xác lập được mô hình Qual2K cho sông Thị Tính theo tọa độ địa lý, các điều kiện biên, điều kiện ban đầu, các đặc trưng hình thái, thủy lực, các nguồn điểm, nguồn diện v.v. và đã hiệu chỉnh bước các thông số/hệ số lượng hóa của mô hình theo kết quả chất lượng nước sông ghi nhận qua các đợt khảo sát/lấy mẫu/phân tích.
Kết quả mô phỏng cho kịch bản KB-hh-1 khá tương thích về xu hướng với kết quả khảo sát, phân tích hiện trạng chất lượng nước sông Thị Tính.
Chất lượng nguồn thải dạng diện đóng vai trò quan trọng đến chất lượng nước sông Thị Tính hiện hữu.
Tiểu lưu vực thứ hai có mức độ ảnh hưởng cao nhất đến chất lượng nước sông Thị Tính.
Kết hợp với kết quả mô phỏng của các kịch bản KB-hh-1,2,3 cho thấy mức độ tác động của các nguồn thải tại khu vực đầu nguồn của sông Thị Tính có ảnh hưởng mạnh đến chất lượng nước sông Thị Tính.
Tóm lại, mô hình Qual2K với các thông số đầu vào đã xác lập hoàn toàn thích hợp cho công tác dự báo chất lượng nước sông Thị Tính.
d) Dự báo tác động của các kịch bản quy hoạch phát triển KTXH chất lượng nước sông Thị Tính
Áp dụng mô hình Qual2k để dự báo tác động môi trường của ba kịch bản phát triển KTXH chính và các kịch bản phụ, xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản bao gồm: Mức độ công nghiệp hóa; mức độ đô thị hóa và khả năng kiểm soát các nguồn thải; cho thấy với mức độ phát triển KTXH ở mức vừa, nếu các nguồn thải được kiểm soát tốt theo tiêu chuẩn xả thải hiện hành thì chất lượng nước sông Thị Tính sẽ đáp ứng được mục tiêu phục vụ cấp nước sinh hoạt.
Để thực hiện kịch bản phát triển KTXH ở mức cao cần phải kiểm soát các nguồn diện tốt hơn.
Trong trường hợp thực hiện kịch bản phát triển KTXH ở mức cao nhất ngoài việc cần kiểm soát nguồn diện tốt hơn, còn cần phải kiểm soát việc xả nước thải công nghiệp chặt chẽ hơn hoặc bằng cách (i) hạn chế lưu lượng xả thải hoặc (ii) áp dụng tiêu chuẩn xả thải khắt khe hơn.
e) Các kế hoạch hành động cho lưu vực sông Thị Tính
Dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, tham khảo kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2005 - 2020, đã đề xuất các kế hoạch hành động chi tiết cho lưu vực sông Thị Tính, bao gồm các mô tả về mục tiêu, nội dung, thời gian dự kiến bắt đầu, thời gian dự kiến kết thúc, các cơ quan tham gia, cơ quan chủ trì, kinh phí dự kiến, mức thấp nhất, trung bình và cao nhất, gồm:
- Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong cộng đồng.
- Đẩy mạnh sản xuất sạch hơn kết hợp với tái chế và tái sử dụng.
- Kiểm soát ô nhiễm tại nguồn và tập trung.
- Khuyếch trương các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường.
- Chương trình quan trắc môi trường cập nhật cho lưu vực sông Thị Tính.
- Triển khai các hệ đất ngập nước ven sông ở khu vực hạ lưu tiểu lưu vực thứ hai với chức năng hồi phục sinh học cho nước thải sau khi xử lý.
2. Kiến nghị
Phê duyệt và thực hiện các kế hoạch hành động đã được đề xuất.
Áp dụng mô hình Qual2k tại các cơ quan tham mưu của tỉnh nhằm rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch phát triển KTXH tại lưu vực, nhằm có những mục tiêu hợp lý hơn, duy trì và cải thiện chất lưọng nước sông Thị Tính nhằm đảm bảo đạt tiêu chuẩn cấp nước loại A của qui chuẩn QCVN 08-2008-A.
Xem xét khả năng chuyển dòng xả tới vị trí khác thuộc khu vực hạ lưu và cách xa cửa lấy nước thô của Nhà máy nước Bến Than thông qua biện pháp công trình thủy.
Đa dạng hóa hệ thống quản lý bằng các công cụ khác nhau, đặc biệt nhấn mạnh và khuyến khích tái chế, tái sử dụng, làm cho các biện pháp kinh tế, chế tài có ý nghĩa thực tế hơn.
Bảo tồn các hệ đất ngập nước ven sông ở khu vực hạ lưu tiểu lưu vực thứ hai, đầu tiểu lưu vực thứ ba thông qua các dự án nhằm bảo vệ, nâng cấp, tạo mới, giữ khoảng cách an toàn cho các vùng đất ngập nước có tác dụng làm sạch nước thải sau khi xử lý hay nước thải từ các nguồn diện trước khi xả vào Sông Thị Tính.
Các công tác khác như quy hoạch, quan trắc môi trường và kiểm soát ô nhiễm cũng cần gắn kết với từng tiểu lưu vực. Chẳng hạn trong tương lai các báo cáo đánh giá tác động môi trường cho một dự án phát triển trong khu vực này cần phải gắn kết chặt chẽ với các điều kiện tự nhiên cũng như các đặc thù phát triển KTXH của tiểu lưu vực.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu:
- Thời gian kết thúc: 2007
f. Kinh phí: ...... đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).