a. Tên nhiệm vụ: Điều tra liên quan đến chất độc màu da cam (chủ yếu là Dioxin) tại khu vực Mã Đà tỉnh Bình Dương
b. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Trịnh Đình Bình
c. Đơn vị chủ trì: Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Điều tra, đánh giá, mức tồn lưu chất độc hóa học chiến tranh trong môi trường đất tại Mã Đà tỉnh Bình Dương
- Lấy mẫu và phân tích tồn lưu Dioxin trong đất khu vực Mã Đà của hai huyện Tân Uyên và Phú Giáo, đánh giá và tính toán mức độ tồn lưu Dioxin trong đất khu vực này.
- Đề xuất biện pháp và giải pháp nhằm khắc phục và giảm thiểu hậu quả do tồn lưu chất độc hóa học chiến tranh trong môi trường đất tại khu vực Mã Đà tỉnh Bình Dương
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Vấn đề Dioxin đã và vẫn đang là vấn đề ưu tiên nghiên cứu và khắc phục hàng đầu của người dân Việt Nam sau chiến tranh. Hậu quả của việc rải chất diệt cỏ của Mỹ trong chiến tranh cách đây hơn 40 năm vẫn còn dai dẵng kéo dài và chưa có thời gian kết thúc. Số lượng chất diệt cỏ rải xuống từ năm 1961-1971 khoảng 80 triệu lít, phần lớn là chất trắng, chất xanh và chất da cam. Dioxin chứa trong chất da cam, là chất độc mạnh nhất mà loài người tổng hợp được, nó tác động trực tiếp lên cả người và môi trường khu vực phun rải.
Chất độc hóa học Dioxin sau khi bị phun rải xuống môi trường sẽ tồn tại trong môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, đất và tồn tại trong các động vật nhất là loại động vật đáy sống trong sông và suối. Đến nay, chất độc hóa học vẫn tồn lưu lại sau chiến tranh đang là mối quan tâm lớn nhất của nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Khu vực Mã Đà tỉnh Bình Dương là địa danh thuộc chiến khu D, trong hai cuộc chiến tranh thuộc hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Tại Bình Dương hiện nay là Tân Uyên và Phú Giáo với tổng diện tích 1.152 km2 và định hướng đến năm 2020 là vùng phát triển công nghiệp.
Khu vực này là nơi hứng chịu rất nhiều chất độc hóa học. Trong nước ngầm, đất và trong cơ thể sinh vật ở khu vực này khả năng tồn lưu vẫn cao. Trên phương diện khoa học, nếu xác định chính xác mức tồn lưu Dioxin trong đất thì có thể dự đoán và tính toán khả năng tồn lưu Dioxin trong nước ngầm và sinh vật. Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng tới môi trường đất tại khu vực này hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu, báo cáo đánh giá. Do đó, chưa đủ cơ sở để đưa ra các giải pháp phù hợp giải quyết hậu quả của các chất độc chiến tranh. Chính vì vậy, đề tài nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của chất độc hóa học trong chiến tranh lên môi trường đất tại khu vực Mã Đà, tỉnh Bình Dương là rất cần thiết.
Mục tiêu của đề tài là điều tra, đánh giá, mức tồn lưu chất độc hóa học chiến tranh trong môi trường đất tại Mã Đà tỉnh Bình Dương; lấy mẫu và phân tích tồn lưu Dioxin trong đất khu vực Mã Đà của hai huyện Phú Giáo và Tân Uyên, đánh giá và tính toán mức độ tồn lưu Dioxin trong đất khu vực này; đề xuất biện pháp và giải pháp nhằm khắc phục và giảm thiểu hậu quả do tồn lưu chất độc hóa học chiến tranh trong môi trường đất tại khu vực Mã Đà tỉnh Bình Dương.
Dioxin được biết đến là một nhóm gồm hàng trăm loại chất độc hóa học có độ bền cao trong môi trường, trong đó chất độc nhất là 2, 3, 7, 8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin hay gọi tắt là 2, 3, 7, 8-TCDD. Chất diệt cỏ màu da cam là hỗ hợp của 2,4-D và 2,4,5-T. Dioxin không hòa tan nhiều trong nước, khi bị rải xuống nước một phần lơ lửng trên mặt dần dần sẽ bị quang hóa - phân hủy, phần còn lại lắng xuống đáy ở lại lớp trầm tích. Dioxin tồn tại rất bền trong trầm tích, trong đất. Khi tiếp xúc với đất, Dioxin phát tán theo chiều thẳng đứng chậm, ngấm sâu vào trong đất và tồn tại phía bề mặt lâu hơn, cho nên phát hiện phát hiện Dioxin trên lớp bề mặt 0-30cm. Trong cơ thể sinh vật, Dioxin tích tụ trong thời gian dài và có thể lên mức nồng độ cao gấp nhiều lần môi trường xung quanh. Dioxin xâm nhập cơ thể sinh vật qua hô hấp hay qua đường tiêu hóa. Con người từ đó bị Dioxin xâm nhập qua nhiều đường trực tiếp và gián tiếp khác nhau như bị rải trúng trực tiếp, từ môi trường, qua động vật.
Trong phân tích tính toán các chất độc hóa học dioxin do Mỹ sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, khi mà vệt rải cuối cùng đã cách đây 37 năm, chiến tranh chấm dứt cách đây 34 năm (đến thời điểm nghiên cứu) thì các yếu tố do hoạt động của người ảnh hưởng phải tính toán nhằm có thể loại trừ để số liệu phân tích chính xác và khách quan. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã tính toán phát thải Dioxin và furan trong thời kỳ phát triển kinh tế với thời gian gần nhất tại hai huyện Tân Uyên và Phú Giáo.
Qua điều tra khảo sát, thống kê các nguồn phát thải Dioxin và Furan trên địa bàn nghiên cứu cho thấy, phát thải theo điều tra thống kê là 4.744mg TEQ/năm; hướng phát thải nhiều nhất là vào không khí và nước; nhóm phát thải nhiều nhất là nhóm 9 và nhóm 6, kế đến là nhóm 1 và nhóm 3, các nhóm khác có tổng tải lượng không nhiều. Các kết quả này được tính toán cụ thể dựa trên cơ sở dữ liệu điều tra, chỉ phù hợp với các cơ sở đã điều tra này, không có ý nghĩa khi nhân theo tỉ lệ công suất hoạt động hoặc số lượng của các cơ sở sản xuất. Một số hệ số phát thải của UNEP không tương thích với trình độ sản xuất, công nghệ của Việt Nam, do đó cần phải có những hệ số điều chỉnh cho phù hợp đối với điều kiện sản xuất ở Việt Nam.
Dựa trên tư liệu lịch sử chiến tranh, các cựu chiến binh tham gia suốt thời kỳ 1961-1971, số liệu kết quả nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học dùng trong chiến tranh Việt Nam (Ủy ban 10/80), kết quả nghiên cứu về số lượng các chất độc hóa học được rải xuống Bình Dương, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu phân tích tại Phú Giáo và Tân Uyên. Về tiêu chuẩn so sánh, hiện nước ta chưa có tiêu chuẩn so sánh đối với Dioxin trong đất nhưng trên thế giới đã có nhiều nơi xây dựng tiêu chuẩn. Vì vậy nhóm nghiên cứu đã tham khảo một số tiêu chuẩn của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, giới hạn cho phép của mỗi nước khác nhau và mức dao động rộng.
Tại Tân Uyên, phần lớn các giá trị hàm lượng phát hiện trong đất tương đối thấp. Khi so sánh với tiêu chuẩn được cho là khắt khe nhất của Canada thì có 7/40 số mẫu phát hiện hàm lượng quá tiêu chuẩn (17,5%). Các mẫu này chỉ vượt quá 1,0075 lần đến 2,895 lần. Đáng chú ý là Đ19 có hàm lượng cao nhất là 11,58 ppt WHO-TEQ, mẫu này thu tại khu đất trống của khu công nghiệp Đất Cuốc. Một số mẫu quang Hồ Đá Bàn cũng vượt tiêu chuẩn, khu vực này người dân thường dùng nước để tưới tiêu, nhưng với nồng độ tương đối nhỏ cộng với chưa có khảo sát chất lượng nước nên chưa thể đưa ra các nhận xét nào cho việc sử dụng nước trong hồ.
Tại Phú Giáo, có 10/20 số mẫu có tổng độ độc tương đương vượt quá tiêu chuẩn của Canada, nhiều hơn Tân Uyên 2 mẫu. Nhưng xét theo tiêu chuẩn của Thụy Điển thì cũng chỉ có 2 mẫu có tổng độ độc tương đương cao quá giới hạn cho phép. Các mẫu được phát hiện ở khu vực xã An Bình, là khu vực bị rải chất độc nhiều mật độ cao và tần suất rất lớn ở chiến khu D. Kế là khu vực xã Tam Lập, có 3 mẫu. Khu vực Tam Bình phát hiện 2 mẫu. Tuy nhiên, khu vực Tam Lập và Tam Bình vượt quá tiêu chuẩn của Canada nhưng vẫn là giá trị tương đối thấp, nằm trong tiêu chuẩn của nhiều quốc gia khác.
Về thống kê và điều tra ảnh hưởng của dioxin lên con người và các chính sách hỗ trợ cho thấy, ước tính số lượng người nghi nhiễm chất độc màu da cam trong địa bàn tỉnh Bình Dương là 5.000 người, trong đó chỉ khoảng 10% trong số đó đang được hưởng trợ cấp. Không thống kê được có bao nhiêu người đã tham gia chiến trường tại Mã Đà xưa nay còn sống. Số người hưởng trợ cấp trong địa bàn nghiên cứu là 133 người.
Đề tài điều tra liên quan đến chất độc màu da cam tại khu vực Mã Đà tỉnh Bình Dương đưa ra số liệu tồn dư Dioxin trong môi trường đất nhằm bước đầu cung cấp thông tin cần thiết cho cộng đồng dân cư cũng như các đơn vị đóng quân tại khu vực, như là số liệu làm yên tâm những người cư trú trong khu vực này. Đề tài được thực hiện trong bối cảnh nước ta trải qua thời kỳ chiến tranh 35 năm và đang trong đà xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Việc đưa ra những kết luận về ảnh hưởng của Dioxin đến môi trường và con người khu vực Mã Đà sẽ góp một phần trong định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương. Đồng thời, duy trì, phát triển thêm diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là quanh các khu vực dọc sông lớn, rạch, hồ lớn. Ưu tiên phát triển công nghiệp nhưng không khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu thực phẩm trong khu vực… Kết quả của đề tài là bước đầu tiên điều tra tồn lưu Dioxin và làm cơ sở thực hiện các bước nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của Dioxin tới các môi trường và các chất liên quan tương tự dạng POPs.
Qua kết quả của đề tài, nhóm nghiên cứu còn đưa ra một số kiến nghị như: Tiếp tục nghiên cứu sâu và rộng hơn tại 2 khu vực này và toàn tỉnh Bình Dương; khoanh vùng các khu vực phát hiện mẫu vượt tiêu chẩn; cân nhắc kỹ khi quy hoạch các vùng có hàm lượng dioxin cao; ưu tiên phát triển công nghiệp; phát triển du lịch sinh thái, tìm hiểu lịch sử khu vực chiến khu xưa, quy hoạch thành khu lưu niệm hoặc kiến trúc dạng phù điêu nhằm ghi dấu vùng Mã Đà chiến khu D và xây dựng chính sách đãi ngộ những người từng tham gia chiến đấu trong các khu vực bị rải chất độc dioxin.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu:
- Thời gian kết thúc: 11/2009
f. Kinh phí: 403.250.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).