a/ Tên nhiệm vụ: Giáo dục bảo vệ môi trường cho sinh viên hệ cao đẳng Sư phạm trường đại học Thủ Dầu Một theo hướng giáo dục trải nghiệm qua các hoạt động ngoài giờ bằng "Tiết học xanh"
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Khoa Khoa học Tự nhiên - Trường Đại học Thủ Dầu Một
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: CN. Thân Thị Diệp Nga và cá nhân tham gia chính:
1. ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền
2. CN. Trần Đức Hoàn
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
- Tìm hiểu nhận thức của sinh viên sư phạm Trường Đại học Thủ Dầu Một về môi trường, bảo vệ môi trường (BVMT) và kỹ năng, thái độ hành động vì môi trường;
- Nghiên cứu xây dựng nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện giáo mục môi trường cho sinh viên sư phạm theo mô hình giáo dục trải nghiệm qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng tiết học xanh;
- Tổ chức các hoạt động trải nghiệm giúp sinh viên sư phạm tiếp cận thực tiễn nâng cao năng lực nhận thức và rèn luyện kỹ năng BVMT góp phần thúc đẩy công tác giáo dục môi trường trong môi trường sư phạm tại Trường Đại học Thủ Dầu Một và các cơ sở giáo dục của tỉnh Bình Dương phù hợp với tình hình mới trong giai đoạn hiện nay.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Giáo dục môi trường là một vấn đề đã và đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Trong mấy chục năm trở lại đây, sự phát triển kinh tế ồ ạt dưới tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật và sự gia tăng dân số quá nhanh đã làm cho môi trường bị biến đổi chưa từng thấy. Nhiều nguồn tài nguyên bị vắt kiệt, nhiều hệ sinh thái bị tàn phá mạnh, nhiều cân bằng trong tự nhiên bị rối loạn. Môi trường lâm vào khủng hoảng với quy mô toàn cầu, trở thành quy mô thực sự đối với cuộc sống hiện đại và sự tồn vong của xã hội trong tương lai.
Để bảo vệ cái nôi sinh thành của mình, con người phải thực hiện hàng loạt các vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề giáo dục về môi trường. Giáo dục môi trường là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất, giúp con người có nhận thức đúng trong công việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, BVMT.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều tra nhận thức của sinh viên sư phạm Trường Đại học Thủ Dầu Một về môi trường, BVMT và kỹ năng, thái độ hành động với môi trường. Kết quả, đa số các sinh viên đều nhận thức được chức năng của môi trường, nhưng các kiến thức về xã hội, khoa học liên quan đến môi trường vẫn còn chưa cao, như: Số sinh viên nhận biết được thời gian phân hủy túi nilon chưa đạt 50%, sản phẩm chuyển hóa điện năng thì chỉ có 23,5% sinh viên biết đến và năm quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu chỉ có hơn 38% số sinh viên trả lời đúng. Khi được hỏi việc vứt rác của người xung quanh có ảnh hưởng đến thói quen bỏ rác của bạn hay không thì kết quả cho thấy rằng không ảnh hưởng lắm, đó là ý thức của mỗi cá nhân. Một số ít cho rằng có ảnh hưởng là vì do tâm lý đám đông, ai cũng xả rác nên xả rác không phải là xấu… Có thể thấy, nhận thức của sinh viên về môi trường khá tốt. Hầu hết sinh viên có hành động như vậy là do thói quen, do nhận thức được hành động nào đúng, hành động nào sai.
Đề tài cũng đã triển khai 15 chương trình “Tiết học xanh” với 3 chủ đề: “Biến đổi khí hậu ứng phó và giảm thiểu tác hại”, “Lối sống xanh - rác thải đi về đâu?”, “Đa dạng sinh học - bảo vệ động vật hoang dã” cho gần 1.000 lượt sinh viên các khối lớp sư phạm và các tình nguyện viên trong Câu lạc bộ Bảo vệ động vật hoang dã Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Phối hợp tổ chức chuỗi “Tiết học xanh” tại 20 trường Tiểu học của thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, Thuận An và Bến Cát. Chương trình đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng trăm giáo viên, cán bộ quản lý và có khoảng 2.800 học sinh tham gia trực tiếp.
Đã thành lập được Câu lạc bộ tình nguyện viên xung kích, là nồng cốt cho các hoạt động triển khai giáo dục môi trường cho thanh thiếu niên tại các địa phương trong tỉnh Bình Dương. Các Tiết học xanh tổ chức cho các trường Tiểu học, sinh viên sư phạm là sứ giả xanh tham gia với vai trò người tổ chức.
Kết quả về thái độ, kiến thức, kỹ năng BVMT của sinh viên sau khi tham gia tiết học xanh:
- Về thái độ: Có 92% sinh viên muốn tiếp tục có thêm Tiết học xanh, 84% sinh viên muốn trở thành sứ giả của Tiết học xanh. Nâng cao ý thức tập thể cộng đồng (91%); tự tin về kỹ năng để tham gia các hoạt động BVMT (93%); hình thành ý thức sống tiết kiệm vì môi trường bền vững (87%); đồng cảm với môi trường tự nhiên (89%).
- Về kiến thức BVMT: Tỷ lệ sinh viên đạt kết quả giỏi sau khi tham gia tiết học xanh cao hơn trước khi tham gia (10,53% so với 0%); tỷ lệ sinh viên đạt kết quả khá cũng cao hơn (36,84% so với 21%); tỷ lệ sinh viên đạt kết quả trung bình ở trước và sau là bằng nhau (50%); tỷ lệ sinh viên đạt kết quả yếu đã giảm đáng kể (2,63% so với 28,9%).
- Về kỹ năng: Có 80% sinh viên hứng thú cao và rất muốn tham gia vào các hoạt động trải nghiệm sau khi đã được tham gia vào tiết học xanh. Có 60% sinh viên có kỹ năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm để giáo dục BVMT.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã thành lập được Câu lạc bộ “Tình nguyện viên bảo vệ động vật hoàng dã Bình Dương” hoạt động theo chương trình của Trung tâm giáo dục thiên nhiên Việt Nam ENV); tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng nhận biết động vật hoang dã cho các tình nguyện viên trên địa bàn; phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh triển khai chương trình Tiết học xanh - nhận dạng động vật hoang dã, tiết học xanh hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm; tổ chức 5 triển lãm bảo vệ động vật tại các trường cao đẳng, đại học, chợ… Trong năm 2015, Câu lạc bộ nhận được giải thưởng Môi trường của tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh trao tặng nhân dịp kỷ niệm này môi trường thế giới ngày 05/6/2015.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã tổ chức tập huấn giáo dục môi trường cho hơn 400 lượt tình nguyện viên tham dự; tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục môi trường cho sinh viên tiếp cận thực tiễn phổ biến và thực hành lối sống xanh BVMT… Qua kết quả thử nghiệm giáo dục môi trường cho thấy, phương pháp giáo dục BVMT thông qua giáo dục trải nghiệm là phù hợp và có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay; sinh viên đã được nâng cao nhận thức về BVMT và kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục môi trường, ngoài giờ lên lớp, năm được quy trình tổ chức Tiết học xanh; những sứ giả xanh là sinh viên sư phạm đã vận dụng được những tri thức này vào tổ chức hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh phổ thông thông qua tham gia tổ chức và triển khai chuỗi Tiết học xanh cho học sinh tiểu học.
Tóm lại, từ các kết quả trên có thể bước đầu kết luận các hình thức hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học bằng Tiết học xanh là hợp lý và có ý nghĩa với sinh viên sư phạm. Hoạt động trải nghiệm vừa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về giáo dục môi trường và bảo vệ môi trường mà còn bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, làm cơ sở cho việc hình thành những hành vi thiết thực nhằm bảo vệ môi trường hiện tại và tương lai. Các sứ giả xanh của “Tiết học xanh” đã tạo được niềm tin yêu của các đối tượng học sinh, giáo viên, cán bộ lãnh đạo địa phương, quý phụ huynh và nhân dân trong tỉnh.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 09/2012
- Thời gian kết thúc: 07/2015
g/ Kinh phí thực hiện: 82.542.000.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)