a/ Tên nhiệm vụ: Giáo dục gia đình đối với học sinh bậc trung học tại tỉnh Bình Dương: Thực trạng và giải pháp
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Ánh Hồng và cá nhân tham gia chính:
1. TS. Hoàng Mai Khanh
2. ThS. Nguyễn Thị Anh Thư
3. ThS. Nguyễn Thị Hảo
4. ThS. Phạm Thị Mai
5. CN. Đinh Thị Thanh Ngọc
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Tìm hiểu thực trạng giáo dục gia đình đối với học sinh bậc trung học tại Bình Dương, lý giải nguyên nhân của thực trạng và qua đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục gia đình ở lứa tuổi này.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề:
Gia đình là nền tảng cơ bản nhất cho sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ; gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và truyền bá những giá trị truyền thống; là môi trường vi mô thấm đậm bầu không khí tâm lí, văn hóa “ngấm” vào trẻ. Giáo dục trong gia đình Việt nam không chỉ tác động mạnh mẽ ở giai đoạn ấu thơ của cuộc đời mỗi con người, vì con người Việt nam gắn bó vô cùng chặt chẽ với đời sống gia đình nên có thể ảnh hưởng của gia đình hết sức to lớn, lâu dài suốt cả cuộc đời.
Đặc biệt, đối với lứa tuổi học sinh trung học, việc giáo dục gia đình có vai trò rất quan trọng, nó đặt cơ sở quyết định cho sự hình thành nền tảng nhân cách ở tuổi niên thiếu, thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện nhân cách ở tuổi thanh niên. Ngày nay, gia đình đang đứng trước những thử thách to lớn, nhiều cơ hội cũng như rủi ro. Những tác động tích cực của giáo dục gia đình đến sự hình thành, phát triển nhân cách thế hệ trẻ hiện rất rõ; những mặt trái và tiêu cực của nó, những tác hại cũng bộc lộ rõ hơn.
II. Kết quả nghiên cứu:
Nhóm nghiên cứu tiến hành tìm hiểu về cơ sở lý luận của đề tài về các khái niệm gia đình; vai trò, chức năng của gia đình; giáo dục gia đình; mục tiêu, nội dung, phong cách giáo dục gia đình; vai trò của giáo dục gia đình,… dựa vào những cơ sở lý luận đó, tác giả đã xác định những nội dung cơ bản để triển khai nghiên cứu thực tiễn.
Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát đánh giá của cha mẹ về mức độ quan trọng của giáo dục gia đình đối với sự phát triển nhân cách của con thông qua các mẫu phiếu khảo sát. Kết quả cho thấy, 97% cha mẹ khẳng định giáo dục gia đình đóng vai trò “rất quan trọng” và “quan trọng”. Tuy nhiên, vẫn còn 3,1% cha mẹ cho rằng giáo dục gia đình cho rằng “không quan trọng” đối với sự phát triển nhân cách của trẻ. Bên cạnh đó, có 36,7% cha mẹ bậc trung học tại Bình Dương dành 2 giờ trở xuống mỗi ngày cho việc chăm sóc con; 62,4% cha mẹ học sinh dành trên 2 giờ mỗi ngày cho việc quan tâm và chăm sóc con.
Qua việc phân tích, đánh giá kết quả khảo sát đã chỉ ra những ưu, khuyết trong hoạt động giáo dục con ở cha mẹ trung học tại Bình Dương. Bên cạnh sự khác biệt giữa cha mẹ ở thành phố, nông thôn, khu công nghiệp; giữa cha mẹ của học sinh trung học cơ sở và cha mẹ của học sinh trung học phổ thông; giữa cha mẹ trong các gia đình có cấu trúc khác nhau cũng được nhóm tác giả phân tích rõ.
Theo kết quả khảo sát những tác động của cha mẹ đến hoạt động học tập của con theo địa bàn cư trú về việc “thường xuyên động viên, khuyến khích con học tập” như sau: 81,9 % cha mẹ thành phố; 12,4% cha mẹ ở nông thôn và 21,4% cha mẹ ở khu công nghiệp. Và 65,0% cha mẹ thành phố 23,2% cha mẹ nông thôn và 24,4% cha mẹ ở khu công nghiệp đã “tạo nơi học riêng cho con”…
Kế đó, nhóm đã tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu về những khó khăn của cha mẹ học sinh bậc trung học trong việc giáo dục con. Kết quả kiểm định Anova cho thấy, cha mẹ học sinh trong các nhóm nghề nghiệp khác nhau đều có khó khăn chung là “không có thời gian dành cho con”. Trong những gia đình, cả cha và mẹ là những người ảnh hưởng sâu sắc đến con thì mức độ họ gặp khó khăn “con không lắng nghe cha mẹ” có trị số thấp. Đối với những gia đình không phải cha, mẹ mà là thành viên khác trong gia đình là người ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ thì mức độ đánh giá khó khăn ở cha mẹ học sinh có trị số cao nhất. Như vậy, cả cha và mẹ đều có ảnh hưởng sâu sắc đến con thì con sẽ lắng nghe cha mẹ nhiều hơn.
Dựa vào những cơ sở lý luận và thực tiễn của các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục gia đình cho học sinh trung học trong sự phối hợp với nhà trường tại Bình Dương. Nhóm tác giả đã đưa ra các giải pháp xây dựng góp phần giải quyết những khó khăn và hạn chế của cha mẹ trong quá trình giáo dục con. Bên cạnh đó, các giải pháp đã được trình bày mục đích, nội dung, cách thức tổ chức thực hiện, thời gian tổ chức và người phụ trách rõ ràng. Qua khảo nghiệm đối với 193 cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý và giáo viên tại một số trường ở thành phố Thủ Dầu Một, nông thôn và khu công nghiệp đánh giá giải pháp có tính cần thiết và khả thi cao.
III. Kết luận:
Đề tài đã hoàn thành được những mục tiêu và nội dung nghiên cứu tổng quan về thực trạng giáo dục gia đình được tìm hiểu qua nhận thức của cha mẹ học sinh về vai trò của giáo dục gia đình trong sự phát triển nhân cách của học sinh trung học và thời gian cha mẹ dành cho con; mức độ quan tâm của cha mẹ đối với các nội dung giáo dục con trong gia đình; phương pháp và phong cách giáo dục con của cha mẹ về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục gia đình; sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường, xã hội trong việc giáo dục con.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 18 tháng
- Thời gian bắt đầu: 09/2011
- Thời gian kết thúc: 02/2013
g/ Kinh phí thực hiện:
- Kinh phí được duyệt: 407.023.000 đồng
- Kinh phí thực hiện: 381.423.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)