a. Tên nhiệm vụ: Khảo sát hàm lượng Estrogen và Progesterone trong phân của cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus Pallas, 1777) trong điều kiện nuôi nhốt
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Nguyễn Thị Thu Hiền
d. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định sự thay đổi của hàm lượng Estrogen và Progesterone trong phân cầy vòi hương trong điều kiện nuôi nhốt.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Ở các loài động vật hoang dã với cấu trúc dân số hạn chế của chúng, xác định hormone sinh dục không xâm lấn sẽ là một phương pháp hữu dụng đối với các nhà khoa học trong đánh giá sự thay đổi nội tiết sinh dục, xác định chu kì buồng trứng đồng thời tìm hiểu và giám sát động thái sinh dục của chúng để cải thiện khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi. Ở Việt Nam, nhiều trang trại nuôi cầy vòi hương đã được phát triển thành công.
Nuôi cầy hương không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn giúp giảm bớt săn bắt cầy vòi hương, đồng thời góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin về sự thay đổi hormone sinh dục của cầy vòi hương cái dẫn đến những khó khăn trong kiểm tra tình trạng sinh sản của chúng trong điều kiện nuôi, cũng như tra khảo tài liệu trong nghiên cứu. Do đó, dữ liệu về hormone sinh dục sẽ là cơ sở để đánh giá tình trạng sinh sản và góp phần vào công nghệ hỗ trợ sinh sản trên cầy vòi hương.
Theo báo cáo cho thấy, đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu về sự thay đổi của hàm lượng Estrogen và Progesterone trong phân cầy vòi hương trong điều kiện nuôi nhốt góp phần hỗ trợ trong công tác quản lý sinh sản loài này do Ths. Nguyễn Thị Thu Hiền thực hiện.
Cầy vòi hương có tên khoa học là Paradoxurus hermaphroditus (Pallas, 1777) còn có tên gọi khác là cầy vòi đốm. Nhiều tài liệu gọi loài này là chồn hương, cầy hương. Cầy vòi hương là loài động vật hoang dã thuộc nhóm động vật ăn tạp, có tập tính kiếm ăn vào ban đêm. Thức ăn chủ yếu là những loại quả chín của các loài cây mọc trong tự nhiên và các loài gặm nhấm, côn trùng mà chúng săn bắt được.
Cầy vòi hương có tuyến xạ thơm cạnh hậu môn phát triển và thường tỏa mùi thơm khi hoạt động, nằm sâu phía trong mông, phân bố hai bên hậu môn mà không lộ ra ngoài khác với cầy hương tuyến xạ của con đực nằm ngay trước tinh hoàn, lộ ra ngoài. Về giá trị sử dụng, cầy vòi hương là một loài có giá trị kinh tế cao cho thịt ngon, da lông có giá trị cao. Tuyến xạ (xạ hương) của cầy vòi hương được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm cao cấp. Xạ của cầy vòi hương cũng là một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền và được sử dụng như xạ hương của hươu xạ.
Trong khuôn khổ đề tài, tác giả đã sử dụng tổng số 2.635 mẫu phân được thu thập từ 12 cá thể cầy vòi hương cái trưởng thành trong 16 tháng. Tất cả các cá thể trong nghiên cứu này được coi là khoẻ mạnh dựa trên lịch sử theo dõi lâm sàng và không có thai khi bắt đầu nghiên cứu. Sau đó tiến hành nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng Estradiol và Progesterone trong phân cầy vòi hương không mang thai và nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng Estradiol và Progesterone trong phân cầy vòi hương mang thai.
Trong nghiên cứu này, 12 cá thể cầy vòi hương cái được cho giao phối với cầy vòi hương đực theo hình thức ghép đôi từng cặp riêng rẻ. Tuy nhiên, chỉ có 4 con mang thai, 6 con không mang thai, và 2 con được cho là mang thai giả. Tác giả tiếp tục nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng Estradiol và Progesterone trong phân cầy vòi hương mang thai giả…
Kết quả, đề tài đã xác định được sự thay đổi Estradiol và Progesterone trong phân cửa cầy vòi hương. Kết quả này có khả năng chuyển giao và sử dụng trong công tác quản lý con giống và công nghệ hỗ trợ sinh sản trong chăn nuôi cầy nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản của loài tại các trang trại và vườn thú.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 01/2018
- Thời gian kết thúc: 01/2019
f. Kinh phí thực hiện: 39.588.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).