a. Tên nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn lịch sử ở bậc trung học cơ sở tỉnh Bình Dương - Thực trạng và giải pháp
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
Đơn vị phối hợp:
+ Sở Giáo dục và Đào tạo
+ Các Phòng Giáo dục và Đào tạo
+ Các trường THCS trên địa bàn tỉnh Bình Dương
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS Huỳnh Thị Liêm và cá nhân tham gia thực hiện:
1. Đặng Thị Thu Hòa
2. Nguyễn Kim Vẹn
3. Trần Thị Phượng
4. Phạm Thị Thu
5. Lương Thị Hồng Gấm
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Khảo sát, phát hiện, phục dựng có hệ thống và cơ bản thực trạng dạy và học môn Lịch sử ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
- Đề xuất các biện pháp có tính chất đồng bộ để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở các trường THCS trong Tỉnh;
- Điều chỉnh nội dung đào tạo sinh viên chuyên ngành Sử của Trường CĐSP Bình Dương (Nay là trường ĐH Thủ Dầu Một) đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Cơ sở lý luận nghiên cứu của đề tài:
Để tiến hành nghiên cứu và giải quyết yêu cầu nội dung đặt ra của đề tài, nhóm tác giả đãquán triệt cũng như vận dụng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình SGK của bộ môn Lịch sử nói riêng thông qua các văn bản chỉ đạo: nghị quyết số 40/2000/QHX, 9/12/2000, v/v đổi mới Chương trình GDPT, chỉ thị số 14/2001/CT-TTg, 11/6/2010, v/v đổi mới nội dung Chương trình GDPT.
Thực trạng giảng dạy môn lịch sử THCS tỉnh Bình Dương:
Tình hình quản lý việc dạy, học môn Lịch sử ở trường THCS tỉnh Bình Dương
Trên cơ sở điều tra 47 cán bộ quản lý bao gồm: Lãnh đạo Sở GD&ĐT, cán bộ chuyên môn Phòng GD&ĐT 7 huyện (thị) và 30 lãnh đạo của 30 trường THCS và trường phổ thông trung học có cấp II, cho thấy:
- Đa số cán bộ quản lý chuyên môn là nam, thâm niên công tác từ 16 – trên 20 năm (74,4%), thâm niên giảng dạy từ 5 năm trở lên (76,5%) - nắm rõ tình hình dạy học môn Sử. Trong chức trách và nhiệm vụ được giao có: 68,1% cán bộ quản lý quan tâm xây dựng mạng lưới giáo viên dạy Sử.
- Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện rất nghiêm túc khi có 68,1% cán bộ quản lý thường xuyên tổ chức thanh tra, dự giờ của giáo viên. Qua đó, các cán bộ quản lý đã thể hiện trong phiếu điều tra những đánh giá tình hình được lượng hóa như sau:
+ Chất lượng giảng dạy Sử của giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương: chưa đạt yêu cầu (4,3%), đạt yêu cầu (34%), khá tốt (59,6%) và tốt (2,1%).
+ Trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên giảng dạy lịch sử: 52,04% nắm được các phương pháp, hình thức dạy học theo hướng đổi mới; 45,2% nắm được nội dung chướng trình Lịch sử. Chỉ có 2.73% giáo viên dạy Sử ở trường THCS tỉnh Bình Dương không đầu tư vào chuyên môn.
+ Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học Lịch sử được thống kê như sau: học sinh thờ ơ khi học Sử (31,78%), không đủ phương tiện, đồ dùng dạy học (23,25%), lương giáo viên thấp (17,82%), số tiết phân phối trong chương trình chưa hợp lý (13,95%) và giáo viên chưa chịu khó đầu tư vào bài giảng (13,17%).
Thực trạng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử ở trường THCS tỉnh Bình Dương
Về nguồn đào tạo:
Tổng số 150 giáo viên tham gia điều tra, kết quả trả lời: được đào tạo tại Trường CĐSP Bình Dương, chiếm tỷ lệ 100%.
Về giới tính:
Tổng số 150 giáo viên dạy học ở tỉnh Bình Dương tham gia điều tra, có 83.2% là nữ và 16.8% là nam. Như vậy số lượng giáo viên nữ nhiều hơn giáo viên nam.
Về độ tuổi công tác
- Về độ tuổi của đội ngũ giáo viên dạy Sử ở các trường THCS tỉnh Bình Dương, qua khảo sát, có 75,6% giáo viên có trên 10 năm công tác, trong đó có 35,3% có trên 20 năm công tác.
- Về thâm niên dạy lớp, có 77,5% giáo viên có thời gian giảng dạy từ 10 năm trở lên, trong đó có 33,8% có thời gian đứng lớp từ 20 năm trở lên.
Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì đội ngũ này đã có quá trình tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chững chạc về tuổi đời và tuổi nghề nhưng cũng là dấu hiệu đáng lo vì như vậy cũng có nghĩa là kiến thức của thầy cô cần phải được tổ chức bồi dưỡng, cập nhật.
Về thời gian đào tạo và chuyên ngành:
Sinh viên Cao đẳng nói chung, chuyên ngành Lịch sử nói riêng được đào tạo trong thời gian 3 năm và đi sâu vào chuyên ngành mà mình sẽ đảm nhận giảng dạy ở trường THCS. Các giáo viên lịch sử thường được đào tạo ghép như: Sử -Địa, Địa - Sử, Sử - Giáo dục công dân, Sử - Nhạc và Sử - Họa. ..Chương trình đào tạo chuyên môn chính chiếm 70% và môn ghép là 30% trên tổng số tiết được đào tạo.
Về thông tin tham gia quản lý nhà trường:
Thông tin điều tra cho thấy, đội ngũ này hiện đang có 1,4% tham gia quản lý nhà trường (Ban giám hiệu), 12,6% là tổ trưởng chuyên môn và 86% là giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Những vấn đề liên quan đến chương trình SGK
* Chương trình SGK hiện hành (ở thời điểm điều tra – 2010) có phân phối chương trình các lớp trong cả năm học như sau: Lớp 6: 35 tiết ; Lớp 7: 70 tiết ; Lớp 8: 52 tiết ; Lớp 9: 52 tiết. Phân phối chương trình như trên là chưa được cân bằng giữa 4 khối lớp. Chương trình lớp 7 khá nặng đối với học sinh khi số tiết học gấp đôi lớp 6 và hơn lớp 8,9 gần 1/3 thời gian.
Việc sử dụng các phương pháp dạy - học phát huy tính tích cực, chỉ có 8% giáo viên chọn cách giảm trình bày theo lối diễn giảng. Trong khi đó 42,66% lựa chọn cách phát huy tư duy độc lập của học sinh, 27,33% chọn cách tạo cho học sinh hứng thú học tập và 22% chọn cách giúp học sinh năng động sáng tạo trong học tập. Điều này cho thấy phần lớn giáo viên chưa nhận thức được vấn đề mấu chốt để thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực của học sinh.
Đánh giá những khó khăn khi vận dụng các phương pháp dạy – học phát huy tính tích cực của học sinh. Thông tin của bảng 9 cho thấy yếu tố cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới và trình độ tiếp thu không đồng đều của học sinh đã hóp phần dẫn đến hạn chế về chất lượng học tập.
Thực trạng học môn Lịch sử ở trường THCS tỉnh Bình Dương
Về sự hứng thú và thích thú trong học tập môn Sử:
Hứng thú học tập môn Sử
Kết quả điều tra, học sinh 4 khối lớp THCS trên địa bàn tỉnh cho thấy tỉ lệ học sinh hứng thú học tập môn Lịch sử từ 34,89% đến 59,1% tùy theo khối lớp. Trong đó học sinh lớp 6 (59.1%) có tỷ lệ hứng thú học môn Sử cao hơn học sinh lớp 9 (34.89%). Riêng 2 lớp 7 và 8 có tỷ lệ gần ngang nhau (56.08% và 53.06%).
Ở địa bàn thị xã Thủ Dầu Một, kết quả điều tra ở 4 trường THCS tỉ lệ học sinh hứng thú học tập môn Sử có thấp hơn (17,9%). Kết quả điều tra, phỏng vấn 40 giáo viên dạy Sử ở trường THCS tham gia điều tra cho ra tỷ lệ học sinh hứng thú học tập môn Sử là khoảng 70%.
Hứng thú trong nội dung chương trình
Về nội dung chương trình Lịch sử, tỉ lệ hứng thú học tập cao nhất theo điều tra học sinh là phần Lịch sử Việt Nam chiếm tỷ lệ 74,71%, kế đến là Lịch sử địa phương chiếm tỷ lệ 21.2% và thấp nhất là Lịch sử thế giới chiếm tỷ lệ 3,8%. Một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ học sinh lớp 6 và lớp 7 thích học Lịch sử thế giới thấp hơn học sinh lớp 8 và lớp 9 (2.7% ở lớp 7 và 4% ở cả 2 lớp 8 và 9)
Về chất lượng và kết quả học tập:
Để đánh giá kết quả học tập của học sinh, trong điều tra khảo sát đã thống kê số liệu khảo sát bài kiểm tra của học sinh 4 khối lớp theo các thang điểm: dưới 5 điểm, từ 5.5 – 5 điểm, từ 6 – 7 điểm và từ 8 điểm trở lên. Kết quả điểm 8 trở lên có tỷ lệ 60.6% và nếu tính kết quả điểm từ 5 trở lên có tỷ lệ 98,64%.
Về phương pháp học tập của học sinh
Việc chuẩn bị bài mới của học sinh
Tổng hợp cơ cấu số liệu khi điều tra về nội dung này đã cho ra kết quả rất thống nhất khi học sinh ở 4 khối lớp tham gia điều tra đã chọn 2 trong số 4 phương án đưa ra ở phiếu lấy ý kiến. Số học sinh lựa chọn việc chuẩn bị bài mới theo câu hỏi trong SGK chiếm tỷ lệ cao nhất (51.01%), kế đến là theo sự gợi ý của giáo viên (28%). Kết quả trên cho thấy vai trò quan trọng của SGK và vai trò chủ đạo của giáo viên trong quá trình dạy – học.
Về tư liệu tham khảo của học sinh
Phiếu lấy ý kiến khi điều tra về nguồn tư liệu tham khảo của học sinh ngoài SGK. Thông tin tổng hợp thu được cho thấy 2 vấn đề:
- Vấn đề thứ nhất: nguồn tham khảo chính của học sinh là truy cập internet, tỷ lệ trung bình là 40%: lớp 9 = 62.5%; lớp 6 = 26%; lớp 7 = 34,16%; lớp 8 = 32,35%. Kế đến là nguồn sách văn học.
- Vấn đề thứ hai: cũng qua khảo sát, nguồn tham khảo từ sách văn học được học sinh lựa chọn thứ 2 = 37%). Tuy nhiên nguồn này chỉ cao ở 3 khối lớp (lớp 6 - 40%, lớp 7 - 36.66%, lớp 8 - 41,91%) còn lớp 9 chỉ có 14.06%.
Qua thực tế nhận thấy vấn đề đặt ra cho việc dạy – học lịch sử không chỉ xoay quanh những vấn đề về phương pháp, SGK… mà còn là vấn đề xã hội. Việc học sinh lấy tài liệu mạng làm nguồn tham khảo chính không có sự chọn lọc là điều hết sức nguy hiểm.
Về kỹ năng của học sinh
Phiếu điều tra có đưa nội dung vẽ lược đồ và trình bày một sự kiện lịch sử. Phương án đưa ra để đánh giá mức độ thực hiện 2 kỹ năng trên là: Không tự vẽ lược đồ; Ít khi vẽ; Đôi khi vẽ; Thường xuyên tự vẽ. Kết quả: học sinh chọn phương án đôi khi chiếm tỷ lệ cao nhất 46.14%, kế đến là phương án ít khi chiếm tỷ lệ 24.3%. Thông tin này phản ánh ở cấp THCS kỹ năng tự vẽ lược đồ và trình bày về một sự kiện lịch sử chưa thực hiện được ở cấp II.
Từ những kết quả khảo sát, đề tài đã đưa ra những nhận xét về thực trạng giảng dạy và học tập môn lịch sử cấp THCS trên địa bàn tỉnh Bình Dương để từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao kết quả giảng dạy và học tập môn lịch sử THCS, trong đó, đặc biệt đề tài đã đưa ra một chương về tổ chức dạy thực nghiệm nhằm đánh giá lại những đề xuất đưa ra.
Qua kết quả đánh giá của hội đồng nghiệm thu, hội đồng đề nghị đơn vị tiến hành chỉnh sửa một số nội dung chính của báo cáo nghiệm thu và đề xuất một số giải pháp trọng tâm, cần chú ý đến tính thực tiễn và khả thi của những giải pháp phù hợp với địa bàn của tỉnh Bình Dương trên cơ sở kết quả của quá trình điều tra. Hội đồng thống nhất đề nghị nghiệm thu cấp tỉnh với tổng số điểm đạt được là 82/100 điểm và đạt loại Khá.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 05/2009
- Thời gian kết thúc: 4/2010
f. Kinh phí thực hiện:
- Kinh phí được duyệt: 163.005.000 đồng
- Kinh phí thực hiện: 200.405.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)