a. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý bùn hầm cầu tại tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
c. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Nguyễn Tấn Phong và Đồng chủ nhiệm: PGS.TS Lê Thị Hồng Trân
d. Mục tiêu của đề tài: Đánh giá hiện trạng phát sinh bùn hầm cầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý việc thu gom, vận chuyển và nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý bùn hầm cầu.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Với tốc độ gia tăng dân số hiện nay cùng với sự hoạt động của 28 khu công nghiệp và 16 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Bình Dương đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường từ nhiều nguồn thải khác nhau như nước thải, bùn thải. Trong đó, lượng bùn hầm cầu phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt là rất lớn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có các công ty chịu trách nhiệm thu gom và xử lý bùn thải hầm cầu như: Công ty Công trình đô thị Bình Dương; Công ty Công trình công cộng Thuận An; Công ty Công trình công cộng Dĩ An và Công ty Công trình công cộng Bến Cát.
Việc thu gom vận chuyển phân bùn trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Phương tiện rút bùn hầm cầu lưu hành trong thành phố thường không thể vào tận nơi có hố xí; số lượng bùn thải không ổn định; xe vận chuyển xuống cấp; việc quản lý các dịch vụ thông hút bùn còn lạc hậu và hầu như chưa có phương án quản lý phù hợp cho địa bàn trong tỉnh. Vì vậy, dẫn đến tình trạng bùn thải đổ không đúng nơi quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt sự tích tụ hợp chất hữu cơ gây mất vệ sịnh, mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm, vi sinh vật gây bệnh phát triển…
Trong khi đó, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương có 3 hồ chứa nước rỉ rác của bãi rác, nước rỉ rác và nước của bùn hầm cầu được xử lý tại cụm xử lý nước thải tập trung. Khi một trong 3 hồ chứa nước rỉ đầy, bùn được tách nước và ép sấy khô thành từng bánh bùn và đem đi tiêu hủy đốt tại lò đốt chất thải nguy hại. Tuy nhiên, bùn hầm cầu được thu gom và xử lý tại đây chủ yếu thuộc những đơn vị có ký hợp đồng thu gom, xử lý. Phần bùn hầm cầu còn lại chưa được quản lý chặt chẽ.
Như vậy, vấn đề quản lý phân bùn hầm cầu từ các công trình vệ sinh công cộng, các hầm tự hoại, đặc biệt là từ quá trình thu gom vận chuyển đến nơi xử lý trước khi thải bỏ vào môi trường chưa được chặt chẽ. Hệ thống thoát nước chung của tỉnh cũng bị quá tải các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt lắng thành cặn bùn, nước mưa chảy tràn kèm theo nước thải chưa được xử lý thải vào hệ thống trở thành gánh nặng của các nhà quản lý. Vì thế, đề tài nghiên cứu đánh giá hiện trạng phát sinh bùn hầm cầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý việc thu gom, vận chuyển và xử lý bùn hầm cầu sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về bùn hầm cầu, góp phần bảo vệ môi trường.
Mục tiêu của đề tài: Đánh giá hiện trạng phát sinh bùn hầm cầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý việc thu gom, vận chuyển và nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý bùn hầm cầu.
Sau thời gian thực hiện, đề tài đã nghiên cứu một số nội và đã đạt được những kết quả nhất định như:
- Khảo sát, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý bùn hầm cầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương; khảo sát và thu thập các số liệu đã có liên quan đến tính chất hóa lý của bùn hầm cầu tại Bình Dương và dự báo khối lượng phân bùn đến năm 2020.
- Xây dựng mô hình thử nghiệm thực tế ứng dụng GIS, GPS trong công tác quản lý việc thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu. Ứng dụng công cụ GIS, GPS quản lý phương tiện thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu; phân tích các giải pháp công nghệ và quản lý (giải pháp quản lý chung, giải pháp công nghệ chung, giải pháp công nghệ sinh học và đề xuất lựa chọn công nghệ, ưu tiên công nghệ sinh học;
- Xây dựng các quy định phục vụ công tác quản lý nhà với đối tượng quản lý bùn hầm cầu làm cơ sở để ban hành các văn bản pháp quy. Cụ thể nghiên cứu, đề xuất và xây dựng các quy định về quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý bùn hầm cầu trong đó quy định cụ thể chức năng của các sở ngành có liên quan.
Quản lý bùn hầm cầu góp phần bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp hướng đến phát triển bền vững về môi trường, giảm thiểu các rủi ro về con người, tài sản và môi trường nước, không khí từ các hoạt động công nghiệp. Đồng thời, kết quả đề tài còn đóng góp vào phát triển kinh tế giải quyết được vấn đề bùn thải thông qua hoạt động sản xuất của khu đô thị, các khu cụm công nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững. Từng bước bảo vệ và cải thiện chất lượng đất, nước mặt và nước ngầm phục vụ cho nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng. Kết quả sẽ đóng góp nhiều cho đường lối, pháp luật, chính sách bảo vệ môi trường của khu đô thị, khu công nghiệp và góp phần không nhỏ trong việc cải thiện mối quan hệ giữa cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các công ty trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhà nước. Ngoài ra, các hộ dân cư, các chủ nguồn thải phân bùn không những tuân thủ các tiêu chuẩn xả thải mà còn đảm bảo với khách hàng của họ những cam kết về ngăn ngừa ô nhiễm và các cam kết về môi trường.
e. Thời gian thực hiện:
- Thời gian bắt đầu: tháng 12/2010
- Thời gian kết thúc: tháng 5/2012
f. Kinh phí thực hiện: 500.400.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)