a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu hiện đại hóa bài thuốc giáng phì ẩm để điều trị chứng tăng lipid máu từ dược liệu thiên nhiên
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công ty TNHH Dược phẩm Fitopharma, Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Lê Văn Lăng và cá nhân tham gia chính:
1. PGS.TS Võ Phùng Nguyên
2. PGS. TS Mai Phương Mai
3. TS. Đỗ Quang Dương
4. ThS. Trần Thủy Tiên
5. DS. Đỗ Thanh Hảo
6. DS. Nguyễn Thị Minh Hài
7. DS Cao Thị Thúy
8. DS. Khưu Dã Lan
9. DS. Lưu Thị Nghĩa
10. KS. Đào Thị Diễm Trúc
11. KS. Vũ Hải Hưng
12. CN. Văn Đức Hoài
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Nghiên cứu tác dụng lipid máu của công thức thuốc và xây dựng quy trình sản xuất thử nghiệm pilot thuốc nang cứng Giáng phì ẩm từ dược liệu thiên nhiên, cỡ lô 10.000 nang, đáp ứng yêu cầu ứng dụng vào sản xuất công nghiệp tại nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc GMP.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Đặt vấn đề
Thuốc hạ Lipid máu để điều trị chứng rối loạn lipid máu nhằm đưa các thông số lipid về giới hạn bình thường giúp phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch vành, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp và nhồi máu não là các chứng bệnh nguy hiểm hàng đầu hiện nay.
Chứng rối loạn lipid máu gây ra bởi những bất thường trong cơ chế điều hoà mức lipid trong huyết tương của người hoặc động vật, dẫn tới chứng tăng lipid máu gồm cao cholesterol hoặc cao triglycerid máu hoặc cả hai. Chứng rối loạn lipid máu có liên quan mật thiết hay là nguyên nhân gây bệnh xơ vữa động mạch vành, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp và nhồi máu não, viêm tụy hoặc một số bệnh khác cũng gây tăng lipid máu như đái tháo đường.
Trên thế giới, tỷ lệ người mắc chứng rối loạn lipid máu luôn tăng cao từ năm 1960, hiện nay ước tính có trên 300 triệu bệnh nhân có nhu cầu thường xuyên dùng thuốc điều trị chứng tăng lipid máu, nên doanh số các thuốc loại này luôn ở trong nhóm dẫn đầu trên thị trường dược phẩm thế giới, với khoảng 21 tỷ USD/năm.
Ở nước ta số người bệnh cần dùng thuốc này cũng khá lớn do có khoảng 3.5% dân số bị bệnh lý mạch vành tim; chứng cao huyết áp đang có xu hướng tăng lên từ 16.8% (năm 2005) đến 25% (tháng 10/2012). Thuốc hóa dược sản xuất trong nước còn yếu về nhiều mặt vì phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập. Do vậy, Nhà nước khuyến khích phát triển sản xuất thuốc từ thiên nhiên hay Đông dược cổ truyền, trong đó có nhóm dược liệu hạ lipid máu.
Với nhu cầu thực tiễn trên, Công ty TNHH Dược phẩm Fitô (Fitopharma) đã chủ trì thực hiện nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu hiện đại hóa bài thuốc giáng phì ẩm để điều trị chứng tăng lipid máu từ dược liệu thiên nhiên” do Th.S Lê Văn Lăng - trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm.
Kết quả nghiên cứu
Đề tài đã thực hiện nghiên cứu 10 chuyên đề, cùng các nghiên cứu liên quan để giải quyết 06 nội dung đề ra gồm:
1. Xây dựng 04 tiêu chuẩn dược liệu: Nhóm nghiên cứu đã xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho 04 dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam IV, năm 2009 và có nâng cao cho cây Thảo quyết minh, Hà thủ ô. Trong đó, chỉ tiêu hàm lượng chất của dược liệu là một trong số chỉ tiêu quan trọng nhất quyết định chất lượng thuốc, gồm:
- Trạch tả: Thân rễ cây Alisma orientale, Rhizome, họ Trạch tả Alismantaceae. Trạch tả sống hoặc chích muối: Saponin thô > 1,5% và trạch tả sao vàng > 1,2%.
- Sơn tra bắc: Crataegus pinnatifida, họ hoa hồng Rosaceae. Sơn tra sống: Acid hữu cơ > 5% và sơn tra sao vàng > 4%.
-Thảo quyết minh (TQM): Hạt cây Cassiae tora L, họ đậu Fabaceae. Thảo quyết minh sống: Anthraglycosid toàn phần > 0,12%, emodin 0,89mg/g. Thảo quyết minh sao vàng: Anthraglycosid toàn phần > 0,12%, emodin > 0,269mg/g.
- Hà thủ ô đỏ (HTO): Rễ cây Fallopia mutiflora (Thunb) Haralson, họ Rau răm Polygonaceae. Hà thủ ô sống: Anthraglycosid toàn phần > 0,42%, emodin 0,065mg/g, stilben-glycosid > 1%. Hà thủ ô chế: Anthraglycosid toàn phần < 0,42%, emodin 0,027mg/g, stilben-glycosid > 0,7%.
2. Chế biến dược liệu và bào chế cao thuốc
Chọn và chế biến 09 mẫu dược liệu: Trạch tả 02 mẫu (sống và sao chế), Sơn tra: 02 mẫu sao chế (Sơn tra nam và Sơn tra bắc), Thảo quyết minh: 02 mẫu (sống và chín) và Hà thủ ô đỏ: 03 mẫu (01 mẫu HTO Đà lạt sống, 02 mẫu HTO chế: Đà lạt và Trung quốc). Và đã xây dựng công thức, quy trình bào chế 09 cao thuốc từ dược liệu trên phù hợp với hoạt chất của nguyên liệu.
3. Sàng lọc, chọn 04 cao thuốc và 01 công thức thuốc nang qua các thử nghiệm hạ lipid máu cấp tính trên động vật
Nhóm nghiên cứu đã thử tác dụng hạ lipid máu cho 09 cao thuốc trên chuột nhắt (Swiss albino) được gây chứng cao lipid máu cấp tính và chọn ra được 4 cao thuốc: Trạch tả chế, Sơn tra bắc sao vàng, Thảo quyết minh sao vàng và Hà thủ ô chế. Thiết kế, bào chế 12 công thức thuốc nang chứa 04 cao ở labo, để thử tác dụng hạ lipid máu và chọn công thức tối ưu nhất.
4. Kiểm nghiệm và xây dựng tiêu chuẩn thuốc nang GPA
Sau khi đã phân tích, kiểm nghiệm mẫu thuốc GPA ở labo, nhóm đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho thuốc thành phẩm. Mỗi viên nang chứa: 9,46 mg saponin (Trạch tả); 59,60 mg acid hữu cơ (Sơn tra); 2,13 mg anthranoid toàn phần (TQM&HTO); 0,19 mg emodin (TQM&HTO) và 1,5 mg stilben - glycosid (HTO).
5. Bào chế thuốc nang GPA ở quy mô pilot
Nhóm đề tài đã thử nghiệm nâng cấp lô 2.000 nang ở labo sang 03 lô x 10.000 nang ở pilot. Quy trình bào chế pilot ổn định và thuốc thành phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn đã đề ra. Mẫu thuốc được đánh giá độ an toàn và hiệu quả dược lý; đánh giá độ ổn định; phẩm chất và tiêu chuẩn cơ sở của thuốc nang GPA đã được Viện kiểm nghiệm thuốc, Bộ Y tế thẩm định, cấp phiếu kiểm nghiệm.
6. Đánh giá độ an toàn và hiệu quả của thuốc GPA:
Ở phép thử độc tính cấp: Đã xác định được liều uống cao nhất 5,8g/kg chuột và không xác định được liều độc LD50.
Ở phép thử độc tính bán trường diễn: Nếu thời gian dùng thuốc ít hơn 30 ngày, thì ở cả 3 liều: 30mg, 60mg, và 120mg/kg chuột, đều không có biểu hiện bất thường ở các chỉ số nghiên cứu. Sau 30 ngày đến 60 ngày có thay đổi nhẹ về thông số của cholesterol và triglycerid máu ở liều 60mg và 120mg/kg chuột.
Ở thử nghiệm hiệu lực dược lý: Thuốc nang GPA chứng tỏ có tác dụng phòng chứng tăng cholesterol máu ở liều 30mg/kg chuột và trị chứng cao cholesterol máu ở liều 30mg/kg và 60mg/kg chuột. Hiệu quả này ở mức trung bình đến khá, thể hiện tác dụng giảm cholesterol xấu (LDL-c), tăng cholesterol tốt (HDL-c). Vì vậy, thuốc GPA có hiệu quả điều trị chứng cao cholesterol máu, phòng ngừa ngăn chặn nguy cơ gây bệnh mạch vành tim và một số bệnh liên quan. Đề nghị liều lượng dùng thuốc cho người lớn: Uống 02 - 06 viên, chia 02 - 03 lần trong ngày và có thể kéo dài 30 ngày.
Kết quả đề tài đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế nhất định:
Công ty đã sơ lược ước tính giá thành sản phẩm và giá bán 40.500 đồng cho 01 hộp 50 viên/vỉ 10 viên (theo thời giá năm 2010). Mức giá này phù hợp với điều kiện của đại đa số người dân. So với thuốc đông y ngoài nhập thì rẻ hơn 3-4 lần, với thuốc tây ngoại nhập thì rẻ hơn khoảng 15 lần cho mỗi liều thuốc.
Đối với Công ty Fitopharma sản xuất 1 triệu capsule sẽ mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng (tính theo chênh lệch giữa giá bán sỉ và giá thành của thuốc). Nếu Fitopharma sản xuất 1 triệu viên/năm sẽ mang lại thu nhập gần 150 triệu đồng cho người trồng và cung cấp dược liệu.
Kết luận
Nghiên cứu này đã thực hiện đầy đủ các nội dung và mục tiêu đề ra, xây dựng được quy trình sản xuất thử nghiệm pilot thuốc nang Giáng phì ẩm GPA từ 04 dược liệu thiên nhiên, với 03 lô x 10.000 nang. Quy trình sản xuất pilot ổn định và thuốc thành phẩm được đánh giá đầy đủ về mặt dược lý, độ ổn định đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đã đề ra. Mẫu thuốc và tiêu chuẩn cơ sở thuốc nang Giáng phì ẩm đã được Viện Kiểm nghiệm thuốc, Bộ Y tế, kiểm nghiệm và thẩm định đạt tiêu chuẩn của Dược điển IV, năm 2009. Bên cạnh đó, sau khi đề tài được nghiệm thu, công ty Fitopharma sẽ tiếp thu kết quả nghiên cứu để đăng ký và sản xuất thuốc ở quy mô công nghiệp tại nhà máy đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc WHO GMP.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 6/2010
- Thời gian kết thúc: 02/2013
g/ Kinh phí thực hiện: 649.650.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).