a. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu một số yếu tố công nghệ phối hợp bèo lục bình và vỏ đậu phộng sản xuất ván, sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất đồ mộc và trang trí nội thất
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công ty TNHH Một thành viên Đại Hảo (đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu, tham gia sản xuất thử nghiệm, trang sức và hoàn thiện sản phẩm)
- Đơn vị phối hợp: Cơ sở 2 - Đại học Lâm nghiệp - Trảng Bom, Đồng Nai
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Hoàng Xuân Niên và cá nhân tham gia chính:
1. TS. Nguyễn Minh Hùng
2. ThS. Lê Văn Tung
3. ThS. Nguyễn Văn Thanh
4. ThS. Nguyễn Hữu Kha
d. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng bèo lục bình làm vật liệu trang trí nội thất và thủ công mỹ nghệ; nghiên cứu sử dụng bèo lục bình, phối hợp bèo lục bình và vỏ đậu phọng (vỏ lạc) sản xuất ván dăm thay thế gỗ dùng đóng bao bì xuất khẩu và vật liệu nội thất.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Gỗ là vật liệu truyền thống và chủ yếu để sản xuất ván dăm. Tuy nhiên để hạn chế việc khai thác rừng lấy gỗ. Nhiều nhà sản xuất đã sử dụng phế liệu gỗ các loại để sản xuất ván dăm như: gỗ nhỏ, cành ngọn, củi và phế liệu sau khai thác rừng… Vì vậy, định hướng tìm kiếm những dạng nguyên liệu mới bổ sung vào nguồn nguyên liệu gỗ trong sản suất ván dăm, trong đó có phế liệu nông nghiệp, lâm nghiệp, được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ thế kỷ 19. Hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu ứng dụng những thành quả khoa học của thế giới vào điều kiện Việt Nam. Các nghiên cứu tập trung vào nguyên liệu: tre, xơ dừa, bã mía, thây cây, vỏ quả, cỏ, bèo…
Nghiên cứu công nghệ sử dụng nguyên liệu từ thực vật ngoài gỗ, phế liệu nông nghiệp để sản xuất ván dăm đã được nhiều nước nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế có hiệu quả. Tuy nhiên, sản xuất văn dăm đã có ở Việt Nam từ những năm 1970, nhưng chưa phát triển. đến năm 1990, ván dăm ở Việt Nam mới được chú ý sản xuất và liên tục phát triển cho đến nay. Đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về ván dăm và nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất ra ván dăm nhưng công nghệ sản xuất ván dăm từ phế liệu nông nghiệp thực sự còn chưa phát triển.
Bèo lục bình và vỏ đậu phọng là những phế liệu nông nghiệp và thực vật ngoài gỗ. Bèo lục bình có tên khoa học là Eichhornia crassipes. Tiếng việt gọi là Lục bình, bèo, bèo tây hoặc sen nhật. Tiếng Hán Việt gọi là Phủ thủy liên hoa hoặc đại thủy bình.... Bèo lục bình có nguồn gốc từ Nam Mỹ, mọc tự do, nổi trên mặt nước ở vùng đầm lầy ẩm ướt. Khoảng năm 1905, Bèo lục bình du nhập vào Hà Nội - Việt Nam để trồng làm cây cảnh. Lục bình sinh sản vô tính bằng chính thân bò lan. Từ các nách lá, đâm ra những thân dài và mỗi đỉnh có một cây mới, sớm tách khỏi cây mẹ để trở thành một các thể độc lập.
Bèo lục bình có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Mỗi năm, bèo lục lục có thể đạt sản lượng 150 tấn chất khô trên 1 ha mặt nước. Như vậy, với điều kiện tự nhiên nước ta có nhiều sông ngòi kênh rạch thì bèo lục bình là nguồn nguyên liệu phong phú có thể sản xuất sản phẩm với quy mô công nghiệp. Ước tính 10.000 ha mặt nước, cho ra 1.500 ngàn tấn chất khô và có thể điều chế được 10-12.000 m3 ván dăm công nghệ.
Đậu phộng hay còn gọi là Lạc là cây công nghiệp, được trồng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đậu phọng có thể trồng mùa thuận và mùa nghịch. Năng suất thu được khác nhau tùy theo thổ nhưỡng của các quốc gia. Hiện nay, diện tích trồng đậu phộng ở nước ta còn khoảng hơn 90.000 ha. Năng suất đạt từ 60-70 tạ/ha. Tỷ lệ vỏ khô so với trọng lượng củ lạc tương khoảng 18-20%.
Như vậy, với nguồn nguyên liệu dồi dào từ hai phế liệu nông nghiệp ở nước ta hiện nay, với những đặc tính của của hai nguyên liệu này và với nhu cầu thực tiễn. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện nghiệm vụ “Nghiên cứu một số yếu tố công nghệ phối hợp bèo lục bình và vỏ đậu phộng sản xuất ván sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất đồ mộc và trang trí nội thất” nhằm giải quyết được nhu cầu thực tế, hạn chế sử dụng gỗ trong thiên nhiên, bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường khí hậu.
Mục tiêu: Nghiên cứu sử dụng bèo lục bình làm vật liệu trang trí nội thất và thủ công mỹ nghệ; nghiên cứu sử dụng bèo lục bình, phối hợp bèo lục bình và vỏ đậu phọng (vỏ lạc) sản xuất ván dăm thay thế gỗ dùng đóng bao bì xuất khẩu và vật liệu nội thất.
Sau 12 tháng thực hiện, nhiệm vụ đã đạt được một số kết quả hết sức khả quan như:
1. Nghiên cứu tính chất cơ học, vật lý (kích thước sợi, khả năng hút ẩm, độ ẩm thăng bằng…) và phân tích thành phần hóa học (Xenlulo, các chất tan…) của lục bình và vỏ đậu phộng. Kết quả, bèo lục bình và vỏ đậu phọng đều đạt những yêu cầu công nghệ của nguyên liệu sản xuất ván dăm.
2. Nghiên cứu và thực nghiệm chế tạo dăm công nghệ, xác định kích thước dạng hình học và tỷ lệ phân loại của dăm công nghệ từ bèo lục bình và vỏ đậu phọng. Kết quả, qua điều chế, phân loại bèo lục bình và vỏ đậu phộng thu được kết quả dăm bèo lục bình có kích thước và hình dạng đạt yêu cầu chỉ số hình dạng dăm, còn dăm vỏ đậu phộng không đạt. Tuy nhiên, trong sản xuất ván dăm công nghệ đạt yêu cầu chỉ số hình dạng chỉ cần 30%. Vì vậy, có thể phối hợp 2 loại kích thước dăm này đển sản xuất ván dăm.
3. Nghiên cứu và thực nghiệm các tỷ lệ phối trộn 2 thành phần nguyên liệu và xác định tỷ lệ trộn tối ưu. Kết quả, ván dăm sản xuất từ bèo lục bình phối trộn với vỏ đậu phộng theo tỷ lệ 50/50 thì chỉ tiêu độ bền uốn tĩnh, kéo vuông, chỉ tiêu khối lượng thể tích, độ ẩm ván đều đạt yêu cầu.
4. Nghiên cứu và thực nghiệm kỹ thuật tẩy trắng, nhuộm màu bèo lục bình, giữ màu xanh nguyên thủy của bèo phục vụ sản xuất vật liệu nội thất và sản phẩm mỹ nghệ. Kết quả, sợi bèo lục bình có thể tẩy trắng như sợi gỗ.
5. Nghiên cứu và thực nghiệm một số đặc tính công nghệ (khả năng trộn đều sợi mềm với keo, khả năng dẫn nhiệt vào tâm ván, khả năng dán dính với keo) của bèo lục bình, vỏ đậu phọng.
6. Nghiên cứu và thự nghiệm chế độ sấy bèo lục bình, vro đậu phộng. Xây dựng chế độ sấy thích hợp với nguyên liệu sử dụng; thông số ép ván từ nguyên liệu bèo lục bình và ván phối trộn lục bình với vỏ đậu phọng.
7. Kiểm tra tính chất cơ học, vật lý của ván sản xuất từ nguyên liệu phối trộn.
8. Nghiên cứu xây dựng và thực nghiệm quy trình công nghệ sản xuất ván nhân tạo từ bèo lục bình và từ nguyên liệu phối trộn bèo lục bình với vỏ đậu phộng.
Như vậy, quy trình công nghệ tạo ván dăm từ bèo lục bình và ván dăm bèo lục bình với vỏ đậu phộng có thể ứng dụng để sản xuất văn dăm, phương pháp tạo ván đơn giản. Các tính chất cơ học, vật lý đáp ứng yêu cầu cơ bản của ván dăm dùng trong xây dựng và hàng mộc.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 11/2011
- Thời gian kết thúc: 09/2014
g/ Kinh phí thực hiện: 396.200.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)