a. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu sản xuất cải ngọt (Brassica chinesis L.) và khổ qua (Momordica charantia L.) an toàn theo hướng hữu cơ trên vùng đất xám tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương
c. Chủ nhiệm đề tài: KS Phạm Đỗ Bích Quyên
d. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định công thức phối hợp giữa nền phân hữu cơ bón gốc và phân hữu cơ phun qua lá thích hợp cho việc sản xuất rau ăn lá (cải ngọt) và rau ăn quả (khổ qua) an toàn theo hướng hữu cơ có chất lượng cao.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
I. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, an toàn thực phẩm đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Phần lớn vụ ngộ độc đều do an toàn thực phẩm không được đảm bảo. Nhưng muốn có được thực phẩm an toàn thì từ khâu sản xuất nguyên liệu, thu hoạch cho đến bảo quản, chế biến và lưu thông phân phối phải tuân theo các quy trình kỹ thuật, công nghệ nhất định.
Trong thực tế sản xuất hiện nay, nhiều nông dân lạm dụng phân hóa học và các loại nông dược nên tốn nhiều chi phí sản xuất và gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Vì thế, xây dựng một nền nông nghiệp bền vững là một việc có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển chung của đất nước, đặc biệt với vị trí quan trọng của khu vực nông thôn trong sự nghiệp phát triển KTXH của nước ta hiện nay.
Ở nước ta, theo thống kê từ năm 2000 đến năm 2006, đã có 667 vụ ngộ độc do có độc tố trong thực phẩm làm 11.653 người bị ngộ độc, trong đó có 683 người bị tử vong. Riêng tại Bình Dương, trong năm 2007 đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người bị ngộ độc là 506 người, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, số người ngộ độc thực phẩm chỉ mới thống kê những ca ngộ độc cấp tính, trong khi ngộ độc do hàm lượng NO3- và kim loại nặng lại có nguy cơ tiềm ẩn gây ra các bệnh hiểm nghèo cho con người thì rất khó kiểm soát.
Ngày nay, việc sản xuất rau an toàn đã trở nên phổ biến, đáp ứng phần nào nhu cầu an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản xuất rau an toàn còn sử dụng nhiều phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Một giải pháp có thể sản xuất rau an toàn đồng thời cải thiện môi trường đất, nước trong vùng thâm canh đó là canh tác rau theo hướng hữu cơ. Sản xuất hữu cơ phải đảm bảo qui trình được kiểm soát một cách nghiêm ngặt ngay từ vùng sản xuất, chọn đất, làm đất, bón phân và quản lý, chăm sóc… theo nguyên tắc phi hóa học, có nghĩa là không sử dụng phân bón hóa học và các chất bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Để xác định loại phân bón hữu cơ, liều lượng sử dụng, phương thức canh tác phù hợp cho việc sản xuất rau theo hướng hữu cơ trên vùng đất xám tỉnh Bình Dương, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: ‘Nghiên cứu sản xuất cải ngọt (Brassica chinensis L,) và khổ qua (Momordica charantia L,) an toàn theo hướng hữu cơ trên vùng đất xám của tỉnh Bình Dương’.
II. Mục tiêu nghiên cứu
Xác định công thức phối hợp giữa nền phân hữu cơ bón gốc và phân hữu cơ phun qua lá thích hợp cho việc sản xuất rau ăn lá (cải ngọt) và rau ăn quả (khổ qua) an toàn theo hướng hữu cơ có chất lượng cao.
III. Nội dung nghiên cứu
1. Xác định vùng đất đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ
Phân tích đánh giá đất, nguồn nước tưới để xác định vùng đất đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ.
2. Nghiên cứu sản xuất cải ngọt và khổ qua an toàn theo hướng hữu cơ
Xác định loại phân hữu cơ thích hợp trong sản xuất cải ngọt và khổ qua an toàn theo hướng hữu cơ.
Xác định lượng phân hữu cơ bón gốc thích hợp trong sản xuất cải ngọt và khổ qua an toàn theo hướng hữu cơ.
Xác định công thức phối hợp giữa lượng phân hữu cơ bón gốc kết hợp với xử lý đất và phun qua lá phân bón WEHG bổ sung thích hợp trong sản xuất cải ngọt và khổ qua an toàn theo hướng hữu cơ.
IV. Kết quả nghiên cứu
1. Xác định vùng đất đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ
Vị trí khu đất thí nghiệm phù hợp cho việc sản xuất rau an toàn như cách xa khu công nghiệp hơn 2 km, bệnh viện hơn 10 km.
Kết quả phân tích đất, nước trước thí nghiệm ở xã Tân Định và thị trấn An Thạnh cho thấy, đất ở vùng nghiên cứu có tính kiềm, nghèo mùn và chất hữu cơ, giàu lân dễ tiêu; hàm lượng các kim loại nặng không vượt quá mức cho phép được qui định tại Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cation trao đổi có hàm lượng từ thấp đến trung bình nên vùng đất này rất cần được bón thêm phân hữu cơ để tăng khả năng giữ nước và phân bón, đồng thời làm tăng sự trao đổi của các cation trong đất và cải thiện cấu trúc của đất.
2. Nghiên cứu sản xuất cải ngọt và khổ qua an toàn theo hướng hữu cơ
Trong thời gian từ tháng 10/2008 đến tháng 01/2010 thực hiện 3 thí nghiệm nghiên cứu sản xuất cải ngọt và khổ qua an toàn theo hướng hữu cơ đồng thời tại 2 địa điểm: Xã Tân Định và thị trấn An Thạnh, thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối đầy đủ hoàn toàn ngẫu nhiên Randomized Complete Block Design (RCBD), 3 lần lặp lại. Kết quả đạt được như sau:
a) Cây cải ngọt
Phân trâu bò có tác dụng tốt đối với cây cải ngọt, với lượng bón 15 tấn/ha cho năng suất bình quân 21 tấn/ha, tỉ suất lợi nhuận đạt từ 1,29 đến 1,36 và hàm lượng nitrate, dư lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật; vi sinh đều đạt tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qui định.
Năng suất cải ngọt tăng theo lượng phân trâu bò bón vào gốc. Tuy nhiên, khi bón cao hơn 15 tấn phân trâu, bò/ha thì năng suất cải ngọt tăng không có ý nghĩa về mặt thống kê.
Khi phối hợp với phân bón phun qua lá đồng thời giảm 25% lượng phân hữu cơ bón gốc thì năng suất cải thu được không khác biệt về mặt thống kê so với đối chứng trồng theo qui trình rau an toàn, cụ thể bón phân trâu bò với liều lượng 11,3 tấn/ha kết hợp với với xử lý đất và phun qua lá phân bón WEHG cho năng suất trung bình đạt 21,3 tấn/ha, tỉ suất lợi nhuận cao (1,73).
b) Cây khổ qua
Phân hữu cơ sinh học Humix dùng cho rau ăn quả có tác dụng tốt đối với cây khổ qua. Bón 3,5 tấn phân HCSH Humix/ha khổ qua cho năng suất đạt từ 32,7 - 34,1 tấn/ha và không khác biệt so với nghiệm thức đối chứng; dư lượng nitrate, kim loại nặng và vi sinh vật đạt tiêu chuẩn theo qui định tại Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN và hàm lượng vitamin A, vitamin C, chất xơ trong trái khổ qua cao hơn nghiệm thức đối chứng.
Khi tăng lượng phân HCSH bón vào đất thì sinh trưởng và năng suất khổ qua tăng theo. Tuy nhiên, sự hấp thu phân HCSH của cây khổ qua là có giới hạn và trong điều kiện thí nghiệm, bón 3,5 tấn phân HCSH Humix/ha khổ qua đạt năng suất cao và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất (tỉ suất lợi nhuận đạt từ 0,96 đến 0,99).
Với điều kiện thí nghiệm, hàm lượng kim loại nặng Cd2+, As3+, Pb2+ tích lũy trong đất trồng khổ qua không vượt ngưỡng cho phép.
Xử lý đất trồng khổ qua và phun qua lá phân WEHG kết hợp với bón 2,7 tấn phân HCSH Humix/ha (giảm 25%) không làm giảm năng suất khổ qua và tỉ suất lợi nhuận cao hơn nghiệm thức đối chứng, lợi nhuận thu được từ 74.024.000 đồng/ha đến 77.714.000 đồng/ha.
V. Kiến nghị, đề xuất
Khuyến cáo nông dân bón 11,3 tấn phân trâu, bò (đối với rau cải ngọt) và 2,7 tấn phân HCSH Humix (đối với khổ qua) kết hợp với xử lý đất và phun qua lá phân WEHG để tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tăng cường phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi trở thành ngành chính để cung cấp nguồn phân hữu cơ cho trồng trọt, tạo tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, tài chính cũng như chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi mang tính liên ngành cho việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.
Tiếp tục nghiên cứu việc sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ trên các đối tượng cây trồng khác.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 10/2008
- Thời gian kết thúc: 01/2010
f. Kinh phí: 269.428.536 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).