a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu thực trạng cấp cứu, đề xuất các giải pháp cũng cố nâng cao chất lượng cấp cứu tại khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: BS.CKII Hàn Khởi Quang và cá nhân tham gia chính:
1. BS. Nguyễn Văn Tính
2. BS. Trương Đình Nhân
3. ĐD. Đoàn Thị Nở
4. KTV. Nguyễn Minh Phượng
d. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát thực trạng hoạt động của khoa cấp cứu; đánh giá thực trạng của khoa cấp cứu một cách toàn diện về nhân lực, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; nghiên cứu mô hình bệnh tật và công tác điều trị của khoa cấp cứu, từ đó có cơ sở để đề xuất các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tại khoa cấp cứu, phấn đấu, xây dựng khoa cấp cứu theo các tiêu chuẩn của một khoa cấp cứu của một bệnh viện tỉnh, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm các trường hợp bệnh lý nặng phải điều trị kéo dài tại bệnh viện gây tốn kém về kinh tế, tổn hại về sức khỏe, thậm chí để lại di chứng nặng nề.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Cấp cứu là một trong những hoạt động quan trọng và được quan tâm nhất của các cơ sở khám chữa bệnh. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, hàng ngày khoa cấp cứu tiếp nhận hơn một trăm ca cấp cứu, chủ yếu là tai nạn giao thông , tai nạn lao động, cấp cứu nội khoa, tim mạch, thần kinh, nhi khoa… và đôi khi có cấp cứu về ngộ độc thực phẩm. Việc giải quyết các bệnh lý cấp cứu nói chung và các bệnh cấp cứu tai nạn thương tích nói riêng đang là vấn đề bức xúc trong công tác khám chữa bệnh hàng ngày tại các tuyến, nhất là tuyến cơ sở.
Tuy nhiên, tại bệnh viện tỉnh, máy móc trang thiết bị tại khoa cấp cứu tuy được các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần những vẫn còn thiếu, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác chẩn đoán, cấp cứu tại khoa . Bên cạnh đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Binh Dương chưa có Trung tâm cấp cứu ngoài bệnh (115), công tác cấp cứu ngoại bệnh viện này cũng do khoa cấp cứu đảm nhiệm. Đây là một trong những áp lực đối với khoa cấp cứu khi mà số ca cấp cứu ngày một tăng, tính chất bệnh cấp cứu ngày một nặng và phức tạp.
Mô hình bệnh tật luôn biến đổi theo thời gian và theo tình hình phát triển của đất nước. Việc xác định mô hình bệnh tật và tử vong tại một nơi cụ thể, tại một thời điểm cụ thể, sẽ là cơ sở khoa học giúp cho công tác phòng bệnh, xây dựng kế hoạch cấp cứu và điều trị để giúp hạ thấp tối đa tần suất mắc bệnh về tỷ lệ tử vong. Để đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, trị bệnh tại khoa cấp cứu, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cũng đã có nhiều giải pháp về cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ… nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của khoa cấp cứu tại bệnh viện. Chính vì vậy, tác giả đề xuất hiện thực đề tài “Nghiên cứu thực trạng cấp cứu, đề xuất các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng cấp cứu tại khoa cấp cứu hồi sức Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương” nhằm giải quyết nhu cầu trên.
Mục tiêu của đề tài: Khảo sát thực trạng hoạt động của khoa cấp cứu; đánh giá thực trạng của khoa cấp cứu một cách toàn diện về nhân lực, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; nghiên cứu mô hình bệnh tật và công tác điều trị của khoa cấp cứu, từ đó có cơ sở để đề xuất các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tại khoa cấp cứu, phấn đấu, xây dựng khoa cấp cứu theo các tiêu chuẩn của một khoa cấp cứu của một bệnh viện tỉnh, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm các trường hợp bệnh lý nặng phải điều trị kéo dài tại bệnh viện gây tốn kém về kinh tế, tổn hại về sức khỏe, thậm chí để lại di chứng nặng nề.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đề tài đã tiến hành khảo sát toàn diện tại khoa cấp cứu và xây dựng một mô hình khoa cấp cứu hồi sức của bệnh viện thích hợp với mô hình bệnh tật cấp cứu của nhân dân tỉnh Bình Dương, ứng dụng thích hợp với số cán bộ y tế hiện có. Mô hình bệnh tật tại khoa cấp cứu hiện tại như: tai nạn thương tích (53%), nội khoa (38%), các bệnh khác là 9%. Cấp cứu nội khoa các bệnh lý về tim mạch chiếm hàng đầu, sau đó đến tiêu hóa, hô hấp. Tai nạn thương tích chiếm hơn nữa số bệnh nhân nhập viện, trong đó tai nạn giao thông chiếm phần lớn. Bệnh nhân tử vong trước khi nhập viện, hàng đầu là đột tử chưa rõ nguyên nhân.
Trường hợp tử vong tại khoa cấp cứu, nguyên nhân hàng đầu là chấn thương sọ não.
Tổ chức lại bộ máy điều hành cho có hiệu năng và nhạy bén hơn. Sắp xếp công tác, bố trí nhân lực hợp lý để cho công tác cấp cứu có hiệu quả hơn, tránh lãng phí nhân lực bác sĩ, điều dưỡng và trang thiết bị, tránh làm việc trùng lắp và quá tải.
Đánh giá lực lượng nhân viên về kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên môn, tay nghề và đạo đức nghề nghiệp để có hướng đào tọa phù hợp hơn.
Đề xuất các giải pháp về tổ chức như tiếp tục tổ chức hai đơn nguyên tại khoa cấp cứu; quan tâm hơn nữa việc xây dựng đội ngũ bác sĩ ngoại thần kinh; tổ chức nhóm cấp cứu chấn thương nguy kịch… Về nhân lực, tạo điều kiện làm việc ổn định, lâu dài, phát triển chuyên sau, cải thiện môi trường làm việc, giải quyết các chế độ đãi ngộ… Về đào tạo, cần định hướng chuyên khoa cấp cứu, tăng cường công tác đào tạo lại, thành lập phòng thực hành… Về trang thiết bị, tăng cường gường bệnh, các phương tiện phục vụ điều trị, phương tiện hỗ trợ bệnh nhân khi vận chuyển, xe cứu thương chuyên dụng… Về cơ sở vật chất, trang bị hệ thống cấp nước, hệ thống nước thải, hệ thống thông khí, chiếu sáng…
Sau khi triển khai các giải pháp , bệnh nhân đến cấp cứu được phân loại chính xác, sau khi cấp cứu được di chuyển đến đúng địa chỉ, ổn định, an toàn, không có hiện tượng chuyển vòng vo hay chuyển nhầm bệnh nhân nặng vào các khoa. Sự đa dạng trong mô hình bệnh tật cấp cứu và mức độ bệnh tật nặng nề của các bệnh nhân đòi hỏi hệ thống cấp cứu của bệnh viện phải phát triển chuyên sâu. Điều này cũng phù hợp với xu hướng của ngành y tế. Với mô hình mình cần tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn, lâu hơn để có mô hình bệnh tật tương đối chính xác và đầy đủ hơn.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 10/2008
- Thời gian kết thúc: 09/2009
g/ Kinh phí thực hiện: 392.529.000 đồng.
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).