a. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu tiềm năng triển khai áp dụng nhãn sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Dương - Đề xuất các giải pháp thực hiện
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Môi trường Tài nguyên - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS Lê Thanh Hải
d/ Mục tiêu nghiên cứu: Phân tích và đánh giá tiềm năng áp dụng nhãn sinh thái của một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương. Từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa ban ftinhr tiến đến đạt được các yêu cầu về nhãn sinh thái nhằm góp phần vào công tác bảo vệ môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững,đồng thời làm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công thương, phấn đấu đạt được các yêu cầu của tỉnh Bình Dương trong quá trình hội nhập vào WTO ở nước ta.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Nhãn sinh thái hay còn gọi là nhãn xanh, nhãn môi trường. Đây chính là sự công bố bằng lời hoặc ký hiệu hay sơ đồ nhằm chỉ rõ các thuộc tính môi trường của sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời, giúp cho người tiêu dùng hay khách hàng nắm được nhiều thông tin hơn về các tác động của sản phẩm, dịch vụ đối với môi trường, sức khỏe con người và giúp họ có nhận thức cao hơn đối với những vấn đề môi trường, giúp người tiêu dùng thay đổi ý thức khi mua hàng.
Theo đó, tất cả các sản phẩm như thực phẩm, sản phẩm y tế, một số sản phẩm mang tính chất dịch vụ… đều cần làm nhãn sinh thái, đặc biệt nhóm ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và địa phương Bình Dương. Bên cạnh đó, nước ta đã gia nhập vào WTO, nhưng hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn nhãn sinh thái chung nên một số sản phẩm của nước ta khi cung cấp vào đó thường gặp nhiều khó khăn và rào cản.
Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một địa phương được cả nước biết đến về thu hút đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế; đóng góp GDP đáng kể vào ngân sách quốc gia với nhiều sản phẩm xuất khẩu quan trọng. Do đó, việc thực hiện triển khai áp dụng nhãn sinh thái cho các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cần thiết, nhằm nâng cao uy tín, tăng sức cạnh tranh, tạo dựng hình ảnh tốt về doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Đồng thời, khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Để thực hiện các nội dung nghiên cứu, nhóm tác giả đã vận dụng một số phương pháp chủ yếu như: Phương pháp kế thừa, chọn lọc; khảo sát thực địa; tham khảo ý kiến chuyên gia; đánh giá vòng đời sản phẩm; xây dựng các chỉ tiêu, chỉ số; so sánh… nhằm làm cơ sở cho việc đề xuất triển khai áp dụng nhãn sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của nhiệm vụ: Phân tích và đánh giá tiềm năng áp dụng nhãn sinh thái của một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương. Từ đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh tiến đến đạt được các yêu cầu về nhãn sinh thái nhằm góp phần vào công tác bảo vệ môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời làm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công thương, phấn đấu đạt được các yêu cầu của tỉnh Bình Dương trong quá trình hội nhập WTO ở nước ta.
Sau 12 tháng triển khai thực hiện nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả khả quan như sau:
- Nghiên cứu về nhãn sinh thái và tình hình nghiên cứu, áp dụng nhãn sinh thái trên thế giới và Việt Nam bằng cách tập trung tìm hiểu tổng quan về nhãn sinh thái, các đặc tính và tình hình áp dụng nhãn sinh thái trên thế giới nói chung, trong khu vực cũng như tại Bình Dương nói riêng.
- Phân tích, đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tiến hành lựa chọn các đối tượng nghiên cứu điển hình để đề xuất tiêu chí đánh giá tiềm năng dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông sản/thực phẩm, gốm sứ gia dụng.
- Xây dựng 05 tiêu chí đánh giá tiềm năng áp dụng nhãn sinh thái cho một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh
- Áp dụng thử nghiệm dán nhãn sinh thái cho 02 công ty TNHH Cường Phát (sản xuất gốm sứ) và công ty TNHH PMA Industrier Việt Nam (chế biến gỗ) để đánh giá về hiện trạng sản xuất kinh doanh; hệ thống quản lý môi trường; điều tra, đánh giá thực tế và phân tích tác động chu trình sống của sản phẩm... của công ty.
- Đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chương trình nhãn sinh thái; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tiến tới đạt được các yêu cầu dán nhãn sinh thái.
Tóm lại, cùng với sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ, nhãn sinh thái sẽ là điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có điều kiện hội nhập vào nền kinh tế thế giới, mở rộng thị trường và tăng khả năng cạnh tranh.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 11/2010
- Thời gian kết thúc: 11/2011
g/ Kinh phí thực hiện:
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)