a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu tổng thể ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trên địa bàn tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Đại lý Tài nguyên Tp.HCM
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lâm Đạo Nguyên và những cá nhân tham gia chính:
1. TS. Vũ Xuân Cường
2. TS. Trần Hùng
3. TS. Đỗ Đức Hạnh
4.TS. Lê Trung Chơn
5. ThS. Trần Trọng Tuyên
6. ThS. Nguyễn Hữu Duy Khương
7. ThS. Phạm Thị Mai Thy
8. ThS. Trần Hà Phương
9. CN. Trần Đình Trung
10. CN. Lê Thị Phương
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Xây dựng định hướng tổng thể phát triển hệ thống thông tin địa lý (GIS) phù hợp với điều kiện thực tế của các sở, ngành và huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xây dựng và phát triển hệ thống thông tin địa lý đa ngành tích hợp, có khả năng kết nối vào mạng thông tin quốc gia, phục vụ công tác quản lý, đồng thời đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin của các doanh nghiệp, tổ chức và công dân tại Bình Dương.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng kể trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tỉnh cũng bộc lộ một số tồn tại và phát sinh nhiều yêu cầu mới trong công tác quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến môi trường, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, thông tin liên lạc, hệ thống giao thông, khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị…
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ Geographic Information System (hệ thống thông tin địa lý GIS) đã tạo ra sự phát triển bùng nổ với các ứng dụng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường,... Nhờ khả năng phân tích và xử lý đa dạng, công nghệ GIS được coi là công cụ trợ giúp cho việc ra quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của các quốc gia trên thế giới. Do vậy, việc nghiên cứu tổng thể ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trên địa bàn tỉnh Bình Dương là việc làm rất cần thiết để đáp ứng các yêu cầu mới trong công cuộc phát triển của tỉnh, cũng như hỗ trợ cho công tác quản lý hành chính Nhà nước.
II.Kết quả thực hiện
Sau 24 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu đề tài đã đạt được những kết quả như sau:
Một số ứng dụng GIS tiêu biểu phục vụ quản lý vùng lãnh thổ ở trong nước và nước ngoài đã được tìm hiểu, phân tích như: Các chương trình GIS quốc gia, tình hình ứng dụng GIS tại các tỉnh thành, chiến lược triển khai GIS ở quận Calaveras (Hoa Kỳ), ứng dụng GIS trong quản lý nhà nước Qatar... Qua đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy, nhiệm vụ chủ yếu của các ứng dụng GIS là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, tạo khuôn khổ cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cấp, ban ngành của địa phương, hỗ trợ quản lý và cung cấp thông tin thông qua mạng Internet hoặc mạng nội bộ.
Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất mô hình tổng thể ứng dụng GIS cho tỉnh Bình Dương bao gồm: Khung kiến trúc cơ sở dữ liệu GIS tỉnh Bình Dương; từ điển dữ liệu GIS tỉnh Bình Dương; các giải pháp chuyển đổi định dạng dữ liệu GIS phổ biến, các giải pháp cập nhật dữ liệu GIS; thể chế quản lý hệ thống GIS tích hợp tỉnh Bình Dương và các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và ban hành các quy chế vận hành hệ thống.
Cụ thể là đề tài đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý toàn tỉnh Bình Dương tỷ lệ 1:25.000, hệ thống GIS tổng thể tỉnh Bình Dương được đề xuất xây dựng theo mô hình kết hợp nửa tập trung, nửa phân tán. Trong đó, cơ sở dữ liệu tích hợp của hệ thống sẽ được tổ chức dưới dạng ngân hàng dữ liệu gốc tập trung lưu trữ tại Trung tâm GIS cùng với thông tin siêu dữ liệu (Cơ sở dữ liệu metadata) để dễ dàng truy vấn, tìm kiếm. Các sở ngành, huyện, thị xã sẽ xây dựng các cơ sở dữ liệu GIS chuyên ngành phục vụ tác nghiệp của đơn vị mình. Đồng thời, mô hình GIS chuyên ngành sẽ được thiết kế đồng bộ với mô hình GIS tổng thể dựa trên các chuẩn kỹ thuật về công nghệ và dữ liệu để đảm bảo tính kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống thông tin địa lý tỉnh Bình Dương, bao gồm: Giải pháp về phần cứng và mạng; phần mềm; cổng thông tin địa lý; dữ liệu. Mặt khác, khung kiến trúc cơ sở dữ liệu GIS tỉnh Bình Dương cũng được đề xuất bao gồm: Nhóm dữ liệu nền địa hình; nền hành chính; chuyên ngành dùng chung; thông tin siêu dữ liệu và nhóm dữ liệu chuyên ngành. Song song đó, các giải pháp chuyển đổi định dạng dữ liệu GIS phổ biến, chuyển đổi hệ tọa độ, chuyển đổi mã tiếng Việt, cập nhật dữ liệu và từ điển dữ liệu nền cũng được nhóm thực hiện đề tài đề xuất…
Dựa vào khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng, nhu cầu ứng dụng GIS tại 08 sở ngành, UBND thị xã Thuận An, UBND huyện Phú Giáo và mô hình tổng thể ứng dụng GIS cho tỉnh Bình Dương, đề tài đã đề xuất triển khai các dự án ưu tiên ứng dụng GIS phục vụ cho công tác quản lý hành chính nhà nước tại các sở, ngành, huyện, thị xã. Cụ thể là: Hiệu chỉnh và cập nhật cơ sở dữ liệu nền thông tin đại lý tỷ lệ 1/25.000 toàn tỉnh Bình Dương; xây dựng mô hình số độ cao và mô hình số bề mặt 03 chiều cho toàn tỉnh; đề án thành lập Trung tâm GIS tỉnh Bình Dương; đầu tư (giai đoạn 1) trang thiết bị công nghệ phần cứng và phần mềm cho trung tâm GIS; xây dựng cổng thông tin địa lý (Bình Dương GIS portal), hoàn chỉnh giải pháp tích hợp dữ liệu và cung cấp dịch vụ dữ liệu trên nền website; quy chế vận hành của hệ thống thông tin địa lý tỉnh Bình Dương; các quy định về chuẩn thông tin, dữ liệu GIS; quy chế cung cấp, khai thác, sử dụng, trao đổi, chia sẻ thông tin dữ liệu địa lý giữa các sở, ngành, huyện, thị xã trong tỉnh;các quy định kỹ thuật liên quan đến hoạt động của Hệ thống thông tin địa lý tỉnh Bình Dương; chuẩn hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000,1/5.000,1/2.000 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (thực hiện trên cơ sở kết quả của 02 dự án Chính phủ về Cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 phủ trùm toàn quốc và tỷ lệ 1/5.000,1/2.000 khu vực đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp…)
III. Kết luận
Có thể thấy, hệ thống thông tin địa lý GIS có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ quản lý, cung cấp thông tin và phổ cập thông tin đến người dân. Việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý rộng rãi sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế vùng lãnh thổ bởi thông tin địa lý càng chuẩn xác, càng chi tiết, được cập nhật liên tục sẽ tạo thuận lợi trong quản lý và những tính toán đầu tư cũng sẽ chuẩn xác, hợp lý, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự ra đời của chuẩn thông tin địa lý tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ mở ra một thời kỳ mới trong ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đất nước.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 02/2011
- Thời gian kết thúc: 02/2012
g/ Kinh phí thực hiện: 595.900.000 đồng
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ./.