a. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật EIA và liệu pháp Hormone trên bò hậu bị và bò lứa chậm động dục nhằm góp phần tăng khả năng sinh sản ở bò sữa và thu nhập cho người chăn nuôi
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Bình Dương
c. Chủ nhiệm đề tài: TS Nguyễn Văn Thành
d. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Theo số liệu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thì năm 2007, tại Bình Dương tốc độ phát triển đàn bò có khuynh hướng tăng ở 04 huyện phía Bắc (Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Phú Giáo) và các huyện phía Nam có chiều hướng giảm dần, do công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị. Và theo quy hoạch ngành nông nghiệp, đến năm 2010 phát triển 10.000 con bò sữa, trong đó tập trung phát triển ở các huyện phía Bắc. Các giống bò sữa chủ yếu là nhóm giống bò lai 50% HF; 75% HF; 87,5% HF;… và một số ít bò thuần Holstein Friesian, bò lai Jersey…
Với mong muốn cải thiện năng suất và chất lượng sữa của đàn bò trong nước đòi hỏi cần phải nhập thêm một số giống bò sữa có năng suất và chất lượng sữa cao và chịu được điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của nước ta. Do đó, để phát triển đàn bò sữa như hiện nay, cần phải tăng chất lượng con giống trên, giảm tỷ lệ bò loại thải do bị trở ngại sinh sản, giảm khoảng cách giữa 02 lứa đẻ, tăng số lượng bê con được sinh ra trong đời 01 con bò sữa lên; rút ngắn thời gian chờ phối của bò cái…
Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật EIA và liệu pháp Hormone trên bò hậu bị và bò lứa chậm động dục nhằm góp phần tăng khả năng sinh sản ở bò sữa và thu nhập cho người chăn nuôi” góp phần tìm kiếm và đưa ra những biện pháp ứng dụng chẩn đoán, đề ra quy trình điều trị thích hợp nhất để những người làm công tác điều trị, người chăn nuôi có thể ứng dụng.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Nắm tình hình chung về chăn nuôi bò sữa, trong đó bò lứa bị chậm động dục và bò tơ chậm phát dục; Sử dụng kỹ thuật xét nghiệm EIA để chẩn đoán và tìm biện pháp giúp cải tiến sinh sản, giảm thiểu bò bị loại thải do chậm động dục.
Kỹ thuật ELISA là kỹ thuật khá nhạy và đơn giản, cho phép xác định kháng nguyên hoặc kháng thể ở nồng độ rất thấp (0,1ng/ml) và được dùng để chẩn đoán nhiều tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh, hàm lượng progesterone trong máu.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra, phân tích, lựa chọn 71 hộ tham gia thực hiện đề tài, số lượng: 358 con bò tại trại chăn nuôi bò sữa ở huyện Bến Cát, Thuận An, Bình Dương đáp ứng các yêu cầu sau: Bò tơ 18 tháng tuổi; bò sau khi sinh 03 tháng trở lên mà không động dục hoặc động dục bất thường.
Sau đó tiến hành đánh dấu khám lâm sàng và khám trực tràng; lấy mẫu xét nghiệm progesterone 03 lần và mỗi lần cách nhau 07 ngày.
Theo đó, progesterone là kích thích tố cần thiết cho việc duy trì sự mang thai và hoạt động bằng cách thay đổi khả năng thẩm thấu ion xuyên qua màng tế bào cơ tử cung, làm tăng xu thế nghỉ ngơi của màng và giảm sự dẫn truyền tế bào, khả năng kích thích. Progesterone là steroid với 21 carbone và có công thức phân tử là C21H30O2. Theo đó, Progesterone được vận chuyển trong máu bằng cách gắn với albumin huyết tương và globulin đặc hiệu. Progesterone được gắn vào thụ thể trong tương bào, sau đó phức hợp thụ thể - Progesterone gắn vào DNA, khơi mào tổng hợp mRNA và protein mới.
Công thức hóa học Progesterone
Sau đó, nhóm Tiến hành điều tra tình hình bò sữa rối loạn sinh sản theo mẫu có chọn lọc, chọn những hộ chăn nuôi có bò sữa rối loạn sinh sản, bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp hộ chăn nuôi và quan sát bên ngoài; ghi nhận và đánh dấu theo dõi, khám lâm sàng, khám trực tràng. Cụ thể, khảo sát hàm lượng progesterone bằng kỹ thuật P-EIA bố trí theo các tình trạng rối loạn sinh sản; sử dụng vòng chứa hormone để điều trị bò rối loạn sinh sản;….
Sau 18 tháng nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả như sau:
- Điều tra và phát hiện được 108/358 con bò sữa rối loạn sinh sản. Trong đó, bò giống lai 50% máu HF đạt 24 con; 75% máu HF là 62 con; 87,5% máu HF là 22 con và 29 bò tơ, 79 bò lứa. Tiến hành chẩn đoán phân loại theo tình trạng rối loạn sinh sản gồm có 39 bò do tồn hoàng thể, 38 bò u nang buồn trứng và 31 bò thiểu năng buồng trứng.
- Hàm lượng progesterone ở bò rối loạn sinh sản cho thấy ở bò tồn hoàng thể biến động từ 7,53 ng/ml đến 11,12ng/ml ở bò u nang buồng trứng biến động từ 1,15ng/ml đến 1,26ng/ml và ở bò thiểu năng buồng trứng biến động từ 0,5ng/ml đến 0,64ng/ml
- Sử dụng vòng có chứa hormone điều trị: Tỷ lệ bò động dục lại ở bò tồn hoàng thể là 84,6%; ở bò có u nang buồng trứng là 65,79% và ở bò nhiểu năng buồng trứng là 87,1%.
- Công tác tổ chức, giới thiệu kỹ thuật EIA và hỗ trợ điều trị chậm động dục được tổ chức 10 lượt tại 10 xã cho 316 hộ chăn nuôi bò sữa thông qua các hội thảo góp phần nâng cao sự hiểu biểu cho người chăn nuôi và tiếp nhận kỹ thuật mới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc chẩn đoán bò sữa mắc rối loạn sinh sản cần dựa vào kết quả khám lâm sàng, khám trực tràng và kết hợp xét nghiệm hàm lượng progesterone sẽ chính xác hơn. Và việc điều trị từng trường hợp theo tình trạng bệnh bằng liệu pháp sử dụng vòng chứa hormone sẽ cho kết quả tốt nên cần được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi bò sữa.
e. Thời gian nghiên cứu: 18 tháng
- Thời gian bắt đầu: 11/2006
- Thời gian kết thúc: 03/2008
f. Kinh phí thực hiện: 246.984.000 đồng
(Có thể tìm đọc tài liệu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)