a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu xử lý sau thu hoạch đối với một số loại rau chính ở tỉnh Bình Dương nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
b. Đơn vị chủ trì: Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Bùi Xuân Khôi và những cá nhân tham gia chính:
1. ThS. Nguyễn Thị Thúy Bình
2. ThS. Âu Thị Ngọc Ánh
3. ThS. Đỗ Văn Quỹ
4. KS. Lê Thị Vân
5. KS. Huỳnh Thị Bích Tuyền
6. KS. Vũ Mạnh Hà
7. KS. Phạm Thị Mười
d. Mục tiêu nghiên cứu: Nâng cao tính an toàn của rau và kéo dài thời gian bảo quản của rau sau thu hoạch được sản xuất ở Bình Dương.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Rau xanh là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người. Và cũng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rau xanh không chỉ có vai trò cung cấp nhiều vitamin; chất khoáng và chất xơ cho cơ thể con người mà chúng còn là một trong những loại thảo dược giúp ngăn ngừa và chữa trị nhiều bệnh dành cho người lớn tuổi và trẻ em. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng ngộ độc do ăn rau không an toàn đang xảy ra mỗi ngày trên cả nước.
Bình Dương là một tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thu hút số lượng lớn dân nhập cư và người lao động trong các khu công nghiệp ngày càng gia tăng, kéo theo nhu cầu về rau xanh là rất lớn. Tuy nhiên, rau xanh lại được cung cấp nhiều nguồn đa dạng từ nơi sản xuất; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón để đảm bảo năng suất rau; rau được trồng ở nơi có nguồn nước bị ô nhiễm…
Do đó, để hoàn thiện quy trình sản xuất rau an toàn, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu xử lý rau sau thu hoạch đối với một số loại rau chính ở Bình Dương nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, góp phần loại bỏ vi sinh vật gây hại trên rau, kéo dài thời gian tồn trữ, đề xuất biện pháp xử lý và bảo quản rau được an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Để xác định những biện pháp loại bỏ vi sinh vật gây hại trên rau, kéo dài thời gian tồn trữ và đề xuất biện pháp xử lý, bảo quản rau an toàn, nhóm tác giả đã tập trung nghiên cứu vào một số công việc chủ yếu như: Khảo sát hiện trạng sản xuất; đánh giá nguy cơ không an toàn tại một số vùng sản xuất rau chính; nghiên cứu một số biện pháp xử lý và bảo quản rau bằng các biện pháp khử trùng bằng anolyte; ozone và các chất xử lý khác…
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm góp phần nâng cao tính an toàn của rau và kéo dài thời gian bảo quản của rau sau thu hoạch được sản xuất ở Bình Dương.
Sau 18 tháng nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
- Điều tra, khảo sát hiện trạng canh tác và vệ sinh an toàn thực phẩm trên một số loại rau chính ở tỉnh Bình Dương thông qua 90 mẫu phiếu khảo sát tại các vùng sản xuất rau chính ở Tân Uyên, Bến Cát và thị xã Thủ Dầu Một. Kết quả cho thấy, phần lớn các hộ đều phun thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng cao hơn khuyến cáo ghi trên bao bì sản phẩm (chiếm 63,33%), dẫn đến tình trạng kháng thuốc bảo vệ thực vật của sâu bệnh và nguy cơ tồn dư hóa chất trên sản phẩm rau quả là rất lớn.
- Nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian tiệt trùng bằng Ozone đến an toàn thực phẩm của một số loại rau chính trên địa bàn tỉnh tại phòng thí nghiệm Lab công nghệ sinh học. Ngoài khả năng kéo dài thời gian bảo quản, xử lý bằng ozone còn làm giảm đáng kể hàm lượng vi sinh vật trên bề mặt rau và kéo dài thời gian bảo quản không làm giảm tỷ lệ hư hỏng, tăng thời gian bảo quản rau.
- Nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian tiệt trùng bằng Anolyte đến an toàn thực phẩm của một số loại rau chính trên địa bàn tỉnh với các mẫu rau cải ngọt, rau muống, rau xà lách, dưa leo, khổ qua tại phòng thí nghiệm. Đối với nhiều loại rau khác nhau cần thời gian xử lý với dung dịch Anolyte cũng khác nhau, đối với rau ăn lá xử lý ở nồng độ 350ppm trong thời gian 3 phút là thích hợp nhất; rau ăn quả cần 06 phút để xử lý. Ngoài khả năng kéo dài thời gian bảo quản, xử lý bằng Anolyte còn làm giảm đáng kể hàm lượng vi sinh vật trên bề mặt rau so với nghiệm thức đối chứng
- Nghiên cứu ảnh hưởng của một số chất tiệt trùng (thuốc tím, một số chất truyền thống) đến an toàn thực phẩm của một số loại rau chính bằng cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu về thời gian xử lý để làm cơ sở trong việc chọn thời gian xử lý đối với các dụng dịch tiệt trùng Ozone và Anolyte
- Nghiên cứu ảnh hưởng của biện pháp thu hái và bao gói rau sau thu hoạch đến an toàn thực phẩm và thời gian tồn trữ các loại rau chính; ảnh hưởng của nhiệt độ bảo quản, độ ẩm đến chất lượng và thời gian tồn trữ của các loại rau chính
- Tiến hành nghiên cứu thực nghiệm tại hộ dân từ những kết quả nghiên cứu của thí nghiệm
- Tổng hợp quy trình xử lý rau sau thu hoạch và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho một số loại rau chính nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua kết quả điều tra, phân tích hiện trạng sản xuất rau tại huyện Tân Uyên, Phú Giáo, thị xã Thủ Dầu Một, Bến Cát cho thấy tiềm năng phát triển cây rau trên địa bàn tỉnh là rất lớn và hầu hết các hộ trồng rau đã học tập các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất rau nhằm đảm bảo an toàn và kéo dài thời gian bảo quản của một số loại rau sản xuất tại Bình Dương như biện pháp khử trùng bằng anolyte, ozone và các chất xử lý khác; nghiên cứu các biện pháp thu hái, bao gói, tạo độ ẩm; nghiên cứu hoàn thiện quy trình xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 06/2009
- Thời gian kết thúc: 11/2010
f. Kinh phí: 544.033.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)