a. Tên nhiệm vụ: Nhận thức và cách ứng phó với hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng của sinh viên vùng Đông Nam bộ
b. Cấp quản lý nhiệm vụ: cơ sở
c. Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
d. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Tiến sĩ Lê Anh Vũ
e. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích xây dựng các luận cứ về lý luận cũng như thực tiễn để đề xuất các mô hình hỗ trợ sinh viên nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với QRTD nơi công cộng.
f. Tóm tắt:
Đây là đề tài nghiên cứu của TS. Lê Anh Vũ, thực hiện vào năm 2022 với mục tiêu xây dựng các luận cứ về lý luận cũng như thực tiễn để đề xuất các mô hình hỗ trợ sinh viên nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với quấy rối tình dục (QRTD) nơi công cộng.
Cụ thể hơn, đề tài nhận diện và phân tích thực trạng về QRTD nơi công cộng đối với của sinh viên vùng Đông Nam Bộ, nhận thức của SV ở vùng Đông Nam Bộ đối với hành vi QRTD nơi công cộng. Bên cạnh đó, đề tài phân tích cách ứng phó của SV ở vùng Đông Nam Bộ đối với QRTD nơi công cộng và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hỗ trợ SV phòng chống QRTD nơi công cộng vùng Đông Nam Bộ. Qua đó, đánh giá hoạt động hỗ trợ SV ứng phó với QRTD nơi công cộng vùng Đông Nam Bộ và Đề xuất mô hình ứng dụng phương pháp Công tác xã hội (CTXH) trong hỗ trợ SV ứng phó với QRTD nơi công cộng
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở tất cả 20 hình thức QRTD ở nơi công cộng mà tác giả đưa ra đều đã có SV gặp phải hoặc chứng kiến ở các mức độ khác nhau. Nhìn chung, các hình thức quấy rối tập trung vào 3 nhóm QRTD thể chất, QRTD ngôn ngữ và QRTD phi ngôn ngữ. Trong đó, 3 hình thức QRTD mà SV gặp phải nhiều nhất là “bị liếc mắt đưa tình”; “bị đụng chạm 1 cách cố ý” và “Bị hỏi những câu về tình dục”. Từ những dữ liệu phỏng vấn sâu và kết quả khảo sát định lượng cho thấy việc nam SV có trải nghiệm là nạn nhân hoặc là người chứng kiến không phải là mang tính cá biệt, đơn lẻ mà chiếm tỷ lệ khá cao, nhất là những hình thức quấy rối ngôn ngữ và phi ngôn ngữ mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Điều này cho thấy đây thật sự là vấn đề cần phải quan tâm và việc xây dựng một môi trường sống an toàn là nên dành cho tất cả chứ không chỉ đề cập tới giới nữ.
Về kết quả nhận diện và phân tích nhận thức của SV ở vùng Đông Nam Bộ đối với hành vi QRTD nơi công cộng cho thấy nhận thức của SV của vùng Đông Nam Bộ là tương đối tốt. So sánh về mức độ nhận thức giữa nam và nữ, kết quả kiểm định T-test cũng cho thấy sự khác biệt về giới ở cả 20 hình thức QRTD nơi công cộng và luôn theo chiều hướng là nữ có nhận thức tốt hơn nam. thể hiện qua điểm trung bình luôn cao hơn. Các yếu tố cá nhân có ảnh hưởng đến nhận thức vể QRTD nơi công cộng là “giới tính”, “năm học” và yếu tố “vùng miền”.
Theo đó, thì việc có trải nghiệm về hỗ trợ nhận thức lại không giúp ích gì nhiều cho việc nâng cao nhận thức một cách đầy đủ về QRTD nơi công cộng mà còn có chiều hướng làm cho nhận thức của SV tăng theo hướng là chưa đầy đủ. Trong khi đó, việc có trải nghiệm về “hỗ trợ kỹ năng phòng chống” lại có những ảnh hưởng rất tích cực đến việc nhận thức một cách đầy đủ về QRTD ở nơi công cộng.
Kết quả phân tích cách ứng phó của SV ở vùng Đông Nam Bộ đối với QRTD nơi công cộng phản ánh xu hướng bên cạnh việc “nhờ người khác giúp đỡ” thì những hình thức ứng phó phổ biến của SV vẫn còn mang tính là những hành vi theo xu hướng chịu đựng và im lặng. Dù hầu hết nạn nhân đều hiểu rằng QRTD là hành vi sai trái nhưng những dữ liệu định tính cho thấy rào cản của việc lên tiếng đó là sự e ngại và cảm thấy xấu hổ. Bên cạnh đó, sự thờ ơ và ngại lên tiếng của những người xung quanh, thiếu quan tâm của gia đình đã làm cho những SV đã có trải nghiệm trong nghiên cứu này cảm thấy không dễ dàng khi phải lên tiếng.
Từ thực tiễn nghiên cứu, việc cần có những mô hình phù hợp có sức lan tỏa và triển khai trên diện rộng có sự tham gia một cách đồng bộ, hiệu quả giữa các lực lượng cộng đồng trên địa bàn như gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể, phương tiện truyền thông. Do đó, việc ứng dụng ứng dụng mô hình phát triển cộng đồng (PTCĐ) trong hỗ trợ SV ứng phó với QRTD nơi công cộng là phù hợp khi đảm bảo được tính khả thi, đảm bảo được sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng trong cộng đồng. Trong quá trình ứng dụng, cần phải tuân thủ tuân thủ đầy đủ nguyên tắc và tiến trình trong việc thực hiện hoạt động PTCĐ bao gồm 6 bước: Chuẩn bị lựa chọn cộng đồng và tiếp cận cộng đồng; Thiết lập mối quan hệ với cộng đồng và xây dựng nhóm nòng cốt; Xác định vấn đề và nhu cầu của SV; Lập kế hoạch hành động và huy động nguồn lực; Thực hiện kế hoạch; Lượng giá và chuyển giao.
g. Lĩnh vực nghiên cứu:
h. Phương pháp nghiên cứu: Trong đề tài này, ngoài phương pháp phân tích tài liệu sẵn có để viết tổng quan và xây dựng cơ sở lý luận cho đề tài, còn sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp theo trình tự tiến hành nghiên cứu định tính trước thông qua việc phỏng vấn sâu SV ở các trường trong phạm vị khảo sát. Bước tiếp theo, thiết kế bản hỏi và tiến hành khảo sát thử để hiệu chỉnh bản hỏi và tiến hành thu thập dữ liệu trên diện rộng.
i. Thời gian thực hiện: 01/06/2021- 01/05/2022
j. Kinh phí phê duyệt: 79.836.400