a. Tên nhiệm vụ: Sự chuyển biến về đề tài trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX
b. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Ngô Thị Kiều Oanh
c. Đơn vị chủ trì: Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Thủ Dầu Một
d. Mục tiêu nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu mang đến cái nhìn bao quát về quá trình kế thừa và phát triển trong lịch sử văn học Việt Nam qua các tác giả nhà nho. Từ đó, khẳng định mạnh mẽ sự đóng góp của văn học nửa cuối thế kỷ XIX đối với văn học trung đại Việt Nam về phương diện đề tài.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Văn học là nơi chuyển tải tư tưởng, tình cảm của người sáng tác. Khi đất nước lâm vào cảnh loạn li, nhân dân rơi vào bể khổ, Nho giáo rơi vào sự thoái trào không có cách gì cứu vãn được. Khi đó, văn học phải thực hiện nhiệm vụ làm thay đổi dần những hướng sáng tác theo hình thức truyền tải đạo lý và giáo huấn. Và thay vào đó, phải là một giai đoạn văn học bắt nhịp cùng hơi thở của thời đại trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động.
Văn học nửa cuối thế kỷ XIX là giai đoạn văn học được tiếp nối từ những giá trị văn học của các giai đoạn trước cả về nội dung và nghệ thuật. Theo đó, tinh thần yêu nước và giá trị nhân đạo vẫn được các tác giả giai đoạn này tiếp tục phát triển trên cơ sở đổi mới cho phù hợp với yêu cầu của lịch sử.
Nhằm giúp người viết có thể nhìn nhận, tiếp thu những tiền đề lý luận và những nghiên cứu về vấn đề chuyển biến về đề tài trong văn học để có thể tự tin khẳng định những biến chuyển của văn học nửa cuối thế kỷ XIX và giúp người nghiên cứu có cái nhìn bao quát về quá trình kế thừa và phát triển trong lịch sử văn học Việt Nam qua các tác giả nhà nho. Chính vì thế, nhóm tác giả đã đề xuất thực hiện đề tài “Sự chuyển biến về đề tài trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX” góp phần khẳng định sự đóng góp của văn học nửa cuối thế kỷ XIX đối với văn học trung đại Việt Nam.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm làm rõ những nét hay, giá trị độc đáo của mười thế kỷ văn học. Đặc biệt là giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX với những biến chuyển về văn học và xã hội.
Theo đó, tác giả đã tiến hành, khảo sát, tìm hiểu và tập hợp các tác phẩm của tác giả Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Xuân Ôn,… để làm dẫn chứng cho quá trình nghiên cứu của đề tài. Văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX mang tính chất tổng kết và khép lại thời đại huy hoàng của văn học trung đại Việt Nam. Qua đó cho thấy, nền văn học đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, nội dung văn học đã được tác giả khai thác ở nhiều khía cạnh.
Truyền thống trong văn học trung đại Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XIX: Tác giả chủ yếu dựa trên những kiến thức và tài liệu nghiên cứu về đề tài trong văn học và tìm hiểu hệ thống đề tài đã xuất hiện trong văn học giai đoạn trước thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XIX. Qua đó, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự chuyển biến về đề tài trong văn học nửa cuối thế kỷ XIX.
Đề tài là phạm vi hiện thực mà nhà văn chọn lựa và miêu tả, thể hiện tạo thành chất liệu của thế giới hình tượng trong tác phẩm và cũng là cơ sở để nhà văn đặt ra những vấn đề cần quan tâm.
Bên cạnh đó, văn học trong thời kỳ này đứng trước yêu cầu phản ánh những vấn đề thường ngày đang xảy ra và những vấn đề trọng yếu của đời sống, xã hội và con người, dân tộc. Đồng thời, cái nhìn hiện thực và theo sát những diễn biến của lịch sử đã tác động rất nhiều đến sự chuyển biến về đề tài.
Ở giai đoạn này, văn học mang tính thời sự và biểu hiện cụ thể nhất qua khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp. Tác giả đã phản ánh cuộc chiến đấu của nhân dân ta trong buổi đầu chống Pháp bằng tấm lòng và sự hy sinh cao cả và nghĩa sĩ thuộc mọi tầng lớp như sĩ phu, nông dân… Đặc biệt, nổi bật là hình ảnh người nông dân trong cuộc sống đời thường được miêu tả thành những tráng sĩ oai hùng và dũng mãnh…
Qua đó cho thấy, giai đoạn văn học nào ra đời cũng có sự kế thừa những thành tựu của văn học các giai đoạn trước đó. Sự vận động theo hướng cách tân của nhà nho cuối mùa đã mang đến những khuynh hướng văn học mang tính thời sự. Từ đó có thể nói, văn học nửa cuối thế kỷ XIX đã tiếp thu những thành tựu về nội dung, cụ thể là đề tài trong văn học góp phát triển và tạo nên nét riêng biệt khẳng định dấu ấn độc đáo của giai đoạn văn học chuyển tiếp giữa trung đại và hiện đại.
Sự cách tân về đề tài trong văn học trung đại Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX: Trong giai đoạn này, người viết tìm hiểu những khuynh hướng văn học chủ đạo trong văn học. Từ đó, thấy được sự chuyển biến mang lại nhiều đóng góp cho giai đoạn văn học trung đại Việt Nam.
Đối với các tác phẩm văn học ở các thế kỷ trước, nội dung chỉ mang tính chất giáo huấn và truyền đạo thì đến nửa cuối thế kỷ XIX, văn học lại mang tính thời sự, phản ánh rõ nét công cuộc chiến đấu của dân tộc.
Theo đó, lực lượng sáng tác trong giai đoạn này tuy vẫn là những nhà nho luôn ôm ấp tư tưởng, hoài bão lớn nhưng họ đã thay đổi tư tưởng một cách rõ rệt, mỗi người đều chọn cho mình một phương thức để thể hiện riêng. Chính nhờ vào sự thay đổi tư tưởng mà các tác giả đã chuyển văn thơ từ hệ thống đề tài ngâm vịnh, thu tạc sang những đề tài mang khuynh hướng phản ánh hiện thực.
Nếu trước đây, các tác giả thường sử dụng tác phẩm văn học của mình để ca tụng những tấm gương con người của giai cấp phong kiến thống trị để răn đời thì trong giai đoạn này, văn học lại đề cao hình ảnh những con người lao động hết sức bình thường thông qua hình ảnh người nông dân. Đặc biệt, đối với bức tranh thiên nhiên trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX lại được tác giả miêu tả hết sức nhỏ bé, cụ thể và thân thuộc với con người; sự chuyển biến trong văn học còn được làm nổi bật với tính thời sự trong văn chương.
Không dừng lại ở đó, các đề tài trong văn học giai đoạn này còn được ghi dấu bằng những đề tài hướng đến sự phản ánh đời sống hiện thực của đất nước và con người trong buổi đầu chống Pháp.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 6/2015
- Thời gian kết thúc: 6/2016
f. Kinh phí: 39.888.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).