a/ Tên nhiệm vụ: Thiết kế quy hoạch khu du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu theo hướng phát triển bền vững
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: GS. Lê Huy Bá
d/ Mục tiêu nghiên cứu: Nhằm phát triển một ngành "Kinh tế xanh", có sức cạnh tranh và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương; những mục tiêu chiến lược được vạch ra cho DLST là phải đặt dưới sự chỉ đạo của hoạt động toàn ngành du lịch, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, theo định hướng phát triển du lịch của từng quốc gia.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu thuộc huyện Thuận An, nằm ở Phía Nam tỉnh Bình Dương, là vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh và có những điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế xã hội và du lịch. Từ lâu, thương hiệu trai cây Lái Thiêu đã được nổi tiếng khắp nước và ra cả thế giới, được Đài truyền hình BBC của Anh thực hiện một bộ phim “trái ngọt nhà vườn” vào năm 1993 để giới thiệu một trong những vùng đặc sản du lịch của Việt Nam.
Thế nhưng, đến năm 1997, vườn cây ăn trái Lái Thiêu bắt đầu suy thoái với hiện tượng cây chế liên tục, ban đầu là chết từng cây, sau đó chết cả vườn rồi lan cả vùng, nhất là sầu riêng và măng cụt làm ảnh hưởng đến số lượng khách du lịch đến tham quan vườn cây này. Đời sống của những người dân vốn phụ thuộc vào thu nhập từ vườn cây ăn trái đã trở nên khó khăn. Làm vườn không đủ sống, người ta thi nhau phá vườn, phân lô bán nền; những căn nhà lai, hai ba tầng mọc lên thay thế cho những ngôi nhà mái ngói âm dương cổ kính; các vật dụng đạm nét chân quê một thời quyến rũ du khách nay không còn nữa.
Trong khi du lịch sinh thái đang được xem là nguồn sinh lợi rất lớn thì tại vườn cây ăn trái Lái Thiêu, một hệ sinh thái tự nhiên, một giá trị truyền thống đậm đà bản sắc Nam bộ đang bị mất dần đi một cách nhanh chóng. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất thực hiện đề tài “Thiết kế quy hoạch khu du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu theo hướng phát triển bền vững” nhằm có chiến lược để khôi phục hệ sinh thái này vì mục tiêu phát triển lâu dài và gìn giữ những giá trị văn hóa của người Việt.
Mục tiêu của đề tài: Góp phần mở rộng khu vực vườn cây Lái Thiêu hiện hữu thành khu du lịch sinh thái hoàn chỉnh; góp phần bảo tồn và phát huy thương hiệu vườn cây ăn trái, nghề truyền thống và văn hóa Lái Thiêu song song với sụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương; bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái trong mối quan hệ phát triển bền vững; quảng bá hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu nhằm thu hút sự quan tâm của khách du lịch, sự đầu tư, tiêu thụ sản phẩm…; cụ thể hóa các luận cứ khoa học về phát triển du lịch sinh thái trong điều kiện Lái Thiêu cho những người làm quản lý và quy hoạch, các doanh nghiệp lữ hành và cộng đồng địa phương.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa, phân tích, đánh giá… làm sáng tỏ một số vấn đề sau:
Với lợi thế nằm giữa vùng sông nước hữu tình, vùng đất Lái Thiêu hội đủ các yếu tố để phát triển thành một khu du lịch sinh thái như: cảnh quan thiên nhiên đẹp, các giá trị văn hóa địa phương phong phú, độc đáo; người dân Lái Thiêu từng khai thác thành công loại hình du lịch miệt vườn, khẳng định vị thế thương hiệu trái cây Lái Thiêu trong lòng nhiều người dân trong và ngoài nước.
Đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo về du lịch chủ yếu tập trung tại các cơ sở kinh doanh du lịch, du lịch sinh thái có sự đầu tư lớn nhưng không đồng đều, không ổn định. Đa số các điểm du lịch miệt vườn thiếu chuyên môn nghiệm vụ, hình thức phục vụ, quản lý. Điểm vườn tổ chức hoạt động du lịch một cách manh mún, chỉ quan tâm đến lợi thế trước mắt, chất lượng sản phẩm yếu kém và trùng lập, chưa tạo nên nét riêng cho vùng…
Từ đó, đề tài đã thực hiện được một số nội dung như: Xác lập cơ sở khoa học; khảo sát, điều tra về hiện trạng và tiềm năng du lịch khu vực nghiên cứu; đánh giá các mối tương tác giữa hoạt động du lịch và cộng đồng địa phương.
Xác định các vùng sinh thái, các khu vực cảnh quan phục vụ cho việc hoạch định chiến lược phát triển du lịch sinh thái miệt vườn Lái Thiêu; nhận diện những thách thức phát triển du lịch sinh thái miệt vườn Lái Thiêu.
Xây dựng mô hinh mạng lưới du lịch sinh thái khu vực vườn cây ăn trái Lái Thiêu; các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm cho các điểm du lịch chính.
Đề xuất các biện pháp, giải pháp phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch Thuận An; chương trình phát triển du lịch sinh thái phù hợp với kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch, kinh tế đến năm 2015.
Xây dựng website giới thiệu du lịch sinh thái Lái Thiêu; bản đồ du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu; mặt bằng quy hoạch tổng thể vườn cây ăn trái; sổ tay du lịch sinh thái; quy hoạch tổng thể khu du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu…
Phát triển du lịch miệt vườn Lái Thiêu cần dựa trên cơ sở du lịch bền vững đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa ba yêu tố: Kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường để giữ vững nguồn tài nguyên du lịch, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đảm bảo cho du lịch phát triển một cách hiệu quả trong tương lai. Tuy nhiên, đẻ làm được điều đó cần thiết phải có sự quyết tâm của toàn thể cộng đồng, cơ quan, tổ chức và các cấp lãnh đạo đóng vai trò then chốt. Bên cạnh đó, cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với các nhà vườn về giá cả, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh cho du khách.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu:
- Thời gian kết thúc: 2010
g/ Kinh phí thực hiện:... đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).