a/ Tên nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU)
c. Chủ nhiệm đề tài: Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lưu Duẫn và Đồng chủ nhiệm: Thạc sĩ Đỗ Văn Khiêm
d/ Mục tiêu nghiên cứu:
- Điều tra, tìm hiểu thực trạng nguồn nhân lực KHCN của tỉnh Bình Dương thông qua các số liệu khảo sát thực tế những người đang làm việc trong lĩnh vực KHCN trong các KCN để tìm ra những đặc tính chung quan trọng nhất về trình độ, khả năng, kỹ năng, động lực làm việc, các điểm mạnh, điểm yếu, những suy nghĩ, ý kiến về môi trường làm việc của tỉnh Bình Dương
- Tìm hiểu những xu hướng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư tại các KCN tỉnh Bình Dương
- Đề xuất một số giải pháp khả thi trên cơ sở số liệu được phân tích, kết hợp với các lý thuyết quản trị hiện đại và định hướng chiến lược phát triển của lãnh đạo tỉnh.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Có bốn yếu tố tham gia vào quá trình phát triển kinh tế đó là nguồn lực lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên và công nghệ. Trong đó, nguồn lực lao động là chủ thể tác động vào ba yếu tố vốn, tài nguyên, công nghệ nhằm phát huy tính hiệu quả và triệt để nhất.
Trong quá trình toàn cầu hóa, nguồn lực lao động càng đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là nguồn lực khoa học và công nghệ chất lượng cao. Vì vậy mà các quốc gia, doanh nghiệp luôn tìm kiếm, thu hút, duy trì và phát triển nhân tài cho đơn vị, đất nước mình. Đối với tỉnh Bình Dương, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành quán triệt và thực thi nghiêm túc các chủ trương chính sách của Trung ương và ra các quyết định thực tiễn theo tình hình địa phương về công tác đào tạo, thu hút và phát triển nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại chỗ tỉnh Bình Dương chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng cho các khu công nghiệp trong khi đây là tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn nhất nước. Đa số lao động đến từ ngoài tỉnh là lao động phổ thông, tỷ lệ người có trình độ và tay nghề chuyên môn còn rất thấp. Trong khi đó, hàng năm nhu cầu lao động cho các thành phần kinh tế tỉnh Bình Dương cần thếm 30.000 đến 40.000 lao động, mà lực lượng tại chỗ chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Mặt khác, lực lượng lao động luôn biến động, dịch chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, khu công nghiệp này sang khu công nghiệp khác, ngành này sang ngành khác… Việc duy trì đội ngũ lao động, nhất là đội ngũ lao động chất lượng cao, ổn định phục vụ cho mục tiêu phát triển trong những năm sắp tới là một thách thức đối với tỉnh.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển Bình Dương trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải có một đội ngũ khoa học và công nghệ xứng tầm. Vì vậy, đề tài “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương” được đề xuất thực hiện để có cái nhìn khách quan về những thực trạng đội ngũ khoa học và công nghệ. Từ đó, đề xuất các giải pháp đúng đắn, hiệu quả nhằm nâng cao và phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ tỉnh nhà.
Mục tiêu nghiên cứu: Nhận dạng và mô tả các đặc điểm chính của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương; phát triển các yếu tố tác động đến số lượng, chất lượng và xu hướng phát triển của đội ngũ khoa học và công nghệ đang làm việc tại tỉnh Bình Dương; đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương như phát triển về số lượng lẫn chất lượng.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
- Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; các yếu tố vĩ mô có ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng đội ngũ khoa học và công nghệ;
- Phân tích kết quả khảo sát ba khối (khối cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh và huyện thị; các tổ chức giáo dục và đào tạo; lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và các doanh nghiệp) và dự báo số lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương đến năm 2015 và năm 2020. Theo đó cho thấy, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ khối cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh và huyện thị đang trong quá trình tinh giản biên chế, đại đa số cán bộ có trình độ đại học tập trung vào các ngành kinh tế, khoa học cơ bản, luật, tài chính…
- Về đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trong các tổ chức giáo dục và đào tạo, tỷ lệ sinh viên/giảng viên có xu hướng giảm, đội ngũ giáo viên trung học chuyên nghiệp có tăng về số lượng và chất lượng, về cơ bản đã đáp ứng với quy mô đào tạo. Song ở nhóm đào tạo về y tế vẫn còn thiếu và một số chưa đạt chuẩn. Tốc độ tăng giáo viên dạy nghề chậm so với tốc độ tăng của quy mô đào tạo và số lượng của cơ sở dạy nghề…
- Về phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và các doanh nghiệp đều mong muốn hợp tác tuyển dụng với các địa phương khác và tạo điều kiện nhập cư dễ dàng, liên kết đào tạo nghiệp vụ, thực hiện các chính sách ưu đãi về đào tạo, nhà ở… cho người lao động.
Từ thực trạng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương như: Đa số nhân lực khoa học và công nghệ còn trẻ, có tri thức và nhiệt tình, trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ tương đối cao; nhân lực của 3 khối đều cho rằng yếu tố chất lượng cuộc sống, dễ tìm việc làm và cơ sở hạ tầng tốt là những lý do khiến họ chọn làm việc tại tỉnh Bình Dương, yếu tố thu nhập được lựa chọn tiếp theo sau. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp để phát triển nguồn nhân lực như: Nhóm giải pháo quản trị chiến lược tổng thể bao gồm các giải pháp về chiến lược thu hút, sử dụng, duy trì và phát triển; nhóm giải pháp về giáo dục, đào tạo gồm có đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo; điều chỉnh, bổ sung hệ thống chính sách giáo dục đào tạo khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược tổng thể.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 24 tháng
- Thời gian bắt đầu: 03/2010
- Thời gian kết thúc: 08/2012
g/ Kinh phí thực hiện: 846.725.000 đồng.
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)