a/ Tên nhiệm vụ: Thực trạng văn hóa đọc của thanh thiếu niên tại Bình Dương hiện nay
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Khoa học Công nghệ
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Văn Thục và cá nhân tham gia chính:
1. ThS. Trần Tú Hoa
2. ThS. Nguyễn Việt Nga
3. ThS. Đỗ Thị Lệ Hằng
4. ThS. Đinh Thị Phương Thảo
5. ThS. Dương Thị Kiều Hương
6. ThS. Thân Trung Dũng
7. Trương Thị Nga
8. Nguyễn Mạnh Tuyển
9. Nguyễn Thị Huệ
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
- Đánh giá thực trạng văn hóa đọc (VHĐ) của thanh thiếu niên (TTN) tỉnh Bình Dương hiện nay
- Phân tích các nguyên nhân tác động tới VHĐ của TTN tỉnh Bình Dương
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
1. Đặt vấn đề
Việc nghiên cứu và tìm hiểu về thực trạng VHĐ của TTN tại tỉnh Bình Dương là một trong những vấn đề cần thiết vì VHĐ sẽ là quá trình tiếp nhận và vận dụng các tri thức từ sách, báo vào cuộc sống của mỗi người; nó là tổng hóa của các hành vi ứng xử xã hội của con người liên quan tới việc đọc nhưng cần phải được xem xét, đánh giá trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên và xã hội.
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý luận và phương pháp luận của việc nghiên cứu VHĐ của TTN trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Nhóm tác giả đã tìm hiểu và thống kê các định nghĩa về tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước. Tác giả đã lựa chọn công cụ, phương pháp nghiên cứu và hệ thống lý thuyết áp dụng để nghiên cứu giải thích về thực trạng VHĐ của TTN trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, có 03 nhân tố tạo thành VHĐ của một cá nhân: Kỹ năng, sở thích, thói quen đọc. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, kỹ năng đọc đánh giá cách thức đọc sách, tư thế thói quen đọc trong các hoạt động thường ngày, thói quen ghi chép, đánh dấu tài liệu, lựa chọn, nhận diện tài liệu phù hợp với bản thân, đặc biệt biết vận dụng tri thức đọc được học được vào đời sống. Sở thích đọc được thể hiện mức độ yêu thích của mỗi mỗi người với từng chủ đề, từng thể loại xuất bản phẩm. Trong khi đó, thói quen đọc thể hiện sự chuyên tâm của mỗi cá nhân với việc đọc cũng như vai trò của việc đọc trong đời sống của mỗi cá nhân. Ba thành tố này của mỗi cá nhân luôn luôn tồn tại và chịu tác động qua lại với các gái trị, chuẩn mực chung của gia đình, xã hội.
Do đó, ngoài các thành tố trên, việc nghiên cứu về VHĐ không thể tách rời với bối cảnh kinh tế - xã hội, văn hóa lối sống hiện đại. Nói cách khác, để nghiên cứu về VHĐ của TTN tỉnh Bình Dương cần phải xem xét 03 nhân tố kỹ năng, sở thích, thói quen đọc trong mối quan hệ tương tác nhau, trong sự tổng hòa các tác động, hành vi ứng xử với việc đọc nhưng phải gắn với các đặc điểm cụ thể về tự nhiên xã hội, điều kiện kinh tế, đặc trưng văn hóa tại tỉnh Bình Dương. Đặc biệt là quá trình phát triển về công nghệ thông tin và internet tại Bình Dương.
2.2. Thực trạng VHĐ của TTN trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Nhóm nghiên cứu tiến hành chọn mẫu, khảo sát trên 02 đối tượng TTN (học sinh, sinh viên) và người lao động một cách toàn diện về VHĐ của TTN trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chí cụ thể liên quan tới VHĐ bao gồm: Sở thích đọc, thói quen đọc, kỹ năng đọc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả hai nhóm đối tượng đều tập trung vào 04 cách hiểu về VHĐ là cách thức tìm kiếm thông tin, tri thức từ sách/báo, tài liệu; cách thức lựa chọn tài liệu đọc phù hợp với nhu cầu; thói quen đọc sách, báo, tài liệu hay là cách thức vận dụng tri thức đọc được vào cuộc sống. Như vậy, khi chúng ta xét ở khía cạnh nhận thức về VHĐ; đa phần TTN tỉnh Bình Dương đã nhận thức đúng nhưng chưa đầy đủ về VHĐ, trong đó có một số ít TTN tỉnh Bình Dương không biết/không hiểu về VHĐ (nhóm học sinh, sinh viên chiếm 9,4% và 7,8% ở người lao động).
Từ những kết quả khảo sát cho thấy, việc nhận thức về vai trò của việc đọc nói chung và đọc sách nói riêng của TTN trên địa bàn tỉnh cũng có những biểu hiện rất đa dạng. Bên cạnh đó, việc đọc ngay cả ở nhóm học sinh, sinh viên vốn gắn với việc học cũng đã có nhiều thay đổi, khi có sự định hướng để đáp ứng nhu cầu ở nhiều lĩnh vực thông tin và đời sống khác nhau. Tuy nhiên, việc đọc của TTN cũng đang có nhiều “biểu hiện” đáng lo ngại khi có 45,5% học sinh, sinh viên và 51% người lao động thừa nhận về sự thay đổi thói quen đọc sách của mình theo xu hướng ngày càng giảm đi. Đồng thời, có 22,3% học sinh, sinh viên và 33,5% người lao động thừa nhận chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách theo kiểu đọc từ đầu đến cuối…
2.3. Vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội, thư viện, nhà sách, internet đối với phát triển VHĐ của TTN tỉnh Bình Dương hiện nay
VHĐ không phải là yếu tố phải trải qua một thời gian dài trong quá trình làm quen, bồi đắp và không ngừng rèn luyện. Do đó, gia đình và nhà trường là những môi trường yếu tố quan trọng tác động tới VHĐ của TTN. Trung bình 01 tuần TTN tỉnh Bình Dương có thời gian đọc khoảng từ 01-03 tiếng (tương đương 25 phút/ngày) và những việc đọc của TTN thường diễn ra tại nhà và các địa điểm gắn với việc đọc như thư viện lại khá ít.
Sự phổ biến hiện nay - internet đã và đang làm thay đổi nhiều thói quen của con người, trong đó có thói quen đọc. Tuy nhiên, việc đọc trên internet cũng gây ra sự lo lắng rất nhiều người bởi vấn đề chất lượng nguồn thông tin. Do đó, nhiều người cho rằng, VHĐ cần phải vượt qua nỗi sợ hãi mang tên khó kiểm soát từ internet thì mới có thể phát triển được trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, TTN tỉnh Bình Dương cũng đã biết cách định hướng nguồn tài liệu cần tìm kiếm, trong đó, lựa chọn hàng đầu là internet, thứ hai là các loại tài liệu đọc tại nhà. Phần đông TTN tỉnh Bình Dương đã quen với phương pháp đọc lần lượt từ đầu đến cuối các tài liệu đọc, trong đó đã có một số biết vận dụng các phương pháp đọc khác nhau với từng loại tài liệu. Tuy TTN vẫn chưa hình thành được thói quen, các kỹ năng ghi chép, đánh dấu với các nội dung đọc hay, quan trọng nhưng đã biết vận dụng tri thức của việc đọc vào cuộc sống hay công việc, chủ yếu tập trung vào nhóm bạn bè…Tại Bình Dương, các cơ quan, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhằm duy trì và phát triển VHĐ trong nhóm TTN nói riêng và nhóm dân cư nói chung.
2.4. Giải pháp thực hiện
Suốt 12 tháng thực hiện, dựa vào thực trạng tình hình VHĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhóm tác giả đã đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài cho sự phát triển VHĐ như: Đầu tư cơ sở vật chất, các hoạt động đào tạo chọn người để phục vụ tại thư viện công cộng cấp cơ sở; cần có chính sách phát triển các mô hình thư viện trường học hay mô hình thư viện, tủ sách tư nhân…; đẩy mạnh hoạt động số hóa các nguồn tài liệu đọc; tăng cường các hoạt động truyền thông bằng cách phối hợp đài phát thanh, truyền hình tỉnh, cơ quan báo chí; …
Đối với giải pháp lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nên tổ chức phát động các phong trào thi đua của giáo viên gắn với VHĐ; thư viện và Tỉnh Đoàn bình Dương cần tăng cường các hoạt động “thư viện lưu động”; ban hành các chính sách khuyến khích xây dựng các tủ sách trong các doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, tăng cường các hoạt động thanh kiểm tra thị trường đọc…
3. Kết luận
Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm thực hiện đã đưa ra những kết quả khả quan, đạt được mục tiêu ban đầu. Nhóm tác giả đề tài nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm duy trì và phát triển VHĐ trong nhóm TTN nói riêng và các nhóm dân cư nói chung. Tuy nhiên, các giải pháp này cần bổ sung, làm mới và nâng cấp trong thời gian tới thì mới có thể đảm bảo phát triển VHĐ trong nhóm xã hội nói chung và TTN tỉnh Bình Dương nói riêng.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 10/2010
- Thời gian kết thúc: 10/2011
g/ Kinh phí thực hiện: 708.614.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).