a. Tên nhiệm vụ: Thực trạng về nhận thức của giáo viên mầm non về bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Khoa Sư phạm – Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Tăng Phương Tuyết
d. Mục tiêu nghiên cứu:
Nghiên cứu thực trạng về nhận thức của giáo viên về BLTE và đề xuất một số giải pháp nâng cao nhận thức của giáo viên về BLTE trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở tỉnh Bình Dương, góp phần thay đổi thái độ và hành vi: Không bạo lực, phòng chống BLTE nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Chính vì thế, việc chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ… Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Vì vậy, Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng và chăm sóc trẻ em, coi đây là trách nhiệm cao quý của toàn dân ta, trước hết là gia đình, cha mẹ và kế đó là thầy cô giáo đối với thế hệ tương lai của dân tộc.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực trẻ em (BLTE) đã và đang trở thành vấn đề ngày càng phức tạp và đáng lo ngại với nhiều nguyên nhân, trong đó sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân về pháp luật đã kéo theo tình trạng gia tăng về BLTE trong cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hiện nay.
Bạo lực là một hiện tượng xã hội, nó là phương thức hành xử trong các mối quan hệ giữa con người với con người và tồn tại rất lâu trong lịch sử. Theo điều 19 (công ước quốc tế về quyền trẻ em, 1989) cho rằng “Bạo lực trẻ em đó là mọi hình thức bạo lực về thể xác và tinh thần, gây tổn thương hay xúc phạm, hoặc bóc lột, kể cả về xâm hại tình dục”. Đồng thời, phân chia thành 04 loại hành vi bạo lực đối với trẻ em gồm: Bạo lực về thể chất; chểnh mảng trầm trọng trong chăm sóc; bạo lực tâm lý; hành hạ tình dục.
Đồng thời, xuất phát từ nhận thức sai lầm trong cuộc sống về “Thương cho roi cho vọt” nhiều giáo viên đã làm trẻ em bị tổn thương nghiêm trọng, chưa kể đến những trường hợp bị giấu diếm và phủ nhận. Hơn nữa, nhiều trường hợp bạo lực khi được đưa ra ánh sáng và bị pháp luật trừng trị chỉ được truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích….
Bên cạnh đó, xã hội nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng sẽ không thể phát triển bền vững nếu một thế hệ trẻ em bị đối xử một cách tồi tệ. Do đó, người lớn cần trang bị kiến thức để biết và giáo dục trẻ em một cách khoa học dựa trên hiểu biết về tâm sinh lý ở từng lứa tuổi của trẻ em để có biện pháp phù hợp. Chính vì thế, tác giả đã thực hiện đề tài “Thực trạng về nhận thức của giáo viên mầm non về BLTE trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở tỉnh Bình Dương”.
Đề tài hướng đến mục đích nghiên cứu thực trạng về nhận thức của giáo viên về BLTE và đề xuất một số giải pháp nâng cao nhận thức của giáo viên về BLTE trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở tỉnh Bình Dương, góp phần thay đổi thái độ và hành vi: Không bạo lực, phòng chống BLTE nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em.
Tác giả đã tiến hành phân tích, tổng hợp, so sánh, hệ thống những tài liệu, tìm hiểu, bổ sung và tích lũy vốn tri thức lý luận liên quan đến vấn đề nghiên cứu dưới nhiều góc độ ( triết học, giáo dục học, tâm lý học đại cương,…) nhằm khái quát nhận thức của giáo viên mầm non về vấn đề BLTE trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Sau 12 tháng nghiên cứu về lý thuyết và kết quả thực trạng nhận thức, thái độ của 150 giáo viên trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An và huyện Tân Uyên. Kết quả cho thấy, Hầu hết giáo viên đều có thái độ đúng đắn về những biểu hiện cụ thể của bạo lực đối với trẻ em và có những bất bình trước những thông tin về BLTE. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên nhận thức không đúng thậm chí còn hiểu sai lầm về BLTE, họ cho rằng BLTE chỉ xảy ra khi sử dụng đòn roi hoặc họ có quyền đánh trẻ vì họ là cô giáo của trẻ, là người lớn và chưa nhận thức được hành vi bạo lực về tinh thần đối với trẻ.
Như vậy, BLTE dù ở hình thức hay phương thức nào đều không có lợi cho trẻ. Và có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến BLTE, trong đó nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất là “Trình độ giáo viên còn hạn chế” và những nguyên nhân khác như: Mệt mỏi căng thẳng vì công việc; các cháu lười ăn, khóc nhè, bướng bỉnh,… sẽ dẫn đến BLTE tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Do đó, vấn đề phòng chống BLTE trong các cơ sở giáo dục mầm non là một vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng, chống BLTE là rất cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ hành vi cho mọi người về BLTE. Cụ thể như: Sử dụng phương tiện thông tin truyền thông; thành lập các câu lạc bộ; các nhóm hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành và tư vấn cho người gây ra bạo hành; lồng ghép nội dung BLTE vào các chương trình hoạt động của tổ chức đoàn thể, thành lập Phòng Tư vấn, Trung tâm tư vấn; đường dây nóng địa phương,…
Đồng thời, thực hiện các biện pháp này một cách đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm đạt hiệu quả cao trong việc phòng chống BLTE và sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo, tổ chức ban ngành, đoàn thể,… thì hiệu quả của việc tuyên truyền BLTE sẽ ngày càng được nâng cao.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 3/2014
- Thời gian kết thúc: 4/2016
f. Kinh phí: 36.220.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).