a. Tên nhiệm vụ: Tính dục trong văn học trung đại Việt Nam (Khảo sát sáng tác của các tác giả Nguyễn Dữ, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu)
b. Đơn vị chủ trì: Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Thạc sỹ Lê Sỹ Đồng
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Góp thêm vào các công trình nghiên cứu chuyên sâu nội dung văn học thuộc văn học trung đại Việt Nam.
- Giúp giảng viên, sinh viên có thêm một nguồn tài liệu để nghiên cứu, bổ sung nội dung vào quá trình dạy và học các học phần văn học trung đại Việt Nam.
- Khẳng định hướng nghiên cứu văn học dựa trên cơ sở tâm lí học đã được các nhà nghiên cứu đề xuất trước đó là hoàn toàn có cơ sở. Góp phần tạo ra một cái nhìn mới mẻ đối với nội dung văn học trung đại Việt Nam.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Khi nhắc tới văn học trung đại Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường dựa vào hoàn cảnh lịch sử và thế giới quan của các nhà văn để chia nội dung, đề tài sáng tác… theo các khuynh hướng chung của thời đại; mà quên đi quá trình một tác phẩm văn học ra đời chính là quá trình thể hiện sự thỏa mãn nhu cầu tâm tinh thần của các tác giả. Vì vậy, các công trình nghiên cứu thường đề cập nhiều đến những nội dung mang tính chung, tính khái quát mà có phần xem nhẹ tính cụ thể, tính riêng của từng tác phẩm. Đây vừa là ưu điểm lại vừa là khuyết điểm. Ưu điểm là dễ dàng tạo lập được một mô hình chung về một thời kì văn học. Khuyết điểm là không nhìn thấy được chiều sâu tâm trạng, tâm tư của tác giả dưới bề dầy câu chữ không cảm xúc.
Vấn đề Tính dục trong văn học đối với các nhà nghiên cứu trên thế giới không hoàn toàn là vấn đề mới, nhưng ở Việt Nam, đây là vấn đề chưa được đào sâu, nghiên cứu kĩ. Đặc biệt, vấn đề Tính dục trong văn học trung đại Việt Nam lại càng ít được các nhà nghiên cứu quan tâm. Thế nên, những khoảng tri thức về vấn đề tính dục trong văn học trung đại Việt Nam còn khá trống trải. Chính vì vậy, Tác giả đã quyết định thực hiện đề tài “Tính dục trong văn học trung đại Việt Nam”.
Giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài một số tác phẩm: Tác giả Nguyễn Dữ, chúng tôi chọn văn bản Truyền kì mạn lục, Trúc Khê, Ngô Văn Triện dịch, Nxb Văn nghệ, 1988; Tác giả Đặng Trần Côn, chúng tôi chọn văn bản Chinh phụ ngâm, bản của Nguyễn Đỗ Mục, Tân Dân in, 1929; Tác giả Nguyễn Gia Thiều chúng tôi chọn văn bản Cung oán ngâm, Nguyễn Lộc khảo đính, Nxb Văn học, 1986; Tác giả Hồ Xuân Hương, chúng tôi chọn văn bản Thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Lộc tuyển chọn, Nxb Văn học, 1982; Tác giả Nguyễn Du, chúng tôi chọn văn bản Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang khảo đính, Nxb Giáo dục, 1997; Tác giả Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi chọn văn bản Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập 1, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên khảo, Nxb Văn học, 1997 và những công trình nghiên cứu có liên quan tới đề tài.
Mục tiêu là góp thêm vào các công trình nghiên cứu chuyên sâu nội dung văn học thuộc văn học trung đại Việt Nam. Giúp giảng viên, sinh viên có thêm một nguồn tài liệu để nghiên cứu, bổ sung nội dung vào quá trình dạy và học các học phần văn học trung đại Việt Nam. Khẳng định hướng nghiên cứu văn học dựa trên cơ sở tâm lí học đã được các nhà nghiên cứu đề xuất trước đó là hoàn toàn có cơ sở. Góp phần tạo ra một cái nhìn mới mẻ đối với nội dung văn học trung đại Việt Nam.
Có thể nói, mục tiêu của đề tài là hướng đến hoạt động học tập và nghiên cứu. Công trình Tính dục trong văn học trung đại Việt Nam (Khảo sát sáng tác của các tác giả Nguyễn Dữ, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu) sẽ giúp cho người dạy và người học mở rộng nguồn kiến thức về nội dung văn học, có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về văn học trung đại Việt Nam. Đồng thời, nó sẽ gợi mở thêm nhiều đề tài cho sinh viên trong quá trình chọn đề tài làm nghiên cứu khoa học hoặc thực hiện khóa luận tốt nghiệp. Từ đó, đề tài góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Tính dục là một hoạt động tự nhiên của con người, mang tính bản năng. Những hành vi ấy nhằm thỏa mãn các giác quan và nhu cầu giải tỏa ức chế tâm lí. Do vậy, tính dục không hoàn toàn là hành vi giao hoan. Từ đấy, chúng chia tình dục làm hai loại: một là để giải tỏa sinh lí như là một cơ chế sinh học; một là để giải tỏa uẩn ức tâm lí. Giải tỏa như là một giải pháp chứng minh cho sự tồn tại của mình trên cõi đời; hoặc cũng có thể để quên đời.
Tính dục trong văn học trung đại Việt Nam đã được một số nhà nghiên nghiên cứu văn học quan tâm và khảo cứu từ đầu thế kỉ trước. Điều này đồng nghĩa với việc để tìm ra một hướng nghiên cứu mới về vấn đề trên không phải là dễ dàng. Ở đề tài này, tác giả đã vận dụng hướng nghiên cứu từ sự kết hợp các lí thuyết về thi pháp học và phân tâm học để làm rõ nội dung mà chúng tôi khảo sát, tức là xem vấn đề tính dục vừa là một khía cạnh nội dung lại vừa là một phương thức nghệ thuật.
Tính dục trong văn học đối với các nhà nghiên cứu trên thế giới không hoàn toàn là vấn đề mới, nhưng ở Việt Nam, đây là vấn đề chưa được đào sâu, nghiên cứu kĩ. Đặc biệt, vấn đề Tính dục trong văn học trung đại Việt Nam lại càng ít được các nhà nghiên cứu quan tâm. Thế nên việc thực hiện đề tài Tính dục trong văn học trung đại Việt Nam là hoàn toàn mới.
Dựa vào phần tìm hiểu, đánh giá trên, tác giả nhận thấy nội dung tính dục có quan hệ hữu cơ với tín ngưỡng, văn học và các loại hình nghệ thuật khác. Sở dĩ có mối quan hệ ấy là bởi tính dục gắn liền với đời sống của con ngước. Trong yếu tố tính dục có cả con người cá nhân và con người xã hội. Con người cá nhân ấy là bản năng tự nhiên, là ý thức về quyền được sống với sự thỏa mãn đầy đủ các ham muốn chính đáng. Con người xã hội là ý thức về cộng đồng, về sự duy trì nòi giống và bảo tồn những di sản tốt đẹp mang tính nhân văn.
Với ý nghĩa đó, tính dục nhanh chóng được tín ngưỡng hóa như là một biểu tượng cho sự tốt đẹp. Trong lao động sản xuất, đó là ước mong về vụ mùa bội thu. Trong hôn nhân, đó là ý niệm về con đàn cháu đống. Trong các mối quan hệ cộng đồng, đó lại là biểu tượng của sự đoàn kết đồng lòng.
Khi đi vào tác phẩm văn học và các loại hình nghệ thuật, tính dục trở thành một phương tiện không chỉ để mô tả cái đẹp, thực hiện chức năng mĩ thuật của một loại hình nghệ thuật mà còn được xem như một phương tiện nhằm chuyển tải những hàm ý đầy tính nhân văn trước các phong tục, định kiến của xã hội. Ở văn học, nội dung tính dục không phải tới thời hiện đại mới có, mà xuất hiện ngay trong các bài ca dân gian gắn với tín ngưỡng. Ở các loại hình nghệ thuật khác cũng thế, nội dung tính dục luôn chiếm được chỗ đứng quan trọng trong sự lựa chọn chủ đề sáng tác của các nghệ sĩ ở bất kì thời đại nào. Ấy vậy mà, ở Việt Nam ta những công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa tính dục với tín ngưỡng và các loại hình nghệ thuật khác vẫn còn mang tính tự phát, chưa có hệ thống. Thế nên, cần hơn nữa những công trình nghiên cứu về nội dung tính dục trong văn học nghệ thuật.
Dù tác giả đã tách nội dung tính dục thành hai khía cạnh: tính dục nhục cảm và tính dục nhục cảm từ những hướng nhìn khác nhau nhưng ta vẫn thấy mối quan hệ khăng khít của chúng. Nội dung tính dục xúc cảm nghiêng về cảm giác và những liên tưởng đến hành vi tính giao. Còn nội dung tính dục nhục cảm chính là hành vi tính giao. Hành vi tính giao chính là kết quả của quá trình “bồi dưỡng” nguồn cảm xúc - sự thiện cảm, về đối tượng gợi hứng. Đồng thời, hành vi tính giao cũng tác động đến xúc cảm thông qua nỗi ám ảnh của hoạt động giao hoan.
Trong tác phẩm văn học trung đại, khi miêu tả, đề cập đến tính dục nhục cảm thường có hai kiểu tác giả: Một là nói trực tiếp, huệch toẹt - kiểu như Nguyễn Dữ, Hồ Xuân Hương; hai là nói mé - dùng lối gián tiếp, kiểu như Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du. Tuy nhiên, dù là kiểu nào thì các tác giả cũng hướng tới hai mục đích chính: Thứ nhất, đó là thông qua hoạt động tính dục để cất lên tiếng nói về nhân quyền, về quyền của con người cá nhân. Các tác giả đã dùng hoạt động tính giao như một phương tiện để chỉ ra những nỗi ẩn ức, thiệt thòi và những sự dồn nén của con người bản năng trước những định chế hà khắc của đạo đức phong kiến. Thứ hai, từ việc miêu tả các hành vi tính giao, các tác giả muốn phơi bày những mặt trái của thời đại mà họ sinh sống. Những mặt trái ấy không chỉ liên quan trực tiếp đến tính dục mà còn ám chỉ những hành vi đạo đức khác trong các mối quan hệ xã hội như: chủ tớ, vợ chồng, người đồng cảnh ngộ…
Còn ở nội dung tính dục xúc cảm, phần nhiều các tác giả muốn ca ngợi vẻ đẹp toàn diện của con người thông qua sự cảm nhận của tất cả các giác quan. Từ đấy, các tác giả hướng tới nội dung nhân đạo trong tác phẩm. Do vậy, ở nội dung này, các tác giả ít chú ý tới nội dung phê hiện thực xã hội mà chủ yếu đi sâu vào việc phân tích nội tâm, tâm lí, tâm trạng của con người trước, trong và sau hoạt động tính giao; hoặc nhằm giải mã những nỗi khổ đau do không thỏa mãn được những khát vọng của bản năng tự nhiên gây ra. Một lần nữa có thể khẳng định rằng, nội dung tính dục trong tác phẩm văn học trung đại không hoàn toàn chỉ đến những hành vi tà dâm, những hành vi trái với đạo đức, hay xâm hại đến mĩ tục xã hội. Mà ở dó, các tác giả nhìn nhận nó theo hướng tích cực - đó là một nhu cầu thiết yếu của con người. Và vì vậy, nội dung tính dục cũng có tính nhân bản.
Có thể thấy rằng, vấn đề tính dục được thể hiện từ nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Tuy nhiên, như đã trình bày, do chịu ảnh hưởng của thi pháp văn học trung đại, nên việc sử dụng điển cố là một phương thức được các tác giả ưa dùng. Ở nội dung tính dục, thường các tác giả dùng nhiều các điển nói về hoạt động tính giao, hoặc những điển chỉ về những yếu tố gợi đến dục tính. Chính việc sử dụng điển cố như vậy đã giúp cho nội dung tính dục dễ dàng được tiếp nhận hơn. Bên cạnh việc dụng điển, các tác giả sử dụng nhiều các từ liên tưởng, tượng hình, tượng thanh; đặc biệt là những từ có tính biểu tượng. Đây chính là nét đặc sắc trong truyền tải nội dung tính dục trong các tác phẩm. Với cách thức này, các tác giả đã chỉ ra mối liên hệ khăng khít giữ nội dung tính dục với văn hóa nói chung và hoạt động tín ngưỡng hay những quan niêm trong sinh hoạt đời thường nói riêng.
Cùng với cách thức trên, các tác giả văn học trung đại Việt Nam đã chú ý đến những giá trị, vai trò của không gian và thời gian trong việc thể hiện dụng ý nội dung nghệ thuật. Qua các tác phẩm khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng: không gian, thời gian chứa đựng nội dung tính dục được các tác giả sử dụng như là phương tiện để truyền tải nhu cầu bản năng của con người. Đó có thể là nhu cầu của nam giới hay nữ giới; đó có thể là nhu cầu của bậc tài tử giai nhân hay kẻ loạn thần tặc tử… Tất cả họ đều được các tác giả nhốt trong không gian trần tục, thời gian thế tục với những ý niệm về thế giới của lạc thú. Cũng từ đó nói lên nhu cầu của con người không có giới hạn. Có thể khẳng định rằng, không gian thời gian trong các tác phẩm văn học trung đại cũng như “Không gian, thời gian trong Truyền kì mạn lục phát triển logic với phương thức chuyển tải nội dung. Người đọc sẽ cùng các nhân vật của truyện phiêu lưu trong thế giới huyền ảo ở bốn cõi không gian vừa phi quảng tính vừa cố định vừa có định và hình thành thời gian phi tuyến tính với dộ đàn hồi ảo hóa có thể “co” tám thập kỉ và một năm hoặc đang từ hiện đại “nhảy” vào quá khứ của kiếp trước và bước sang tương lai vào kiếp sau”.
e. Thời gian nghiên cứu
- Thời gian bắt đầu: 6/2015
- Thời gian kết thúc: 10/2016
f. Kinh phí thực hiện: 39.888.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn kết quả báo cáo nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).