a. Tên nhiệm vụ: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong việc thành lập Bản đồ ô nhiễm tiếng ồn tại phường Phú Hòa, thành phố Thỉ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS Bùi Hoàng Việt và cá nhân tham gia thực hiện:
1. ThS Nguyễn Thanh Quang
2. ThS Lê Thị Thanh Tuyền
d. Mục tiêu nghiên cứu: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc xây dựng bản đồ phân bố thực trạng ô nhiễm tiếng ồn sinh ra do họat động giao thông ở một số tuyến đường tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhằm khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm tiếng ồn
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Hiện nay các nghiên cứu về ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) đánh giá và kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn còn tương đối ít. Trong khi đó, tỉnh Bình Dương đang trong giai đoạn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nên sự gia tăng các doanh nghiệp, nhà máy, các cơ sở sản xuất và các cở sở hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh các yếu tố tích cực như tạo ra việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm tiếng ồn đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư.
Hệ thống thông tin địa lý đã được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong nghiên cứu ô nhiễm tiếng ồn tại nhiều địa phương và các Quốc Gia trên thế giới. Tuy nhiên, trường hợp nghiên cứu tại phường Phú Hòa, Thành phố Thủ Dầu Một mà nhóm tác giả lựa chọn vẫn chưa có ứng dụng GIS chính thức nào được thực hiện về chủ đề ô nhiễm tiếng ồn.
Do đó, Ths Bùi Hoàng Việt, trường Đại học Thủ Dầu Một đã thực hiện đề tài này nhằm hướng đến việc ứng dụng GIS trong việc xây dựng bản đồ phân bố thực trạng ô nhiễm tiếng ồn sinh ra do họat động giao thông ở một số tuyến đường tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm tiếng ồn. Đồng thời, đề xuất các giải pháp kịp thời để giảm thiểu, khắc phục, cải thiện đời sống người dân và xây dựng một thành phố trong sạch, văn minh và hiện đại.
Để thực hiện được mục tiêu và các nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra, tác giả đã thực hiện các nội dung chính như: Cơ sở lý luận về GIS và các ứng dụng của công nghệ này trong nghiên cứu về tiếng ồn và ô nhiễm tiếng ồn. Hiện trạng tiếng ồn phát sinh từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ tại khu vực nghiên cứu. Đánh giá hiện trạng và đưa ra các giải pháp phù hợp đối với loại hình ô nhiễm này tại khu vực nghiên cứu.
Thông qua kết quả của đề tài, nguồn cơ sở dữ liệu về ô nhiễm tiếng ồn được tạo lập và đưa vào sử dụng trong các công tác quản lý. Căn cứ theo tính hiệu quả đã được khẳng định thông qua các nghiên cứu đã được thực hiện trong và ngoài nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể ở đây là hệ thống thông tin địa lý, trong công tác quản lý môi trường là một xu thế tất yếu trong các giai đoạn tiếp theo. Dựa vào nguồn cơ sở dữ liệu được tạo lập một cách cụ thể và chính xác, công tác quản lý ô nhiễm sẽ trở nên khoa học và hiệu quả hơn, tránh được sự lãng phí về thời gian, kinh phí và hỗ trợ rất tích cực trong việc ra quyết định cũng như áp dụng các giải pháp đúng đối tượng cần thiết. Kết quả của đề tài được chuyển giao đến các đơn vị có liên quan để phục công tác quản lý và nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề ô nhiễm tiếng ồn, cụ thể như sau: Ủy ban nhân dân phường Phú Hòa, Thành phố Thủ Dầu Một; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương; Thư viện Đại học Thủ Dầu Một.
e. Thời gian thực hiện: 12 tháng
- Thời gian bắt đầu: 12/2018
- Thời gian kết thúc: 12/2019
f. Kinh phí thực hiện: 41.898.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)