a/ Tên nhiệm vụ: Ứng dụng quy trình sản xuất giống cá rô phi đỏ đơn tính đực
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Khuyến nông Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Nguyễn Văn Quang và cá nhân tham gia chính:
1. Võ Thị Ly Ly
2. Nguyễn Thị Tiệp
3. Nguyễn Ngọc Tú
4. Vương Đình Nhân
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
- Chuyển giao thành công quy trình công nghệ sản xuất giống cá rô phi đỏ đơn tính đực bằng hormon 17a methyltestosterone.
- Đào tạo cho Trung tâm thủy sản 02 cán bộ thành thạo việc sản xuất cá giống rô phi đỏ đơn tính đực bằng hormone 17a methyltestosterone.
- Sau khi dự án kết thúc, sản xuất được 2 triệu con cá rô phi đỏ đơn tính đực 21 ngày tuổi, tỷ lệ đực trong quần đàn đạt trên 95%.
- Tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính đực cho 3 mô hình trình diễn ra dân trong thời gian thực hiện dự án.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Theo quy hoạch nông lâm ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2020 sẽ ổn định diện tích đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh là 730 ha; sản lượng nuôi trồng cần đạt 9.400 - 9.500 tấn, theo đó nhu cầu về giống thủy sản khá lớn. Tuy nhiên, việc cung ứng giống tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu về chủng loại và chất lượng. Trong quá trình phát triển nuôi thủy sản, phong trào nuôi cá rô phi trên địa bàn tỉnh đang được bà con quan tâm đầu tư, đặc biệt ở Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo và Tân Uyên. Tuy nhiên, vấn đề con giống đang là một trở ngại lớn, mạng lưới sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực còn thiếu, hầu hết các địa phương chưa đủ đàn cá bố mẹ đúng tiêu chuẩn, số lượng giống chọn lọc có chất lượng chưa đáng kể.
Dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cá rô phi đơn tính đực” được thực hiện nhằm hướng đến việc sản xuất tại chổ con giống có chất lượng, giá thành hạ, từ đó đẩy mạnh phong trào nuôi cá rô phi góp phần sử dụng hiệu quả lao động, cải thiện thu nhập, khai thác triệt để tiềm năng diện tích các mặt nước, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích sản xuất.
II. Kết quả thực hiện
Nhóm thực hiện tiến hành nghiên cứu tổng quan về tình hình nuôi các rô phi trên thế giới và tại Việt Nam; thị trường xuất khẩu cá rô phi qua các năm. Đồng thời, nghiên cứu đặc điểm sinh học của cá rô phi như: Yêu cầu về các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ mặn, Oxygen hòa tan, độ pH, Ammonia và Nitrite); đặc điểm về dinh dưỡng, khả năng sinh trưởng, đặc điểm sinh sản; cơ chế kiểm soát giới tính ở cá rô phi; vài nét về cá GIFT và cá rô phi đỏ; vài nét về chuyển đổi giới tính (cơ sở của việc sử dụng và tác dụng của hormone sinh dục lên tuyến sinh dục còn non của cá; hormone sinh đực - sự hình thành và tác dụng); sử dụng hormon sinh dục ở cá (các phương pháp xử lý hormon, tình hình nghiên cứu sự chuyển đổi giới tính ở cá) và tính chất lư hóa của 17a - Methyltestosterone.
Kết quả đề tài đã cung cấp đầy đủ thiết bị, vật tư cho các đơn vị tiếp nhận công nghệ như: Hệ thống ấp trứng, ao nuôi vỗ cá bố mẹ với diện tích 1.000 m2, ao ươn cá giống với diện tích 1.000 m2... Xây dựng được đàn cá bố mẹ chất lượng tốt gồm 7.000 con (720 kg). Đây là đàn cá cơ sở để sản xuất cá giống đơn tính đực cung cấp cho người dân cũng như tái tạo quần đàn cá bố mẹ cho việc sản xuất cá giống trong những năm tiếp theo.
Qua nghiên cứu sự tăng trưởng về trọng lượng và chiều dài của các từ 21 ngày tuổi đến 91 ngày tuổi cho thấy, chất lượng cá bố mẹ tốt và kỹ thuật chăm sóc tốt đã ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng ổn định của cá rô phi đỏ giai đoạn từ 21 đến 91 ngày tuổi. Loại thức ăn, chế độ thức ăn, môi trường nuôi đã ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng của cá rô phi đỏ.
Quy trình sản xuất cá giống cá rô phi đỏ đơn tính đực do Khoa Thủy sản – Trường đại học Nông lâm chuyển giao. Quy trình này được đặt căn bản trên việc thu trứng cá rô phi đỏ trong hệ thống sinh sản là giai đặt trong ao đất. Trứng thu được sẽ được ấp trong các thiết bị nhân tạo. Cá bột đạt yêu cầu được xử lý hormone 17a-Methyltestosterone bằng phương pháp cho ăn. Kết quả thu được sau khi kỹ thuật viên dự án thực hiện, tỷ lệ đực hóa trung bình của cá giống 2,5 tháng tuổi là 94,8%; tổng số lượng đàn cá giống đơn tính đực được sản xuất đến cuối dự án gần một triệu con.
Quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá rô phi đỏ đơn tính đực có những thuận lợi như sau: Thu được trứng cùng một giai đoạn phát triển để ấp nhân tạo; hạn chế được hiện tượng phân cỡ và ăn nhau trong quần đàn cá bột; thu được một lượng cá bột thích hợp cho việc chuyển đổi giới tính bằng hormon. Tuy nhiên, quy trình có phải đáp ứng những điều kiện: Diện tích ao tương đối lớn đủ cho việc đặt giai; có các dụng cụ thu và làm về sinh giống; có các thiết bị ấp trứng và ươn cá bột và có hệ thống cung cấp nước cho các thiết bị ấp.
Dự án đã đạo tạo tập trung cho hai kỹ thuật viên Trại giống nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Dương. Hai kỹ thuật viên này có khả năng thiết kế, xây dựng và điều hành sản xuất cá giống cá rô phi đỏ đơn tính đực bằng hormon 17a Methyltestosterone với tỷ lệ đực hơn 90%.
Triển khai thí điểm trong 3 hộ dân tại Bến Cát. Các hộ tham gia được tập huấn lý thuyết và thực hành về kỹ thuật sản xuất giống đơn tính đực và kỹ thuật nuôi cá rô phi đỏ đơn tính trong ao đất tại Trại giống nông nghiệp.
III. Kết luận
Từ những nguyên nhân khách quan, tổng số lượng cá giống còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ đực hóa trung bình của cá giống 2,5 tháng tuổi là 94,8%, thấp hơn mục tiêu dự án (>95%). Tỷ lệ này là chấp nhận được do đây là thời gian đầu sản xuất, sau một thời gian các kỹ thuật viên thành thạo sẽ nâng tỷ lệ đạt lên theo mục tiêu dự án.
Kết quả dự án đã giúp cho Trung tâm Khuyến nông tiếp cận với kỹ thuật giống cá rô phi đỏ, được trang bị các thiết bị và nhân lực, qua đó có cơ sở phát triển và mở rộng nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, góp phần giúp người dân phát triển thêm nghề mới, tăng thu nhập cho kinh tế gia đình.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 03/2011
- Thời gian kết thúc: 03/2013
g/ Kinh phí thực hiện: 465.710.800 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).