a/ Tên nhiệm vụ: Xây dựng bản đồ nồng độ khí radon trong nhà khu vực Thủ Dầu Một
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS. Hà Quang Hải và cá nhân tham gia chính:
1. Tô Thị Hiền
2. Trần Tuấn Tú
3. Nguyễn Thị Phương Thảo
4. Quách Thị Ngọc Thơ
5. Trần Thị Hoàng Oanh
6. Dương Hữu Duy
7. Hà Như Biếc
8. Lê Minh Trường Hậu
9. Nguyễn Thảo Nguyên
10. Trần Khương Duy
11. Lê Thị Thanh Phúc
12. Trần Ngọc Mỹ Duyên
d. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định nồng độ khí radon trong nhà làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng ngừa rủi ro và bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở Thủ Dầu Một.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Radon là một đồng vị phóng xạ không màu, không mùi, không vị, thuộc các chuỗi phóng xạ tự nhiên uranium. Radon-222 của chuỗi uranium-238, radon-220 của chuỗi thorium-232 và radon-119 của chuỗi uranium-235. So với radon-119, độ nguy hiểm phóng xạ của khí radon-222 rất cao do chu kỳ bán hủy bởi phân rã phóng xạ là 3,8 ngày; trong khí đó chu kỳ bán hủy của radon-119 là 4 giây. Phóng xạ radon thoát ra từ các đứt gẫy, khe nứt, đá, đất, vật liệu xây dựng (gốm, sét, gạch xỉ than là vật liệu chứa nhiều radon) và nước ngầm (từ các giếng khoan sâu). Radon là tác nhân nguy cơ ung thư hàng đầu trong các chất gây ung thư phổi.
Càng có nhiều radon trong không khí, nguy cơ càng lớn và khoảng thời gian chúng ta hít thở trong không khí chưa radon đó càng dài thì nguy cơ càng lớn. Trong không khí ngoài trời, nồng độ radon thấp không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, ở trong nhà thì nồng độ radon có thể cao hơn do hiệu ứng bẫy radon. Các mức radon thường rất hay thay đổi, tùy thuộc vào dòng khí qua nhà, cấu trúc căn nhà và kiểu sinh hoạt trong từng gia đình…
Một nghiên cứu mới đây đã xác nhận, radon là nguyên nhân gây ra các bệnh bạch cầu, u ác tính, ung thư thận và một số bệnh ung thư của trẻ em. Nghiên cứu này dựa vào phân tích, thống kê nồng độ khí radon trong nhà và phạm vi ảnh hưởng của bệnh ung thư. Vào năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã công bố TCVN 7889 về nồng độ khí radon tự nhiên trong nhà – mức quy định và yêu cầu chung về phương pháp đo. Chính vì vậy, việc thực hiện đề tài “xây dựng bản nồng độ khí radon trong nhà tỉ lệ 1/25.000 khu vực Thủ Dầu Một” sẽ làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng ngừa rủi ro và bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở Thủ Dầu Một.
Mục tiêu của đề tài: Xác định nồng độ khí radon trong nhà làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng ngừa rủi ro và bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở Thủ Dầu Một.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đề tài đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như: Thu thập, phân tích các tài liệu liên quan; khảo sát thực địa; phương pháp đo khí radon; phương pháp thu thập số liệu bằng bảng hỏi; xây dựng bản đồ nồng độ khí radon. Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả nghiên cứu nổi bật như sau:
- Tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam về radon: Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về radon với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đến thời điểm nghiên cứu chỉ có hai chương trình nghiên cứu liên quan đến khí radon là nghiên cứu điều tra tai biến địa chất và điều tra địa chất đô thị.
- Sơ lược đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội của Thủ Dầu Một: Vị trí địa lý, địa hình, thủy văn, địa tầng, địa chất công trình, nước dưới đất, khí hậu, thổ nhưỡng, kiến tạo, địa chất môi trường, thương mại – dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, giáo dục.
- Khảo sát, đo đạc, nồng độ khí radon trong nhà; đo đạc khí radon ngoài trời trên các đơn vị tầng khác nhau; khảo sát địa chất và môi trường… Kết quả, nồng độ radon trong nhà trung bình cả năm nằm trong mức cho phép theo TCVN 1889:2008. Nồng độ radon có sự phân biệt theo các kiểu phòng khác nhau: Cao nhất là nhà kho, tiếp đến là phòng ngủ, nhà bếp, phòng khác và cuối cùng là phòng khách. Trong mùa khô, nồng độ khí radon có xu hướng giảm. Mùa mưa, các nhà sử dụng nước ngầm sinh hoạt có nồng độ khí radon cao hơn 7 lần nhà không sử dụng nguồn nước này. Điều đó chi thấy, có mối liên hệ giữa nước ngầm và nồng độ khí radon trong nhà và xác nhận con đường đi vào nhà của khí radon khi lấy nước từ giếng khoan.
Nồng độ trung bình khí radon trong nhà, trong nước, trong đất ở Thủ Dầu Một vào mùa mưa đều lớn hơn mùa khô. Như vậy, có thể nhận thấy môi trường địa chất (đất và nước) có ảnh hưởng chung đến nồng độ khí radon trong nhà. Trong trường hợp này, các tác giả cho rằng, lượng nước trong mùa mưa đã đẩy khí radon thoát các lỗ rỗng trong các hệ tầng trầm tích hay trong các hệ thống khe nứt… Mặc dầu nồng độ khí radon trong nhà ở Thủ Dầu Một thấp hơn mức quy định, nhưng điều đó không có nghĩa là không có rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng. Kết quả ước tính rủi ro cho thấy khoảng 6% trên tổng số người dân phơi nhiễm với mức nồng độ cao nhất (ở 2pCi/L) chịu rủi ro mắc ung thư phổi.
Giải pháp đơn giản để giảm nồng độ khí radon trong nhà là các hộ gia đình gia tăng thời gian mở của sổ và cửa chính nhằm tăng độ thông thoáng cho ngôi nhà, đặc biệt là đối với các phòng ngủ. Hút thuốc là cũng là một nguyên nhân gây tác động cộng hưởng trong quá trình hủy hoạt tế bào phổi, dẫn đến ung thư. Vì vậy, người dân cần hạn chế sử dụng thuốc lá, đặc biệt đối với những người sống trong khu vực có nồng độ khí radon cao.
Kết quả đề tài cho thấy hiện trạng môi trường phóng xạ radon ở Thủ Dầu Một – một trong những đô thị có sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Kết quả nghiên cứu cũng cho phép mở rộng hướng nghiên cứu về sức khỏe môi trường, những ảnh hưởng của radon đối với sức khỏe cộng đồng nhất là ở những vùng lộ đá gốc nguồn macma, vùng có nguồn phóng xạ cao. Nếu có điều kiện kết hợp giữa ngành môi trường và ngành y tế, hướng nghiên cứu này cũng cho phép tìm hiểu những căn bệnh liên quan đến khí phóng xạ nhất là ung thư phổi – một trong những căn bệnh đang chiếm tỷ lệ khá cao hiện nay.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 18 tháng
- Thời gian bắt đầu: 09/2009
- Thời gian kết thúc: 02/2011
g/ Kinh phí thực hiện: 562.434.120 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).