a/ Tên nhiệm vụ: Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý trật tự an toàn xã hội tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công ty TNHH Phát triển công nghệ Trần Vĩnh
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS Trần Vĩnh Phước - và những người tham gia chính:
1. Phạm Xuân Trường
2. Võ Thảo Nguyên
3. Trương Thế Đông
4. Trần Thị Vân Anh
5. Lưu Ngọc Trần Thị Lệ Quyên
6. Khuất Hữu Vinh
7. Nguyễn Xuân Lâm
8. Nguyễn Văn Lương
9. Hoàng Thị Thu Hiền
10. Lê Thị Xi Na
11. Nguyễn Thị Hồng Mai
12. Lê Thị Anh Đào
13. Võ Thị Thu Hiền
14. Nguyễn Hoàng Vũ
15. Nguyễn Thị Thu Thủy
16. Phan Thị Cẩm
17. Trần Thanh Tín
d/ Mục tiêu nghiên cứu:
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS để khởi tạo cơ sở dữ liệu phục vụ lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương trong việc định hướng chiến lược, hoạch định chính sách và hỗ trợ cán bộ trong công tác quản lý trật tự an toàn xã hội tỉnh Bình Dương
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Quản lý trật tự an toàn xã hội nhìn chung là quản lý con người và hoạt động của con người trong xã hội. Con người được quản lý thông qua sổ hộ khẩu gắn liền với nhà là nơi cư trú. Hoạt động của con người diễn ra tại điểm xác định (nhà, con đường, công sở…) hoặc địa điểm không xác định. Ngoài những hoạt động xã hội lành mạnh con người còn thực hiện các hoạt động gây mất trật tự an toàn xã hội như: Vi phạm trật tự về quản lý kinh tế; giao thông đường bộ; gây ô nhiềm, hủy hoại môi trường; buôn bán, sử dụng ma túy…
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương có đặc điểm chung là quản lý cụ thể đến từng cá nhân, từng căn nhà, từng con đường, từng công sở… để giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động gây mất trật tự an toàn xã hội nhằm mang lại sự ổn định và phát triển cho xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các dữ liệu về tội phạm kinh tế - xã hội, ma túy, mại dâm, tình hình trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy… của tỉnh đang được quản lý trên giấy hoặc dưới dạng các tập tin báo cáo, biểu đồ, số liệu trên máy tính còn rời rạc; việc tìm kiếm, thống kê cơ sở dữ liệu còn nhiều hạn chế…
Xuất phát từ nhu cầu quản lý tập trung và chia sẻ dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thực hiện đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý trật tự an toàn xã hội tỉnh Bình Dương”. Việc ứng dụng công nghệ GIS không những thống nhất được dữ liệu mà còn hỗ trợ quá trình tìm kiếm, thống kê (xuất báo cáo), cập nhật, phân tích, chia sẻ dữ liệu dùng chung, đặc biệt là hỗ trợ công tác chỉ huy tác chiến.
Mục tiêu của đề tài: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS để khởi tạo cơ sở dữ liệu phục vụ lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương trong việc định hướng chiến lược, hoạch định chính sách và hỗ trợ cán bộ trong công tác quản lý trật tự an toàn xã hội tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, đề tài thực hiện thiết kế quy trình và xây dựng cơ sở dữ liệu GIS nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trật tự an toàn xã hội tỉnh Bình Dương; xây dựng các chương trình phần mềm hỗ trợ các phòng ban của Công an tỉnh Bình Dương quản lý, phân tích, thống kê, tìm kiếm cũng như cập nhật biến động dữ liệu; đào tạo chuyển giao công nghệ GIS cho các cán bộ Công an tỉnh Bình Dương để có thể tiếp nhận, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý an toàn trật tự xã hội tỉnh Bình Dương.
Các cơ sở dữ liệu xây dựng trong đề tài được tiếp cận theo phương pháp phân tích, thiết kế cơ sở dữ liệu hướng đối tượng, gồm 2 công đoạn: (1) Phân tích: xác định đối tượng và lớp đối tượng, xác định mối quan hệ giữa các lớp đối tượng, xác định thuộc tính của các đối tượng; (2) thiết kế: cơ sở dữ liệu được thiết kế theo 3 mức: ý niệm, logic và vật lý.
Cơ sở dữ liệu nền từ nguồn bản đồ số của Sở Tài nguyên và Môi trường, với độ chi tiết đến từng thửa, từng nhà trên phạm vi toàn tỉnh, có thể sử dụng làm dữ liệu GIS nền dùng chung cho nhiều cơ quan, dự án trong toàn tỉnh.
Cơ sở dữ liệu dân cư gắn liền nhân khẩu với nhà/căn hộ theo không gian, trên dữ liệu nền GIS toàn tỉnh.
Cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý trật tự an toàn xã hội của tỉnh bao gồm các dữ liệu tội phạm về trật tự xã hội, người nghiệm ma túy và tội phạm về ma túy, tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, tệ nạn xã hội, môi trường, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phòng cháy chữa cháy, các vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và tai nạn giao thông đường bộ, người có quá khứ vi phạm luật hình sự, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn liền với vị trí không gian trên dữ liệu nền GIS toàn tỉnh.
Ngoài ra, đề tài còn cung cấp các công cụ cập nhật dữ liệu không gian và thuộc tính thân thiện, dễ sử dụng, dễ dàng triển khai trong mạng lưới ngành đến tận xã, phường; công cụ tìm kiếm dữ liệu theo yêu cầu; các công cụ tích hợp dữ liệu về các lĩnh vực khác nhau; các công cụ lập báo cáo, thống kê…
Đề tài không những có ý nghĩa khoa học với các bài báo khoa học quốc tế và các luận văn thạc sĩ, đề cương tiến sĩ đã bảo vệ thành công mà còn trang bị cho ngành công an tỉnh những cơ sở dữ liệu có giá trị cho ngành và cho toàn tỉnh, những công cụ tin học hiện đại giúp nâng cao khả năng tác nghiệp của ngành. Hiệu quả tuy chưa thể đánh giá một cách định lượng nhưng với những sản phẩm cụ thể và sự tiếp cận tích cực, vững chắc và hữu hiệu của lãnh đạo Công an tỉnh và những cán bộ, chiến sĩ công an được giao nhiệm vụ cho thấy hiệu quả của đề tài sẽ rất cao về nhiều phương diện.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 10/2009
- Thời gian kết thúc: 10/2011
g/ Kinh phí thực hiện:
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).