a/ Tên nhiệm vụ: Xây dựng mô hình chuyển giao thiết bị – công nghệ xử lý nước sạch sử dụng trong y tế tại bệnh viện đa khoa huyện Bến Cát và bệnh viện Đa khoa Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Khoa học vật liệu ứng dụng
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Lê Khắc Hoàng Lan và cá nhân tham gia chính:
1. TS. James Fiterling
2. ThS. Lê Tuấn Dân
3. KS. Trương Trà Hương
4. KS. Nguyễn Xuân Cường
5. KS. Phạm Thị Hồng
6. KS. Bùi Mỹ Duyên Duyên
d. Mục tiêu của dự án: Nghiên cứu triển khai trình diễn mô hình công nghệ thích hợp nhằm xử lý nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng khác nhau của hai bệnh viện tuyến huyện thuộc tỉnh Bình Dương. Thiết kế công nghệ, chế tạo và lắp đặt nhu cầu sử dụng của Bệnh viện Đa khoa Bến Cát và Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Giáo.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Hiện, nguồn nước của nhiều huyện thuộc tỉnh Bình Dương bị nhiễm phèn, Mn, kim loại nặng, vi sinh… nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt và y tế rất bức thiết. Nhất là các địa phương chưa có mô hình công nghệ xử lý nước phù hợp. Nhu cầu này cũng được các cấp lãnh đạo của tỉnh quan tâm sâu sắc, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để cấp nước sạch cho nông thôn đảm bảo đời sống và sức khỏe người dân. Đặc biệt là sử dụng nước sạch trong lĩnh vực y tế.
Việc sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý để rửa dụng cụ y tế có thể làm dụng cụ mau chóng rỉ sét, phải thay thường xuyên gây tốn kém. Nước đun sôi thì diệt trùng tốt, an toàn hơn nhưng đun sôi nước cũng không loại được một số thành phần hóa lý hòa tan vượt chuẩn có trong nước chưa xử lý. Hơn nữa, đun sôi nước thao tác phức tạp và tốn năng lượng và lượng nước phục vụ cho các nhu cầu sẽ bị hạn chế (các nhu cầu về nước sạch tinh khiết cho nhiều phòng khoa khác của bệnh viện như khoa sản, khoa chống nhiễm khuẩn…). Ngoài ra, các hoạt động khác trong sinh hoạt của bệnh viện như ăn uống, tắm giặt, phục vụ bệnh nhân hiện nay đều phải dùng nguồn nước giếng chưa qua xử lý.
Theo chương trình hợp tác trao đổi khoa học và công nghệ giữa tỉnh Bình Dương và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương đầu tư để Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai một số kết quả khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống của người dân tỉnh Bình Dương, trong đó đặc biệt là các công nghệ xử lý nước và môi trường. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chuyển giao thiết bị công nghệ xử lý nước sạch sử dụng trong y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bến Cát và Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Giáo tỉnh Bình Dương” nhằm nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới cải thiện điều kiện cấp nước sạch cho các hai bệnh viện trên.
Mục tiêu của dự án: Nghiên cứu triển khai trình diễn mô hình công nghệ thích hợp nhằm xử lý nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng khác nhau của hai bệnh viện tuyến huyện thuộc tỉnh Bình Dương. Thiết kế công nghệ, chế tạo và lắp đặt nhu cầu sử dụng của Bệnh viện Đa khoa Bến Cát và Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Giáo.
Cụ thể: Thử nghiệm, triển khai, chuyển giao thiết bị và công nghệ trên cơ sở công nghệ RO tiên tiến xử lý các nguồn nước (chưa được xử lý) đạt tiêu chuẩn vệ sinh và vô trùng có tính an toàn cho hai bệnh viện phục vụ cho việc cung cấp nước sạch cho sinh hoạt ăn uống của bệnh nhân, người nuôi và nước tinh khiết cho việc uống trực tiếp, các công tác y tế của bệnh viện (rửa tay bác sĩ, rửa dụng cụ y tế, khoa ngoại, khoa sản, khoa dinh dưỡng (không bao gồm nước chạy thận nhân tạo và nước cho dược phẩm)).
Để triển khai công nghệ xử lý nước phù hợp, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, tình trạng các nguồn nước, hiện trạng cấp nước và nhu cầu dùng nước của địa phương. Lấy mẫu nước và phân tích. Qua đó cho thấy, nguồn nước mặt bị ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh vật vượt chuẩn cho phép, vì vậy không thể sử dụng cho ăn uống sinh hoạt nên cần phải đầu tư công nghệ xử lý nước.
Khảo sát nghiên cứu đưa ra các yêu cầu thiết kế tổng quát cần thiết cho hệ thống xử lý nước với việc ứng dụng công nghệ màng RO mới. Các kỹ thuật và công nghệ được nghiên cứu ứng dụng hiệu quả sẽ bao gồm một tập hợp các giải pháp kỹ thuật và các hoạt động của hệ thống tại những vị trí thích hợp sẽ làm tăng cơ hội thành công của ứng dụng. Dự án tiến hành nghiên cứu theo các bước: Xác định tính chất nguồn nước, lựa chọn công nghệ màng lọc, nghiên cứu ứng dụng phương pháp tiền xử lý phù hợp với công nghệ màng được lựa chọn, thiết kế chế tạo, lắp đặt, đưa hệ thống thiết bị vào sử dụng cho hai bệnh viện và theo dõi đánh giá hiệu quả làm việc của thiết bị, công nghệ.
Khảo sát các đặc trưng của màng và nghiên cứu nhằm ứng dụng màng mới thẩm thấu ngược với khả năng hoạt động các ion hòa tan, các muối ở áp lực thấp hơn, lưu lượng cao hơn và giảm chi phí xử lý với nguồn nước của hai bệnh viện.
Khảo sát và so sánh về các đặc tính kỹ thuật của màng CPA với màng mới. Đánh giá khả năng hoạt động tiến bộ của màng mới và tính khả thi trong việc lựa chọn màng mới để thiết kế hệ thống RO phù hợp với nguồn nước của địa phương. Kết quả cho thấy, nếu nguồn nước có nồng độ muối hòa tan < 2.500 mg/l, nước bị nhiễm phèn, Mn, độc tố, vi sinh… thì màng EPA-2 là lựa chọn tối, với mục đích giảm áp lực nước đầu vào, tăng công suất của thiết bị, giảm sự cồng kềnh của hệ thống làm cho việc vận hành thiết bị đơn giản và giảm chi phí vận hành thiết bị tại địa phương.
Sau các nghiên cứu về công nghệ tiền xử lý, công nghệ màng mới, nhu cầu dùng nước của địa phương, nhóm nghiên cứu đã đề xuất cấu hình thiết bị, thống số thiết kế và tiến hành chế tạo, hoàn thiện hệ thống và lắp đặt cho địa phương.
Hệ thống thiết bị đáp ứng việc xử lý nguồn nước cứng, nhiễm phèn, Mn, kim loại, vi sinh… và có chất lượng biến động. Nhờ đó không cần đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, các khâu lọc rửa phức tạp vì vậy giảm được chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành, kết cấu gọn nhẹ, dễ vận hành sử dụng. Thích hợp triển khai trong điều kiện Việt Nam ở các vùng nông thôn, nhất là nơi mà khả năng xây dựng trạm cấp nước tập trung không kinh tế và không khả thi.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 01/2008
- Thời gian kết thúc: 9/2010
g/ Kinh phí thực hiện: 1.303.813.280 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).