a/ Tên nhiệm vụ: Xây dựng WebGis phục vụ Công nghiệp - Thương mại - Du lịch tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công ty Cổ phần Giải pháp CNTT Địa lý - Geobiz
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Văn Hiệp và những cá nhân tham gia chính:
1. KS. Lê Thắng
2. KS. Ngô Quang Tuấn
3. KS. Hoàng Văn Giang
4. KS. Võ Nhật Tân
5. KS. Tăng Tài Đức
6. CN. Phạm Anh Tuấn
7. CN. Nguyễn Phương Lan
8. CN. Nguyễn Thị Ngọc Loan
9. CN. Nguyễn Thị Huệ
10. CN. Hà Hải Yến
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS và công cụ để hiển thị, tìm kiếm địa danh và đường đi
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, nhu cầu sử dụng thông tin ngày càng một tăng cao. Không chỉ nhu cầu thông tin về thời sự, mạng lưới giao thông, tham khảo, nghiên cứu… mà còn có thông tin về nhà hàng, khách sạn, các điểm văn hóa, các chuyến tham quan, du lịch… của cộng đồng mạng nói chung và của những người muốn tìm hiểu và đến tỉnh Bình Dương nói riêng.
Ngoài ra, Bình Dương là một tỉnh phát triển nền công nghiệp nhanh chóng trong những năm gần đây, thu hút nhiều nhà đầu tư, du khách đến tham quan, tìm hiểu về đất và con người Bình Dương. Điều này cũng làm cho các nhà quản lý không ngừng nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp tối ưu để xây dựng kế hoạch, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và đáp ứng nhu cầu thông tin của người dùng một cách hiệu quả. Một trong những giải pháp đó là xây dựng WebGIS phục vụ công nghiệp - thương mại - du lịch tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu: Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS và công cụ hiển thị, tìm kiếm địa danh và đường đi. Cụ thể, hoàn chỉnh dữ liệu giao thông; xây dựng cơ sở dữ liệu điểm địa danh POIs; ứng dụng công nghệ WebGIS của MapInfo và OpenSource để xây dựng công cụ hiển thị và tìm kiếm vị trí, đường đi và cập nhật thông tin trên Web.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tác giả đã tiến hành nghiên cứu tổng quan hệ thống thông tin địa lý GIS và công nghệ WebGIS từ lịch sử phát triển, định nghĩa từ nhiều góc độ khác nhau đến thành phần và ứng dụng của hai công nghệ nghệ này. Theo đó, công nghệ GIS được tác giả phân tích theo 5 thành phần: thiết bị (Hardware), phần mềm (Software), số liệu (Geographic data), chuyên viên (Expertise), chính sách và cách thức quản lý (Policy and management). Công nghệ WebGIS thì tác giả phân tích theo hướng phân loại nhóm. Trên thế giới, các công nghệ này được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, giao thông, viễn thông, cấp thoát nước, điện - khí đốt, giáo dục, thư viện - bảo tàng, ngân hàng, dịch vụ sức khỏe-cộng đồng, đo đạc chuyên ngành, chữa cháy, dầu khí… Tại Việt Nam, tuy mới phát triển nhưng công nghệ này cũng được ứng dụng trong quản lý đất đai, hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tìm kiếm đường đi, cấp thoát nước…
Qua cơ sở lý luận trên, tác giả đã tiến hành đánh giá và lựa chọn cơ sở dữ liệu bản đồ nền, thiết kế cơ sở dữ liệu trong MapInfo và trong MySQL, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu với hệ tọa độ WGS84, VN-2000 và tỷ lệ bản đồ là 1/25.000 với các lớp cơ bản như: Đường ranh giới hành chính tỉnh, huyện, xã, giao thông vùng, sông ngòi, sử dụng đất (vùng), đường đồng mức, cơ sở toán học, ghi chú điểm địa danh, ghi chú phân loại sử dụng đất, tên đường, tên sông…; khảo sát, cập nhật tim đường giao thông, cập nhật điểm địa danh POI trên địa bàn các phường, xã, thị trấn thuộc thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, huyện Dĩ An; cập nhật dữ liệu vào MapInfo và kiểm tra chất lượng dữ liệu.
Từ những cơ sở dữ liệu thu thập được, đồng thời cân nhắc về ưu và nhược điểm của mỗi công nghệ phát triển WebGIS cùng với tiêu chí về lựa chọn giải pháp cho hệ thống như: đáp ứng nhu cầu thực tế; công nghệ phải có tính mở và khả năng nền dùng chung cao; tương thích với các hệ thống có sẵn; không lệ thuộc vào một nguồn duy nhất… tác giả đã quyết định chọn công nghệ WebGIS của MapInfo MapXtreme kết hợp công nghệ xây dựng WebGIS theo chuẩn OpenSource, cụ thể là OpenLS để phát triển WebGIS cho Bình Dương. Về cơ sở dữ liệu, tác giả chọn MySQL.
Kết quả, WebGIS phục vụ công nghiệp - thương mại - du lịch tỉnh Bình Dương được xây dựng gồm 08 lớp chính theo định dạng của phần mềm MapInfo (tab file). Hệ tọa độ WGS84, VN2000 và tỷ lệ bản đồ 1/25.000 gồm có dữ liệu: Giao thông; POI; ranh giới hành chính theo 3 cấp tỉnh, huyện xã; 23 vùng khu công nghiệp, 24 công viên, 3200 hình vẽ các block thể hiện các điểm địa danh POI quan trọng và nổi bật; đường sắt, thủy văn; đường bình độ.
Phần mềm WebGIS được cài đặt tích hợp trên trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ với một số tính năng như: Tương tác bản đồ, tìm kiếm địa danh POI, tìm địa chỉ (geocode), tên đường, giao lộ, dịch vụ nội suy và xác định địa chỉ, vùng lân cận dựa vào tọa độ của một điểm (reverse geocode), tìm đường đi, cập nhật điểm địa danh POI (POI Manager).
Kết quả đề tài đã giúp cho hệ thống công nghệ - thương mại - du lịch của tỉnh Bình Dương, cụ thể là ở 3 huyện thị Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An được xây dựng trên hệ thống cơ sở dữ liệu GIS, một công nghệ đã được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi từ nhiều năm nay và đến nay tỉnh Bình Dương đã được áp dụng, mở ra một hướng đi mới để phát triển ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 15 tháng
- Thời gian bắt đầu: 08/2008
- Thời gian kết thúc: 11/2009
g/ Kinh phí thực hiện: 568.228.000 đồng
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ./.