Báo cáo “Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 2018”
Báo cáo “Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 2018” (Readiness for the Future of Production Report 2018) do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Hãng tư vấn chiến lược A.T. Kearney vừa xuất bản, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chưa có sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đây là báo cáo đầu tiên phân tích và đánh giá sự sẵn sàng của 100 quốc gia và nền kinh tế để xác vị trí và những thuận lợi và khó khăn của các quốc gia trong quá trình thay đổi để đáp ứng nhu cầu của sản xuất tương lai.
1. Bối cảnh
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các công nghệ mới như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot và sản xuất bồi đắp đã thúc đẩy sự phát triển của các kỹ thuật sản xuất và mô hình kinh doanh mới - các mô hình sẽ thay đổi cơ bản ngành công nghiệp sản xuất. Tốc độ và phạm vi của những thay đổi về công nghệ, kết hợp với sự xuất hiện của các xu hướng mới, làm cho các nhiệm vụ vốn đầy thách thức như chiến lược thúc đẩy năng suất và tăng trưởng theo chiều sâu của các quốc gia ngày càng trở nên khó khăn. Hơn nữa, những thay đổi gần đây khiến cho mô hình cạnh tranh dựa vào sản xuất chi phí thấp không còn là một lợi thế.
Các quốc gia cần xây dựng chiến lược để đáp ứng tốt nhất đối với mô hình sản xuất mới. Điều này đòi hỏi các nước trước tiên phải hiểu các yếu tố và điều kiện có tác động lớn nhất đến việc chuyển đổi hệ thống sản xuất của họ và từ đó đánh giá sự sẵn sàng cho tương lai. Sau đó, chính phủ cần xây dựng chính sách phù hợp cùng với doanh nghiệp, viện trường và người dân, thực hiện các hành động để thu hẹp khoảng cách liên quan đến sự sẵn sàng của họ cho tương lai của ngành công nghiệp sản xuất.
2. Mục tiêu
Báo cáo về mức độ sẵn sàng của sản xuất tương lai nhằm tìm kiếm những phương thức để tạo dựng một tương lai của nền sản xuất bền vững, tập trung vào:
• Giải pháp: công nghệ có thể giúp giải quyết những thách thức mà trước đây không thể vượt qua.
• Con người là trung tâm: công nghệ có thể mở khóa tiềm năng của con người bằng cách giải phóng sự sáng tạo, đổi mới và năng suất theo những cách mới.
• Bền vững: công nghệ có thể thúc đẩy các quy trình sản xuất giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo tồn năng lượng và tài nguyên.
• Người lao động, doanh nghiệp và các quốc gia ở các giai đoạn phát triển khác nhau được hưởng lợi từ các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự chuyển đổi của hệ thống sản xuất.
3. Phạm vi
Đánh giá sự sẵn sàng là một phân tích chủ yếu tập trung vào sản xuất. Tức là kết quả của bản báo cáo không đánh giá sự cân bằng giữa các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế quốc gia (ví dụ dịch vụ hoặc nông nghiệp), cũng không phân tích vị trí quốc gia trong các phân ngành hoặc ngành sản xuất cụ thể (ví dụ như dệt may hoặc ô tô). Đánh giá hướng tới việc đo lường sự sẵn sàng của sản xuất tương lai thay vì hiệu suất thực tại. Nó đo lường mức độ sẵn sàng trung bình quốc gia, có nghĩa là đánh giá trung bình toàn bộ quốc gia chứ không chỉ tập trung vào các khu vực có hiệu suất cao nhất. Đánh giá không xem xét sự khác biệt giữa các vùng trong một quốc gia (ví dụ: Bắc Ý so với Nam Ý, ven biển Trung Quốc so với nông thôn Trung Quốc,…).
4. Tiếp cận
Mức độ sẵn sàng dựa trên thông tin dữ liệu cho đánh giá sản xuất tương lai năm 2018 phân tích vị trí của các quốc gia để định hình và theo kịp xu hướng của những thay đổi của sản xuất trong tương lai. Sự sẵn sàng được hiểu là khả năng tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro và thách thức, đáp ứng nhanh chóng với những thay đổi của nền sản xuất trong tương lai. Bản đánh giá được tập trung vào hai thành phần chính: Cấu trúc của sản xuất (Struture of Production - những yếu tố cơ bản của nền sản xuất hiện tại của một quốc gia) và Các yếu tố thúc đẩy quá trình sản xuất hoặc các yếu tố quyết định giúp một quốc gia tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chuyển đổi hệ thống sản xuất (Drivers of Production). Đánh giá được cấu thành từ 59 chỉ số dựa trên các Các yếu tố thúc đẩy quá trình sản xuất và cấu trúc của các thành phần sản xuất. Vị trí của 100 quốc gia và nền kinh tế trong đánh giá được xác định dựa trên các chỉ số của chúng trong các yếu tố thúc đẩy quá trình sản xuất (trục tung) và Cấu trúc sản xuất (trục hoành).
Báo cáo cũng đưa ra thông tin chi tiết của từng quốc gia mà các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp có thể được sử dụng để xác định các cơ hội và thách thức cụ thể khi họ định hướng tương lai của nền sản xuất.
5. Hai thành phần chính của bản đánh giá mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai
5.1 Cấu trúc sản xuất
Sản xuất là một trong một số chất xúc tác cho tăng trưởng mà các quốc gia có thể nhắm vào để tăng cường nền kinh tế và đạt được các mục tiêu khác. Cơ cấu sản xuất của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều biến số, bao gồm các quyết định chiến lược mà một quốc gia đưa ra để ưu tiên phát triển ngành trong nông nghiệp, khai thác, công nghiệp và dịch vụ. Cấu trúc này phản ánh mức độ phức tạp và quy mô của một quốc gia dựa trên nền tảng sản xuất hiện tại. Phạm vi đánh giá không bao gồm tổng hợp của các ngành. Các quốc gia có cơ cấu sản xuất lớn, phức tạp hơn ngày nay đã sẵn sàng hơn cho tương lai vì họ đã có một nền sản xuất khá vững.
- Độ phức tạp: Đánh giá sự pha trộn và tính độc đáo của các sản phẩm mà một quốc gia có thể tạo ra từ việc áp dụng những kiến thức hữu ích trong phát triển kinh tế và cách thức kết hợp những kiến thức này.
- Quy mô: Đánh giá tổng khối lượng sản xuất trong một quốc gia (Giá trị sản xuất) cũng như tầm quan trọng của sản xuất đối với nền kinh tế (Giá trị sản xuất, % GDP).
5.2 Các yếu tố thúc đẩy quá trình sản xuất
Các yếu tố thúc đẩy quá trình sản xuất là các yếu tố quyết định chính giúp một quốc gia tận dụng các công nghệ và cơ hội mới nổi của sản xuất tương lai. Sáu yếu tố chính bao gồm: Công nghệ & Đổi mới, Nguồn nhân lực, Thương mại & Đầu tư toàn cầu, Khung thể chế, Tài nguyên bền vững và Nhu cầu thị trường. Mỗi loại có các danh mục, danh mục con và chỉ số tương ứng để đo lường các khái niệm chính. Các quốc gia có kết quả tốt về các yếu tố thúc đẩy quá trình sản xuất được coi là sẵn sàng hơn vì sự kết hợp của các yếu tố sẽ thúc đẩy việc áp dụng và lan tỏa công nghệ, đẩy nhanh việc chuyển đổi hệ thống sản xuất.
- Công nghệ & Đổi mới: Đánh giá cơ sở hạ tầng CNTT tiên tiến, an toàn và kết nối tốt của một quốc gia để hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất. Chỉ số về công nghệ và đổi mới cũng đo lường khả năng của một quốc gia để thúc đẩy đổi mới và thương mại hóa những sáng kiến có tiềm năng ứng dụng trong sản xuất.
- Nguồn nhân lực: Đánh giá khả năng đáp ứng của một quốc gia trước những thay đổi của thị trường lao động gây ra bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng cách xem xét khả năng lực lượng lao động hiện tại cũng như khả năng lâu dài để từ đó trau dồi các kỹ năng và phát triển tài năng phù hợp với các công việc tương lai.
- Thương mại và đầu tư toàn cầu: Đánh giá sự tham gia của một quốc gia vào thương mại quốc tế để tạo điều kiện trao đổi sản phẩm, kiến thức và công nghệ và thiết lập mối liên kết toàn cầu. Chỉ số cũng đo lường sự sẵn có của các nguồn tài chính đầu tư vào phát triển liên quan đến sản xuất cũng như chất lượng cơ sở hạ tầng thúc đẩy các hoạt động sản xuất.
- Khung thể chế: Đánh giá mức độ hiệu quả của các tổ chức nhà nước, luật và quy định đối với việc phát triển công nghệ, các doanh nghiệp mới và sản xuất tiên tiến.
- Tài nguyên bền vững: Đánh giá tác động của sản xuất đến môi trường, bao gồm việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và các nguồn năng lượng thay thế.
- Nhu cầu của thị trường: Đánh giá khả năng thâm nhập vào thị trường nước ngoài của một quốc gia để mở rộng quy mô sản xuất. Chỉ số cũng đo lường sự đánh giá của người tiêu dùng vì những đánh giá này giúp đa dạng hóa các hoạt động công nghiệp và sản phẩm mới.
Hình 1. Khung mô hình dự đoán mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai
6. Bốn nhóm quốc gia được phân loại theo đánh giá mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai
Đánh giá bao gồm 59 chỉ số được xem là nền tảng cho sự sẵn sàng của một quốc gia trong sản xuất tương lai. Các chỉ số này được đo lường bởi các tổ chức quốc tế bao gồm Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức khác. Đánh giá cũng sử dụng các chỉ số từ các Khảo sát của Diễn đàn kinh tế thế giới để đo lường các kết quả mang tính định tính hoặc đóng vai trò thay thế khi không có sẵn dữ liệu thống kê so sánh cho một tập hợp các quốc gia đủ lớn.
Trong báo cáo mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai, Diễn đàn Kinh tế thế giới nghiên cứu 100 quốc gia (chiếm 96% GDP thế giới) và chia làm 4 nhóm:
Nhóm Dẫn dắt (Leading) gồm 25 quốc gia, ở ASEAN có Malaysia và Singapore. Nhóm dẫn dắt là các quốc gia có cơ sở sản xuất mạnh hiện nay thể hiện mức độ sẵn sàng cao cho tương lai thông qua nền tảng vững chắc của các yếu tố thúc đẩy sản xuất. Những quốc gia này cũng có giá trị kinh tế hiện tại tốt nhất để đáp ứng với những đột phá trong tương lai.
Nhóm Tiềm năng cao (High-Potential) gồm 7 nước trong đó có Hồng Kông, Úc, Bồ Đào Nha,… Nhóm này gồm các quốc gia có nền tảng sản xuất hạn chế hiện tại với mức điểm cao trong các yếu tố thúc đẩy sản xuất, sự sẵn sàng cho sản xuất tương lai tùy thuộc vào các ưu tiên trong nền kinh tế quốc gia.
Nhóm Di sản (Legacy) gồm 10 quốc gia có nền sản xuất được đánh giá tốt nhưng chưa sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, do chưa có sự đầu tư cho các yếu tố thúc đẩy sản xuất ở khu vực ASEAN có Philippines và Thái Lan;
Nhóm Sơ khai (Nascent) là những nước trong đó nền tảng sản xuất chưa tốt và chưa sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai thông qua hiệu suất yếu của các yếu tố thúc đẩy sản xuất trong đó ASEAN có Việt Nam, Indonesia, Campuchia.
Hình 2. Bốn nhóm quốc gia được phân loại theo đánh giá mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai
Theo báo cáo này, hệ thống sản xuất trên toàn cầu sẽ phải biến đổi để thích ứng, đáp ứng với những thách thức trong tương lai, và các nước trên thế giới sẽ phân cực: Nhóm các nước dẫn đầu (Leading) chỉ có 25 nước sẽ hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 25 quốc gia trên chủ yếu đến từ các khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á, sở hữu hơn 75% giá trị sản xuất toàn cầu và tiếp tục có khả năng tăng trưởng thị phần trong tương lai.
7. Vị trí của Việt Nam trong 100 nước được đánh giá
Theo đánh giá, cấu trúc sản xuất của Việt Nam được 5.0/10 và động lực sản xuất đạt 4.9/10.
Hình 3. Các chỉ số của Việt Nam theo báo cáo
Về tính phức tạp của nền sản xuất dựa trên mức độ áp dụng các kiến thức, công nghệ nhằm tạo ra một sản phẩm phức tạp, Việt Nam chỉ được 4.4 điểm (đứng ở thứ hạng 72/100) cho dù quy mô (Scale) của nền kinh tế được đánh giá khá cao (xếp hạng 17) trên thế giới. Độ phức tạp của nền kinh tế (Economic complexity) được hiểu là toàn bộ hệ thống liên quan đến quá trình sản xuất, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao nhận, xuất nhập khẩu hàng hóa sao cho nhanh chóng, thuận tiện, an toàn cho hàng hóa nói chung...
Về động lực sản xuất, Việt Nam có trình độ sử dụng công nghệ và đổi mới khá kém, xếp hạng 90/100 do hạ tầng công nghệ; vốn con người xếp hạng 70/100 (trong đó, các chỉ tiêu cụ thể đều ở mức rất tệ: kiến thức của người lao động đứng thứ 81, chất lượng đào tạo nghề đứng thứ 80, chất lượng các trường đại học đứng thứ 74, đào tạo qua công việc đứng thứ 74, chất lượng kỹ sư và nhà khoa học đứng thứ 70); Tài nguyên bền vững của Việt Nam cũng bị đánh giá khá thấp (hạng 87); khung thể chế hạng 53, Nhu cầu của thị trường được xếp hạng 39 và chỉ số được đánh giá tốt nhất là Kinh doanh và đầu tư toàn cầu (xếp hạng 13).
8. Những lưu ý liên quan đến Yếu tố Công nghệ và Đổi mới
Công nghệ & Đổi mới là một yếu tố quyết định cho tương lai của sản xuất vì việc áp dụng và khuếch tán các công nghệ mới chính là mấu chốt của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Để làm được điều này, các quốc gia cần một nền tảng công nghệ tiên tiến, được kết nối và bảo mật. Họ cần liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ để đảm bảo nền tảng của họ đủ tiên tiến, có thể vận hành các công nghệ mới nổi. Những Đột phá cho tương lai của sản xuất đòi hỏi một hệ sinh thái toàn cầu được kết nối chặt chẽ thông qua khả năng tương tác giữa các hệ thống.
Chính sách an ninh mạng đóng vai trò rất quan trọng để tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ, đặc biệt là bảo mật kỹ thuật số và quyền riêng tư dữ liệu. Các hệ thống sản xuất được kết nối sẽ mang đến những thách thức an ninh mạng mới. Ví dụ, nếu kiến thức và dữ liệu được lưu trữ bị xâm phạm, điều này không chỉ gây nguy hiểm cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mà còn làm giảm niềm tin và có khả năng áp dụng trong tương lai, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) có nguồn lực hạn chế để tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa an ninh mạng. Bên cạnh đó, cũng cần có sự hợp tác giữa chính phủ và các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô để tăng cường nhận thức và tự bảo vệ trước những mối đe dọa này.
Đổi mới là yếu tố then chốt cho tương lai của sản xuất. Các công nghệ thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phần lớn được tạo ra từ các khoản đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển; các ứng dụng mới và sáng tạo từ những công nghệ này ngày càng góp phần tạo ra giá trị cao hơn cho sản xuất. Có nhiều loại đổi mới khác nhau, đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai của sản xuất, chẳng hạn như tạo ra các cải tiến liên tục; thích ứng các công nghệ được phát triển ở nước ngoài để phù hợp với các hệ thống sản xuất địa phương và phát triển các khoản đầu tư mới cho các hệ thống sản xuất (Greenfield Invesments).
Chỉ một nhóm nhỏ các nước tiên tiến tập trung vào đổi mới kỹ thuật tiên phong cùng với đầu tư nhiều cho nghiên cứu và phát triển để bảo đảm các bằng sáng chế. Các quốc gia cần tập trung cho đổi mới theo cả ba hướng: cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ và đổi mới cơ bản.
Sự sẵn có của nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng và các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến mức độ và loại hình đổi mới mà một quốc gia hướng đến trong tương lai của nền sản xuất. Các mô hình kinh doanh, sản phẩm mẫu và các lĩnh vực khác trong sản xuất tuy không được cấp bằng sáng chế nhưng cũng sẽ mang đến sự đột phá và mang lại tiềm năng to lớn cho cả các nước mới nổi và phát triển.
Các quốc gia tạo ra sự đổi mới thông qua rất nhiều yếu tố hỗ trợ. Phát triển đổi mới vùng, mua sắm công đối với các công nghệ tiên tiến và hợp tác giữa các học viện, nhà nước và doanh nghiệp đều góp phần thúc đẩy đổi mới. Hệ thống tài chính mạnh mẽ và vốn mạo hiểm sẵn có cũng rất cần thiết để hỗ trợ cho những công nghệ tiềm năng. Sự đổi mới cũng đòi hỏi các yếu tố mềm hơn, khó đo lường hơn, chẳng hạn như một nền văn hóa chấp nhận rủi ro, sự quyết tâm của chính quyền theo sẽ giúp mở khóa tiềm năng của con người để thúc đẩy những đổi mới trong tương lai.
|
Hạng
|
Công nghệ & Đổi mới
|
90
|
Công nghệ
Nền tảng
|
|
92
|
Thuê bao điện thoại di động
|
39
|
Mức phủ sóng mạng di động LTE
|
96
|
Số người dùng Internet
|
76
|
FDI và chuyển giao công nghệ
|
73
|
Hấp thụ công nghệ (mức doanh nghiệp)
|
78
|
Tác động của CNTT đến các dịch vụ và sản phẩm mới
|
90
|
Cam kết bảo mật không gian mạng
|
90
|
Khả năng
đổi mới
|
|
77
|
Tình trạng phát triển cụm đổi mới
|
59
|
Doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới
|
50
|
Mua sắm công các sản phẩm công nghệ tiên tiến
|
31
|
Các doanh nghiệp nắm bắt các ý tưởng đột phá
|
47
|
Hợp tác nhiều bên
|
72
|
Chi cho R & D
|
84
|
Các ấn phẩm khoa học và kỹ thuật
|
74
|
Ứng dụng bằng sáng chế
|
73
|
Khối lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm
|
49
|
Khối lượng giao dịch vốn liên doanh trên mỗi quy mô nền kinh tế
|
55
|
Bảng 1. Các chỉ số thuộc yếu tố Công nghệ & Đổi mới của Việt Nam và xếp hạng
9. Kết luận
Các khái niệm và phương pháp đánh giá sẽ tiếp tục được cập nhật để phù hợp với sự thay đổi thực tế sản xuất trong tương lai. Hơn nữa, các hoạt động như đối thoại đa bên và phân tích chuyên sâu trong khu vực sẽ cần được tiến hành ở các quốc gia để bổ sung cho những kết quả định lượng.
Báo cáo cho rằng động lực quan trọng nhất của sự sẵn sàng cho sản xuất tương lai gồm Công nghệ & Đổi mới, Vốn nhân lực, Khung thể chế và Thương mại & Đầu tư toàn cầu. Những yếu tố này có mối tương quan mạnh mẽ với sự phức tạp của kinh tế. Những yêu cầu trong mỗi yếu tố sẽ dần hình thành khi chúng ta chuyển từ mô hình sản xuất hiện tại sang tương lai, nhưng về tổng thể, các yếu tố vẫn sẽ đóng vai trò trụ cột.
Quy mô không phải là điều kiện tiên quyết cho sự sẵn sàng cho sản xuất tương lai. Sự phức tạp quan trọng hơn quy mô của nền kinh tế đó. Khả năng thu thập, kết hợp và áp dụng kiến thức của nguồn nhân lực và công nghệ để tạo ra những sản phẩm độc đáo sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh ngày càng quan trọng. Do đó, các quốc gia nhỏ như Thụy Sĩ hay Singapore hoàn toàn không hề bất lợi trước những gã khổng lồ toàn cầu với quy mô lớn hơn.
Báo cáo đã đo lường vị thế của 100 quốc gia và nền kinh tế trải rộng trên các khu vực địa lý nhằm định hình nền sản xuất toàn cầu theo hướng mang lại lợi ích từ sự thay đổi bản chất của sản xuất bằng cách áp dụng công nghệ mới. Báo cáo này cũng được dùng như một công cụ chẩn đoán nhằm thúc đẩy đối thoại đa bên, hình thành các cương lĩnh hành động chung và cung cấp thông tin dự báo cho sự phát triển các chiến lược công nghiệp hiện đại của các quốc gia.
1. Sự chuyển đổi toàn cầu của các hệ thống sản xuất sẽ là một thách thức và tương lai của sản xuất có thể ngày càng bị phân cực trong một “thế giới hai tốc độ” (với hai kiểu nền kinh tế chủ yếu là tăng trưởng chậm và tăng trưỏng nhanh).
2. Những con đường khác nhau sẽ xuất hiện khi các quốc gia định hướng chuyển đổi hệ thống sản xuất.
3. Tất cả các quốc gia đều cần có những điểm mục tiêu để cải thiện.
4. Xuất hiện những thách thức chung cho một nhóm các quốc gia.
5. Khi mô hình công nghệ mới tạo ra một nhóm các ngành công nghiệp mới, chỉ một số ít các quốc gia có thể tận dụng được thời cơ để phát triển nhảy vọt.
6. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ gây ra sự thay đổi cấu trúc đối với các chuỗi giá trị toàn cầu.
7. Sự sẵn sàng cho sản xuất tương lai đòi hỏi các giải pháp toàn cầu và khu vực chứ không chỉ ở một quốc gia riêng biệt.
8. Cần có những phương thức tiếp cận mới và sáng tạo để thúc đẩy hợp tác công tư nhằm tăng tốc sự chuyển đổi.
Nguyễn Thị Thu Hà
Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ