Bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA
Ông Lê Ngọc Lâm cho rằng, việc nhận thức và quản lý chỉ dẫn địa lý còn bất cập, thiếu hoạt động quảng bá, do đó cần làm tốt hơn hoạt động kiểm soát chất lượng gắn với chỉ dẫn địa lý. Trước một thị trường khó tính, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ Châu Âu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý, qua đó có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.
Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sẽ gia tăng được cơ hội xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận được những thị trường khó tính, nhất là với thị trường EU. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là công cụ hiêu quả đối với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ tên tuổi, lợi ích kinh tế của quốc gia, lợi ích thương mại của cộng đồng và doanh nghiệp và nâng cao giá trị cho hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu” diễn ra ngày 01/7/2016 tại thành phố Hồ Chí Minh, do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học- Công nghệ tổ chức.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của gần 100 đại biểu của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội có nhu cầu đăng bạ chỉ dẫn địa lý tại EU cho các sản phẩm danh tiếng của địa phương.
Một góc quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: “Việc bảo vệ đăng ký chỉ dẫn địa lý cũng như đặc trưng vùng lãnh thổ rất quan trọng vì những lý do kinh tế, xã hội. Nếu không được bảo hộ, các sản phẩm sẽ có nguy cơ biến mất khỏi thị trường cùng với người sản xuất cũng như những kiến thức của họ”. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm chất lượng mang đặc trưng vùng miền, và có nhiều sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có duy nhất một sản phẩm nước mắm Phú Quốc được cấp chỉ dẫn địa lý tại Châu Âu. Trong khi đó, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với việc sản phẩm đó được công nhận về mặt chất lượng cũng như thương hiệu, do vậy thường có sức cạnh tranh cao hơn các sản phẩm thông thường khác.
Ông Lê Ngọc Lâm cho rằng, việc nhận thức và quản lý chỉ dẫn địa lý còn bất cập, thiếu hoạt động quảng bá, do đó cần làm tốt hơn hoạt động kiểm soát chất lượng gắn với chỉ dẫn địa lý. Trước một thị trường khó tính, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ Châu Âu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý, qua đó có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.
Tại Hội thảo các chuyên gia đến từ Châu Âu đã chia sẻ những kinh nghiệm của EU trong việc quản lý và kiểm soát chất lượng chỉ dẫn địa lý. Biện pháp được coi là hữu hiệu để phát triển và nâng cao chất lượng chỉ dẫn địa lý Việt Nam là xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. TS. Delphine Marie Vivien - Tổ chức Cirad, phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: “Với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: thanh long, cà phê, chè... Việt Nam có khả năng khai thác để hưởng lợi lớn từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhưng để các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU thì Việt Nam cần xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý”. Hiện nay chỉ có 01 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU (nước mắm Phú Quốc) trong số 39 chỉ dẫn địa lý trong danh mục được EU cam kết bảo hộ khi Hiệp định có hiệu lực thi hành (số chỉ dẫn địa lý của EU được Việt Nam cam kết bảo hộ là 169). Các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ chủ yếu là rau quả, còn lại là sản phẩm cây công nghiệp - chế biến, thủy sản và chế biến từ thủy sản, gạo và các sản phẩm khác.
Theo ông Đào Đức Huấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Phát triển chiến lược nông nghiệp nông thôn, một trong những khó khăn trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam hiện nay là tập hợp được những nhà sản xuất lại với nhau. Không ít nhà sản xuất hay nông dân do không hiểu hết giá trị của bảo hộ mang lại nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng. Hơn nữa, việc các chỉ dẫn địa lý được khai thác và giám sát lỏng lẻo đã dẫn đến nạn giả nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi. Trên thực tế, nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã bị đánh cắp ở nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc chia sẻ cùng các đại biểu kinh nghiệm thành công và những thách thức trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ của nước mắm Phú Quốc. Các ý kiến trao đổi tại hội thảo đã đề cập đến những hạn chế trong việc quản lý sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, cũng như nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của bảo hộ chỉ dẫn địa lý của sản phẩm địa phương do hệ quả của nền sản xuất nhỏ lẻ. Vì vậy, các địa phương cần có một chiến lược lâu dài về vấn đề này. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống quản lý đối với các chỉ dẫn địa lý đăng bạ quốc gia, khiến cho việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam còn nhiều bất cập.
Tại Hội thảo, đa số ý kiến cho rằng, cần tăng cường khâu quản lý, kiểm soát về chất lượng đối với các sản phẩm, dịch vụ mang chỉ dẫn địa lý. Theo kinh nghiệm của EU, để quản lý hiệu quả một sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đã được đăng bạ và bảo hộ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp - quản lý tự động, hiệp hội ngành hàng - kiểm soát trong và cơ quan quản lý địa phương - kiểm soát ngoài. Hơn nữa, cần tổ chức một cơ quan chứng nhận chất lượng độc lập tại địa phương nhằm đảm bảo sự khách quan trong việc chứng nhận chất lượng của hệ thống quản lý này. Đồng thời, các chuyên gia cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ có thêm nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại thị trường EU, góp phần tạo bước tiến mới cho mặt hàng nông sản và thực phẩm của Việt Nam./.
Minh Đức
(Phòng Quản lý Chuyên ngành)