Bệnh đái tháo đường: Phòng hơn chống
Hiện nay, ước tính Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường, đặc biệt trong số đó có tới trên 60% chưa được phát hiện bệnh. Đặc biệt, bệnh đái tháo đường type 2 trước đây chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng thời gian gần đây, bệnh đã được phát hiện ở trẻ em. Hiện nay, đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi. Bệnh đái tháo đường có 3 loại chính: Đái tháo đường type 1; type 2 và đái tháo đường thai kỳ.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường: Triệu chứng chung: Khát không ngừng; đi tiểu thường xuyên, đặc biệt ban đêm; mệt mỏi, uể oải; giảm cân; ngứa bộ phận sinh dục hoặc bị nấm âm đạo tái diễn. Ở tiểu đường tuýp 1, các triệu chứng ít gặp hơn là: Chuột rút; táo bón; nhìn mờ; nhiễm trùng da tái diễn. Ở tiểu đường tuýp 2, các triệu chứng có thể không được nhận ra trong nhiều năm liền, chỉ tới khi có biến chứng, như loét chân hoặc nhìn mờ thì bệnh mới được chẩn đoán. Nên nhớ, không phải tất cả các dấu hiệu đều xuất hiện cùng lúc. Vì thế, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào ở trên đây, hãy kiểm tra để loại trừ tiểu đường.
Một số biến chứng như: Biến chứng cấp tính do đường huyết tăng cao hoặc hà đường huyết, nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê và thậm chí tử vong; biến chứng mãn tính: làm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quị, tai biến mạch máu não, biến chứng mắt, gây bệnh thận giai đoạn cuối, suy thận, gây mất cảm giác ở chân, tay hay dị cảm, tê, gây đau nhức…;
Điều trị khi bị tiểu đường: Phải có thái độ bình tĩnh để sắp xếp lại mọi sinh hoạt, thói quen ăn uống… và cách sống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh; người bệnh nên sống năng động hơn, không nên ngồi một chỗ suốt ngày. Mỗi ngày nên dành từ 30 - 45 phút để đi bộ. Ngoài ra có thể chơi các môn thể thao khác phù hợp với sức khỏe. Thể thao chính là một phương pháp điều trị không dùng thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường; đảm bảo chế độ ăn thích hợp và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khuyến cáo phòng chống đái tháo đường: Mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung; thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm; người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.
Được biết, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2013 là 7,37%. Do đó, mục tiêu của phòng, chống bệnh đái tháo đường năm 2016 là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống bệnh đái tháo đường nhằm hạn chế thấp nhất những biến chứng của bệnh đái tháo đường, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội tiến tới đẩy lùi bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức tập huấn truyền thông phòng, chống bệnh đái tháo đường năm 2016 cho các xã, phường trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm giúp cho người dân nắm rõ hơn về cách nhận biết, quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường cũng như cách phòng chống, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp mắc phải, nâng cao sức khỏe, đời sống cho người dân tại địa phương.
|
Thanh Thanh