Bệnh gout – Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Bệnh gout (gút) hay còn gọi là thống phong, bệnh gây ra do rối loạn chuyển hóa dẫn đến sự tăng nồng độ axit trong máu, có biểu hiện ở khớp, sụn, xương, dưới da, thận. Bệnh thưởng gặp ở nam giới tuổi trung niên và phần lớn bệnh nhân có uống rượu thường xuyên. Bệnh gút bao gồm bệnh gút nguyên phát và bệnh gút thứ phát.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh gút chính là do acid uric máu cao, được gọi là tăng acid uric máu khi nồng độ acid uric máu vượt quá giới hạn tối đa của độ hòa tan của urat trong huyết tương, cụ thể là: Trên 420 µmol/l đối với nam, trên 360 µmol/ đối với nữ.
Nguyên nhân gây ra tăng acid uric máu thì có nhiều, người ta phân ra 3 loại như sau:
+ Gút nguyên phát (đa số là gặp loại này): Loại này thường có yếu tố gia đình, khởi phát thường do ăn quá nhiều thức ăn chứa nhân purin và thường kèm theo uống quá nhiều rượu. Thường gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và số ít là nữ ở tuổi sau mãn kinh.
+ Gút thứ phát: Là hậu quả của tăng acid uric máu do tiêu tế bào quá mức (bệnh bạch cầu thể tủy mạn tính, thiếu máu huyết tán, bệnh vẩy nến diện rộng…) hoặc do suy thận.
+ Gút do bất thường về enzym: Do thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần enzym HGPRT, là enzym tham gia vào quá trình chuển hóa acid uric, gây ra bệnh Gút khởi phát sớm ở trẻ em (rất nặng và hiếm gặp).
Những hiểm họa làm dễ bị bệnh gout: Sử dụng thuốc lợi tiểu, thí dụ thông dụng như hydrochlorothiazide hay furosemide. Dùng một số thuốc như niacin, cyclosporine... Một vài bệnh về máu như ung thư máu và bệnh dư máu. Gia đình đã có người bị gout. Bệnh tuyến giáp trạng, bệnh thận, thiếu máu, tăng huyết áp, đái đường... Bị thương, giải phẫu, quang tuyến trị liệu... Ăn nhiều thức ăn có nhiều purin như cá sardines, gan, thận, óc (dân gian còn gọi đây là bệnh của nhà giàu)... Uống nhiều rượu, bia.
Cách phòng ngừa
Hạn chế những thực phẩm giàu chất đạm có nhân purin như: Hải sản, các loại thịt đỏ, phủ tạng động vật, thịt lợn, cua, ốc, ếch… Hạn chế sử dụng các loại thức uống có cồn và lợi tiểu như: Rượu, bia, cơm rượu, nước ngọt có gas, trà, cà phê, nước rau má, nước cam, canh, trái cây giàu vitamin C.
Nên sử dụng những thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua. Khi mắc bệnh, đau nhứt nhiều chỉ nên sử dụng thực phẩm có hàm lượng purin thấp như trái cây, rau, trứng, sữa… Nên uống nhiều nước để đào thải acid uric, giảm nguy cơ sỏi thận.
Nếu bạn đang thừa cân hay béo phì thì việc giảm cân qua ăn uống lành mạnh và thường xuyên hoạt động thể chất là điều rất quan trọng. Nghiên cứu cho thấy giảm cân có thể làm giảm nồng độ acid uric và giảm xuất hiện các cơn gút cấp.
Nếu nghiện rượu, bạn nên giảm hoặc ngưng hoàn toàn. Uống nhiều bia hoặc rượu mạnh làm tăng cơ hội mắc bệnh gút. Cụ thể, việc uống rượu nhiều sẽ làm sản sinh Acid lactic. Acid lactic sẽ tranh chấp đào thải với Acid uric, làm cho lượng Acid uric không thể thoát ra ngoài hoặc thoát với khối lượng không đủ. Nên uống ít nhất 2-3 lít nước mỗi ngày vì nó giúp hoà tan acid uric trong cơ thể và loại bỏ theo đường tiết niệu ra ngoài. Ăn thực phẩm có nhiều purin (như cá cơm, cá mòi, ngỗng,...) cũng có thể gây tăng Acid uric. Những người ăn nhiều hải sản và thịt (đặc biệt là thịt nội tạng như gan, thận, não, tim) cũng có nguy cơ mắc bệnh gút. Ngoài ra, ở lứa tuổi 30 trở lên, nên tránh những thay đổi đột ngột của cơ thể, như đang nóng mà tắm nước lạnh, sốc cơ thể... có thể sẽ là tác nhân để sự chuyển hoá từ Acid uric thành muối Urat diễn ra.
Trần Phước (TH từ Internet)