Bình Dương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ vốn vay
Nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam, tuy nhiên hiện trạng nông nghiệp Việt Nam hiện nay còn manh mún, sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, trình độ sản xuất chưa cao. Nhằm khuyến khích mạnh mẽ đầu tư vào sản xuất và tạo ra hàng hóa nông nghiệp có chất lượng, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế đòi hỏi phải có nguồn lực về tài chính nhằm hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Công nghệ cao được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến…), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao…; các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ… cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất.
Ở nước ta, đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường là doanh nghiệp khởi nghiệp, chưa có quá trình hoạt động lâu dài và chưa có tài sản đảm bảo; dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể yêu cầu vốn đầu tư cao hơn nhiều so với dự án nông nghiệp truyền thống. Vì vậy, khi thực hiện vay vốn tín dụng để phát triển dự án, các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác định tài sản đảm bảo vốn vay, giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Do đó, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình trong giai đoạn 2016 - 2020,
Tại Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010, để góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 3,5%/năm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài, nhà nước sẽ chủ trương khuyến khích ngành Nông nghiệp tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường). Trên cơ sở đó, Ngân hàng nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các đối tượng khách hàng được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án, bao gồm: Khách hàng có dự án, phương án sản xuất nông nghiệp thực hiện trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khách hàng doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình Dương triển khai các chính sách
Để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển, ngày 11/12/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 43/2015/NQ-HĐND Về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương 2016 - 2020. Đến ngày17/02/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND Quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 với các mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh (1), hạn mức vay ưu đãi từ 80% - 90% tùy theo quy mô của Phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (2).
Ngay sau khi chính sách được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Hội đồng thẩm định các Phương án đầu tư vay vốn theo quy định tại Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND với nhiệm vụ chính là xét duyệt nội dung các phương án đầu tư vay vốn theo quy định.
Để phổ biến rộng rãi những nội dung chính của chính sách đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các ban ngành và chính quyền địa phương tổ chức 01 Hội nghị cấp tỉnh, 19 Hội nghị cấp huyện tuyên truyền về các chính sách liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và phối hợp với Báo Bình Dương tổ chức 01 buổi tọa đàm với gần 2.000 lượt người tham dự; cấp phát trên 1.000 bộ tài liệu và 10.000 tờ rơi. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân các cấp, Báo Bình Dương thực hiện các Hội nghị chuyên đề; lồng ghép thông qua các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền Pháp luật, hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn… để phổ biến chính sách rộng rãi đến người dân.
Hỗ trợ vốn vay với nhiều hiệu quả tích cực
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Phương án mẫu (3), thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành củng cố và thực hiện công tác tư vấn cho các tổ chức, cá nhân về quy trình sản xuất nông nghiệp, chọn giống, chăm sóc, xây dựng phương án vay vốn,… Ngoài ra, để rút ngắn thời gian thẩm định các Phương án, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã ban hành Quy chế nhận ủy thác cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương (4).
Với kế hoạch được triển khai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận và xét duyệt 110 Phương án vay. Trong đó, có 104 Phương án đảm bảo nội dung, điều kiện theo quy định với tổng vốn đề nghị vay là 875 tỷ đồng. Các Phương án này được chuyển sang Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để tiến hành thẩm định và quyết định cho vay; 05 Phương án không thuộc đối tượng vay vốn; 01 Phương án Chủ đầu tư rút hồ sơ (Do thay đổi nội dung đầu tư).
Sau đó, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh tiến hành thẩm định 104 Phương án đủ điều kiện từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Quy chế của Quỹ. Kết quả, phê duyệt cho vay và ký hợp đồng tín dụng với 83 Phương án với tổng mức vốn đề nghị vay 745 tỷ đồng, tổng mức vốn phê duyệt cho vay 640 tỷ đồng (Đã thực hiện giải ngân theo tiến độ 570 tỷ đồng, không có nợ quá hạn); 21 Phương án Chủ đầu tư rút hồ sơ, đề nghị không vay (5).
Theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND, lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn là 3%/năm (Thời hạn áp dụng tối đa không quá 12 tháng). Lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn là 4,2%/năm. Đến tháng 02/2017, điều chỉnh lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn là 3%/năm (Thời hạn áp dụng tối đa không quá 12 tháng). Lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn là 3,85%/năm.
Có thể nói, hiệu quả đạt được từ các Phương án vay vốn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng, các mô hình nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển cả về lượng lẫn về chất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Góp phần nâng thêm: Tổng diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao gần 500ha; trên 1,3 triệu gia cầm nuôi lấy thịt; 380 ngàn gia cầm nuôi lấy trứng; trên 40 ngàn heo thịt; 2.520 heo nái đẻ; 01 nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm với công suất 24.000 con/ngày…
Để phát triển hơn nữa lĩnh vực này, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục duy trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương và các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông, tổ chức tập huấn để phổ biến rộng rãi những nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hơn nữa công tác củng cố, nâng cao năng lực thực hiện công tác tư vấn cho các tổ chức, cá nhân về quy trình sản xuất nông nghiệp, chọn giống, chăm sóc, xây dựng phương án vay vốn… Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký và lập Phương án vay vốn theo chính sách ưu đãi của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để rút ngắn thời gian cũng như trình tự, thủ tục xét duyệt các phương án vay vốn. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất xây dựng chính sách mới thay thế trong giai đoạn tiếp theo.
(1) Tương đương 3,85%/năm ở thời điểm hiện nay
(2) 90% đối với Phương án quy mô từ 01 tỷ đồng trở xuống. 80% đối với Phương án quy mô trên 01 tỷ đồng
(3) Được ban hành tại công văn số 1669/SNN-NN ngày 08/9/2016 V/v hướng dẫn viết phương án vay vốn đầu tư sản xuất theo Quyết định 04/2016/QĐ-UBND, ngày 17/02/2016
(4) Quyết định số 323/QĐ-HĐQLĐTPT, ngày 22/11/2018 của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh V/v ban hành Quy chế nhận ủy thác cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020.
(5) Chủ yếu do đã thu xếp được nguồn vốn hoặc thay đổi Phương án đầu tư.
Ngọc Trang