Bình Dương: Doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng năng suất
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch covid 19, khi mà vấn đề thiếu hụt nhân công thường xảy ra ở các doanh nghiệp, chuỗi cung cầu đứt gãy thì việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động.
Chuyển đổi số để tăng năng suất
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số và dữ liệu. Ba trụ cột của một quốc gia số chuyển đổi số là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số… Trong công tác quản lý, để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức… thì các giải pháp như làm việc từ xa, thương mại và tiếp thị điện tử, tự động hóa quy trình sản xuất.. được ưu tiên hàng đầu. Tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới hơn 90%, năng suất lao động còn rất thấp. Chuyển đổi số sẽ là một động lực mới để cải thiện năng suất lao động trong sản xuất và kinh doanh.
Ở Bình Dương, nhắc đến gốm sứ Minh Long, nhiều người mường tượng ra bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, với những sản phẩm có chất lượng và mỹ thuật rất cao. Nhưng không có nhiều người biết rằng, việc sản xuất ra các sản phẩm gốm sứ tại Minh Long một thời có chất lượng chung rất trồi sụt. Vì vậy, việc thực hiện đúng các quy trình về sản xuất và kiểm tra đã dần đem lại kết quả rõ rệt. Chất lượng sản phẩm của Minh Long không còn trồi sụt như trước và năng suất cũng như hiệu quả tăng dần.
Tại công ty TNHH Gốm sứ Minh Long 1. Mỗi một dây chuyền sản xuất đều được gắn thiết bị đo đếm. Dây chuyền sản xuất tự động không chỉ giảm sức lao động của công nhân, mà còn đạt hiệu quả cao khi theo dõi tất cả quá trình sản xuất và những chỉ số đo lường về năng xuất. Ứng dụng qui trình chuyển đổi số và số hóa vào sản xuất, công ty cũng đã theo dõi được tỷ lệ phế phẩm, theo dõi về kho, về bán hàng, theo dõi đánh giá về năng suất lao động, đánh giá về năng lực làm việc của công nhân. Từ đó, giúp doanh nghiệp theo dõi rất chặt chẽ về quá trình sản xuất cũng như yêu cầu của khách hàng.
Hiện nay, làn sóng chuyển đổi số tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đang diễn ra mạnh mẽ. Những doanh nghiệp có xuất phát điểm từ doanh nghiệp gia đình như công ty Gốm sứ Minh Long 1, công ty Gốm sứ Cường Phát, công ty TNHH thép Kim Nga... đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới như: đầu tư công nghệ, tự động hóa nhiều công đoạn, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp. Từ đó, có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất và kinh doanh. Trong cơn đại dịch Covid 19, những doanh nghiệp này vẫn hoạt động hiệu quả, mà không bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề nhân công.
Chúng ta có thể nhìn nhận trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã gây ra nhiều tổn thất về người và của ở mọi quốc gia. Và Việt Nam chúng ta cũng là nước cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch. Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp sớm triển khai chuyển đổi số có ưu thế hơn trong sự thích nghi “sống chung với dịch”. Bên cạnh đó, họ còn tận dụng cơ hội để bứt phá. Tuy nhiên, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ để quản trị hay vận hành sản xuất đều phải theo tiêu chuẩn qui định mà nhà nước ban hành.
Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu và đang quyết định đến sự phát triển của hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp. Hiện nay, tại Bình Dương nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình bắt đầu thực hiện qui trình chuyển đổi số và qui trình số hóa. Một số doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp số hóa và công nghệ, đổi mới sáng tạo đã giúp cho bộ máy hoạt động tinh gọn và hiệu quả hơn. Và công ty Minh Long 1 là một trong những đơn vị dẫn đầu về thực hiện qui trình chuyển đổi số và số hóa mang lại lợi ích rất lớn. Việc ứng dụng số hóa không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh, tối ưu chi phí, tăng năng xuất lao động, mà còn giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng và truy xuất sản phẩm dễ dàng hơn.
Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Vào tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiêng phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Trong đó, đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
Để cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số ở địa phương, tháng 3/2021, tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 nhằm tạo hành lang pháp lý, thay đổi nhận thức và thúc đẩy phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu “Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước” theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tháng 9/2021, tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm, góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học và công nghệ thông qua TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh là trên 50%.
Với vai trò quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, năng suất chất lượng tại địa phương. Trong thời gian qua, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục) đã triển khai thực hiện nhiều dự án hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng. Các doanh nghiệp tham gia dự án đều đạt được các kết quả đáng khích lệ, Thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã giúp doanh nghiệp tiếp cận và từng bước làm chủ các công nghệ quản lý tiên tiến, năng lực quản lý của các doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp cận với công nghiệp 4.0. Các dự án đã từng bước hình thành phong trào năng suất chất lượng trong doanh nghiệp và địa phương.
Chương trình năng suất chất lượng trước đây chủ yếu nâng cao nhận thức và hình thành phong trào nâng suất trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong giai đoạn tới Chi cục sẽ triển khai theo chiều sâu, đưa vào các mô hình chuyển đổi số, các hệ thống công cụ quản lý về đổi mới sáng tạo, các mô hình hệ thống quản trị thông minh, công nghệ số để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp, trước khi doanh nghiệp tính đến vấn đề thay đổi và đổi mới công nghệ.
Trong giai đoạn tới, Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 của UBND tỉnh sẽ được triển khai đồng bộ. Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo và triển khai các chương trình đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý năng suất, quản lý chuyển đổi số và quản lý đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp từ đó nhân rộng áp dụng trong cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức và giảm chi phí khi doanh nghiệp xây dựng hệ thống chuyển đổi số của riêng mình.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng cơ bản và nâng cao thông qua các hệ thống quản lý, các tiêu chuẩn, các công cụ cải tiến như ISO 31000; ISO 56000, ISO 27001; ISO 9000, ISO 14000, ISO 45001, ISO 13485; ISO 22000, HACCP, SA 8000, ISO/TS 16949; ISO/IEC 17025; OHSAS 18001; VietGAP, GlobalGAP; GMP; TQM; SMETA, BSCI; CRM; CSR; FSC; SEDEX; KPI; 7 công cụ QC; LEAN SIX SIGMA; 5S; KAIZEN... Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình sản xuất, các quy trình kiểm soát chất lượng, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketting, chăm sóc khách hàng, Kế toán và nhân sự nhằm giúp doanh nghiệp quản trị hiệu quả hơn quá trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 3338/KH-UBND ngày 14/7/2020 của UBND tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã xây dựng, và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN và giúp mở rộng thị trường.
Ông Lý Thái Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bình Dương cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 doanh nghiệp gặp nhiều thách thức nhưng cũng đứng trước nhiều cơ hội rõ ràng. Việc đưa chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất sẽ tạo nền tảng để thay đổi doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số, Lãnh đạo doanh nghiệp cần xác định rõ tư tưởng về chuyển đổi số, phải có tư duy tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp mình. Bản thân doanh nghiệp phải chủ động đánh giá được các mục tiêu và nhu cầu chuyển đối số của Doanh nghiệp để chọn thứ tự ưu tiên triển khai thực hiện và phải đảm bảo từng mục tiêu có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý chuẩn bị nhân sự, tăng cường đào tạo và tạo nên đội ngũ tham gia vận hành quá trình chuyển đổi, ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một bước tiến dài, doanh nghiệp có thể bắt đầu từ những việc đơn giản, dần dần sẽ đạt được các kết quả lớn hơn như việc bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý các quá trình sản xuất của doanh doanh nghiệp, các hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng của doanh nghiệp. Trước đây chúng ta dùng các biện pháp thủ công để quản lý quá trình sản xuất, theo dõi các chỉ số đo lường gây mất thời gian và hiệu quả làm việc. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc quản lý các quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, theo dõi các chỉ số đo lường về năng suất được dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn tử đó lãnh đạo sẽ được ra được các quyết định nhanh và chính xác hơn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhanh chóng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thời đại công nghệ 4.0 và nhu cầu của khách hàng.
Về vấn đề hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong năng suất chất lượng, trước đây tỉnh Bình Dương đã triển khai thí điểm đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng và đào tạo các kiến thức cơ bản về năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp, qua đó cho thấy kết quả khá tốt vì vậy trong giai đoạn tới, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ triển khai đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, với mong muốn năng suất chất lượng trở văn hóa của doanh nghiệp và của Quốc gia. Hình thành các câu lạc bộ năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học.
Đối với doanh nghiệp thì trước đây chúng ta đào tạo cho người lao động và các doanh nghiệp những khóa đào tạo cơ bản. Trong giai đoạn tới, Chi cục sẽ trung vào đào tạo chuyên sâu và trực tiếp tại doanh nghiệp, gắn năng suất chất lượng với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chuẩn hóa đội ngũ chuyên gia về năng suất. Đào tạo các khóa về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Dương Tuấn