Bình Dương: Đột phá phát triển nguồn nhân lực cho đô thị thông minh, hiện đại
Trong bối cảnh chuyển mình mạnh mẽ hướng tới đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, Bình Dương xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định thành công của quá trình phát triển bền vững. Giai đoạn 2021-2025, dù đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh và áp lực tăng dân số cơ học, tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật, tạo nền tảng vững chắc cho các mục tiêu lớn giai đoạn tiếp theo.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai chương trình
Ngay sau khi ban hành Chương trình số 19-CTr/TU về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bình Dương đã cụ thể hóa thành tám nhiệm vụ trọng tâm, phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương và xây dựng hệ thống kế hoạch triển khai đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát được tổ chức thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế và ghi nhận khó khăn để có giải pháp tháo gỡ. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về vai trò của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên rõ rệt, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị
Thành tựu nổi bật trong phát triển nguồn nhân lực
Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Bình Dương đã hoàn thiện Đề án vị trí việc làm cho tất cả các cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp tỉnh đến cấp xã. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ theo vị trí việc làm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chuyên ngành đào tạo. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai các đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ thông tin; đồng thời, hợp tác với Đại học Quốc gia TP.HCM để phát triển nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2022-2027.
Từ năm 2021-10/2024, tỉnh đã cử 40.930 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 11 tiến sĩ, 99 thạc sĩ, 31 chuyên khoa cấp II, 274 chuyên khoa cấp I. Tỷ lệ giáo viên các trường trung học phổ thông có trình độ sau đại học đạt 21,67% vào cuối năm học 2023-2024; tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đến cuối năm 2024 đạt 8,66 bác sĩ/vạn dân. Tuy các chỉ tiêu này chưa đạt mục tiêu đề ra (25% giáo viên THPT có trình độ sau đại học và 10 bác sĩ/1 vạn dân vào năm 2025), song đã có bước tiến rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ trong các lĩnh vực then chốt.
Thu hút lao động có trình độ cao và đào tạo theo đơn đặt hàng
Công tác thu hút lao động có trình độ cao và đào tạo theo đơn đặt hàng là một trong những giải pháp trọng điểm mà Bình Dương tập trung triển khai nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, tỉnh chủ động rà soát nhu cầu của các cơ quan, đơn vị và ban hành danh mục ngành nghề, số lượng, trình độ lao động cần thu hút về làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị, đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực còn thiếu hụt nhân lực chất lượng cao như y tế.
Từ năm 2021 đến nay, Bình Dương đã tuyển dụng được 149 người có trình độ từ đại học trở lên, trong đó phần lớn là bác sĩ đa khoa, bác sĩ Răng Hàm Mặt (124 người), kỹ sư kỹ thuật y sinh, chuyên khoa cấp I, II, thạc sĩ, bác sĩ nội trú và tiến sĩ. Việc thu hút này đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn sâu cho các ngành trọng yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh dân số tăng nhanh và áp lực lớn về dịch vụ công.
Song song với thu hút, tỉnh cũng chủ động tạo nguồn nhân lực thông qua hợp tác đào tạo. Bình Dương đã ký kết biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Y Hà Nội, tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Y Dược Cần Thơ để đào tạo cán bộ y tế theo nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ sinh viên y, dược đào tạo theo hình thức đặt hàng. Trong giai đoạn 2021–2024, tỉnh đã cử 77 sinh viên ngành y đi đào tạo tại các trường đại học y dược trên cả nước, bao gồm các chuyên ngành như Y khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Xét nghiệm, Y học dự phòng, Dược, Điều dưỡng, Hộ sinh và Y tế công cộng. Chính sách này không chỉ giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực y tế mà còn tạo động lực cho sinh viên, người lao động trẻ phát triển sự nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu về học sinh, sinh viên xuất sắc từ năm 2015, và từ tháng 5/2024 đã hoàn thiện phân hệ quản lý học sinh xuất sắc trong hệ thống dữ liệu ngành. Việc này giúp tỉnh chủ động phát hiện, bồi dưỡng và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhờ các giải pháp đồng bộ, công tác thu hút và đào tạo theo đơn đặt hàng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của Bình Dương trong giai đoạn mới
Phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động
Tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo nguồn lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Giai đoạn 2021–30/10/2024, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo được 169.033 người học nghề (cao đẳng: 6.819; trung cấp: 20.366; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 141.848), số người tốt nghiệp là 125.898. Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2024 đạt 84%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 34%. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ này sẽ đạt 85% (35% có văn bằng, chứng chỉ), hoàn thành mục tiêu chương trình đề ra1.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh hiện có 70 cơ sở đăng ký hoạt động, trong đó 77,14% là ngoài công lập. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở này là 2.632 người, tất cả đều đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên các trường cao đẳng có trình độ sau đại học đến cuối năm 2024 đạt 39,1%, vượt mục tiêu đề ra là 35%1.
Tuy nhiên, công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề vẫn chưa đạt mục tiêu. Năm 2024, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề chỉ đạt 19,38%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% đến năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu là tâm lý xã hội vẫn ưu tiên học đại học, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp, chưa đủ hấp dẫn để thu hút học sinh và người lao động nông thôn
Nâng cao chất lượng giáo dục
Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh đổi mới kiểm tra, đánh giá và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động giảng dạy, học tập cũng như quản lý nhà trường. Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, ngành đã xây dựng các kế hoạch tập huấn đổi mới đánh giá môn tiếng Việt ở cấp tiểu học, tổ chức bồi dưỡng giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả kiểm tra định kỳ các môn học ở bậc trung học cơ sở, đồng thời hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn tại trường phổ thông. Việc bồi dưỡng về kiểm tra, đánh giá trong giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên phổ thông cũng được chú trọng. Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp tổ chức các khóa đào tạo thử nghiệm về ứng dụng mô hình giáo dục tích hợp STEM/STEAM, thao giảng các tiết dạy mẫu, tập huấn sử dụng thiết bị giáo dục STEM và tổ chức các tiết học trải nghiệm sáng tạo, qua đó nâng cao kỹ năng thực tiễn, khả năng sáng tạo cho học sinh.
Song song với đổi mới phương pháp, ngành giáo dục triển khai đa dạng hình thức học tập như dạy học trực tuyến, học qua internet, truyền hình, tổ chức các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, kết hợp giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong năm học 2021-2022, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, toàn ngành đã chuyển sang dạy và học trực tuyến, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các cơ sở giáo dục.
Về phát triển hệ thống trường chất lượng cao, đến nay Bình Dương có 3 trường có vốn đầu tư nước ngoài gồm Trường Mầm non Việt Hoa, Trường Tiểu học và THCS Việt Hoa, Trường Quốc tế Singapore tại thành phố mới Bình Dương. Ngoài ra, Trường Tiểu học, THCS và THPT Việt Anh 3 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp và đang thực hiện quy trình liên kết giáo dục với nước ngoài. Công tác xây dựng và thực hiện chính sách ưu đãi cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng được quan tâm, như chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương. Những nỗ lực này đã góp phần duy trì ổn định, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông toàn tỉnh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ở bậc đại học, các trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục tuyển sinh, đào tạo nhiều ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt phục vụ các đề án Thành phố Thông minh và Vùng đổi mới sáng tạo. Các trường chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, phát triển các ngành đào tạo bằng tiếng Anh, giúp sinh viên nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông đạt 100% sinh viên tốt nghiệp có chứng chỉ IELTS tối thiểu 6.0 và 91% sinh viên có việc làm sau khi ra trường, trong đó hơn 50% làm việc tại các công ty liên doanh nước ngoài. Hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học cũng được đẩy mạnh, thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 79 lớp đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng (trong đó có 67 lớp nghề phi nông nghiệp và 12 lớp nghề nông nghiệp), thu hút 1.680 lao động nông thôn tham gia học nghề. Kết quả cho thấy, hơn 85% người học tốt nghiệp đã tự tạo việc làm hoặc vào làm việc tại các doanh nghiệp, trang trại, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, từ năm 2021 đến nay đã tổ chức 18/57 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 435 lao động nông thôn. Qua giám sát, hầu hết học viên đã nắm vững lý thuyết và thực hành thành thạo các nghề được đào tạo, có thể tự tạo việc làm hoặc làm việc tại các trang trại, doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế nông thôn.
Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp tại Trường Đại học Thủy Lợi - Phân hiệu Bình Dương, hướng đến gắn kết các hoạt động đào tạo nghề với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng mô hình hợp tác ba nhà (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp). Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các mô hình làng thông minh, tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực nông thôn.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Bình Dương đặc biệt chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế nhằm phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế thông qua việc tiếp đón các đoàn nước ngoài đến thăm và làm việc, đồng thời tổ chức các đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát, xúc tiến thiết lập quan hệ hữu nghị, qua đó kết nối và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với các đối tác quốc tế.
Bình Dương cũng mở rộng hợp tác giữa các trường đại học trong tỉnh với các trường đại học tiên tiến trên thế giới nhằm tạo ra nguồn nhân lực đa dạng, phong phú và đạt chuẩn quốc tế. Thông qua các dự án hợp tác, các chương trình đào tạo liên kết với đối tác nước ngoài được củng cố và tiếp tục triển khai, đồng thời các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn giữa các trường được tổ chức thường xuyên. Các trường đại học đã mời các chuyên gia trong nước và quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm qua các hội thảo, các lớp tập huấn ngắn hạn. Để nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu, cán bộ quản lý và giảng viên của các trường thường xuyên được cử đi trao đổi, học tập, nghiên cứu và thực tập tại các trường, viện trên thế giới thông qua các chương trình giao lưu, liên kết đào tạo, các dự án hợp tác, các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương.
Những hoạt động hợp tác quốc tế này đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực nghiên cứu khoa học, mở rộng cơ hội học tập, thực tập và việc làm cho sinh viên, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh Bình Dương.
Đánh giá chung
Kết quả thực hiện Chương trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 đã khẳng định vai trò then chốt của nguồn nhân lực đối với sự phát triển bền vững, hiện đại của tỉnh Bình Dương. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, địa phương, các mục tiêu trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút lao động trình độ cao; phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông, đại học; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hợp tác quốc tế đều đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2024 đạt 84%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 34%; tỷ lệ giáo viên các trường cao đẳng có trình độ sau đại học đạt 39,1%; công tác thu hút nhân lực y tế, kỹ thuật cao được quan tâm với 149 người có trình độ từ đại học trở lên được tuyển dụng, 77 sinh viên ngành y được cử đi đào tạo theo hình thức đặt hàng. Hệ thống trường quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế không ngừng mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, Bình Dương vẫn đối mặt với một số khó khăn như chưa đáp ứng đủ biên chế cho các lĩnh vực trọng điểm, tỷ lệ giáo viên THPT có trình độ sau đại học và bác sĩ/1 vạn dân chưa đạt mục tiêu, công tác phân luồng học sinh vào học nghề còn hạn chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thấp, cơ sở vật chất một số trường công lập đã xuống cấp. Những vấn đề này đòi hỏi tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường đầu tư, đổi mới phương thức đào tạo và nâng cao chính sách đãi ngộ để giữ chân và thu hút nhân lực chất lượng cao.
Bước sang giai đoạn 2026-2030, Bình Dương xác định tiếp tục ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực các ngành trọng điểm, mũi nhọn. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm bổ sung biên chế, sửa đổi chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tăng mức hỗ trợ chi phí đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với nền tảng đã đạt được cùng quyết tâm đổi mới, sáng tạo, Bình Dương tin tưởng sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại, đô thị thông minh, phát triển bền vững của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước trong những năm tới
Thy Diễm