Bình Dương: Một số giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020, việc tăng trường huy động nguồn vốn ODA và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) có tổng số vốn vay là 7.874 tỷ đồng
Theo Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Bình Dương giai đoạn 1980 - 2011 cho thấy, Kế hoạch Bảo vệ môi trường số 3450/QĐ-UBND giai đoạn 2016 - 2020 được cụ thể hóa các nhiệm vụ của kế hoạch 50/KH-UBND thành 23 nhiệm vụ trọng tâm và 13 danh mục dự án ưu tiên đầu tư nhằm xây dựng Bình Dương thành nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; kết hợp yêu cầu bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, dự án phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường trong khu dân cư, đô thị; quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, đất đai, khoáng sản; đảm bảo cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao: Cơ cấu kinh tế đang dần chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, cụ thể công nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn nhất tương ứng 66,94% và nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất tương ứng 3,15% (theo báo cáo kinh tế - xã hội năm 2020 của Tỉnh). Ngoài ra, tỉnh cũng đã có chủ trương giao các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm của cây ăn trái có múi… từng bước chuyển đổi dần thành nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.
Về công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu: tỉnh đã thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, chương trình truyền thông như: tổ chức tập huấn kiến thức về quản lý tài nguyên và môi trường cấp cơ sở; tổ chức tập huấn phân rác tại nguồn cho các đơn vị và dọc đại lộ Bình Dương; tiếp tục thực hiện tuyên truyền trên báo Tài nguyên và Môi trường, trên báo Bình Dương và Đài phát thanh Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Giờ Trái đất, Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chúc Hội thi vẽ tranh tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho các em học sinh; tổ chức Chương trình “Ngày hội môi trường”..
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, dự án
Trong việc đánh giá hiệu quả các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tới các hoạt động kinh tế xã hội trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh thì ứng phó với biến đổi khí hậu đã được chủ động lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như: thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho từng giai đoạn; xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt đến từng xã, phường, thị trấn; rà soát, bổ sung điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng (điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 có lồng ghép kịch bản biến đổi khí hậu; phê duyệt và công bố Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2035 có lồng ghép xây dựng các kịch bản phân bổ, bảo vệ nguồn nước và phòng chống các tác hại do nước gây ra ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; các quy hoạch khác như quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cũng được lồng ghép kịch bản biến đổi khí hậu).
Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường đến năm 2020 nhằm thiết lập mạng lưới quan trắc phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về hiện trạng và diễn biến khí hậu, thủy văn và chất lượng các thành phần môi trường, những biến động về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đã xây dựng và đưa vào vận hành 02 trạm thủy văn hạng 3 trên sông Đồng Nai, sông Thị Tính và đang xây dụng 01 trạm thủy văn trên sông Sài Gòn, đưa vào hoạt động các trạm quan trắc nước mặt, nước dưới đất, từ đó góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đã thiết lập và triển khai đầu tư thực hiện xây dựng, sửa chữa, nâng cấp những khu vực chưa có đê bao hoặc đã có nhưng bị hư hỏng nhằm chống ngấp, ngăn mặn, nạo vét sông, kênh mương, suối, khu vực có dòng chảy chậm gây ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh, khu vực cần nạo vét tiêu thoát nước ránh ngập úng và tiến hành khai thông dòng chảy, giúp hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho việc đi lại, cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính
Thực hiện Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã kịp thời ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020.
Trong quý II/2018, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp tham mưu và báo cáo cho UBND tỉnh các hoạt động số 12,27, 35 và 36. Cụ thể, phát triển đổi mới công nghệ và kỹ thuật tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ đổi mới công nghệ, thay đổi cơ cấu, nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng mới; rà soát, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phát triển khoa học, công nghệ từ quan điểm phát triển bền vững và xây dựng khung chính sách, kế hoạch hành động phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh của nền kinh tế; hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu, triển khai và đầu tư áp dụng công nghệ xanh, đổi mới công nghệ.
Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2030 với mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện đúng cam kết thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, chủ động ứng phó với thiên tai, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội và an toàn của người dân trong tỉnh.
Các nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai như: Thực hiện kiểm kê khí nhà kính phục vụ xây dựng các báo cáo của Tỉnh và đánh giá nỗ lực định kỳ; tiếp tục thực hiện chương trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp: sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng đối với tất cả các doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chương trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải: Tăng cường hơn nữa vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện vận tải, phương tiện cá nhân.
Tiếp tục thực hiện quy định thiết kế xây dựng với kiến trúc tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, thúc đẩy sử dụng năng lượng điện mặt trời, nước nóng năng lượng mặt trời khi xây dựng các tòa nhà; Sử dụng vật liệu nhẹ, vật liệu không nung thay thế vật liệu nung; tổ chức thực hiện quy định về quản lý và đầu tư phát triển vật liệu nhẹ, vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn tỉnh Bình Dương; thúc đẩy đầu tư sản xuất vật liệu nhẹ (keramzit) từ sản phẩm phụ trong khai thác đá xây dựng để thay thế vật liệu không nung.
Việc đánh giá hiệu quả các giải pháp giảm nhẹ với biến đổi khí hậu tới cá hoạt động kinh tế xã hội trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh cho thấy, công tác tuyên truyền giáo dục được đổi mới, chú trọng đi vào chiều sâu, đã xây dựng chương trình, tài liệu tổ chức các lớp tập huấn về tác động của biến đổi khí hậu, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ các sở ban ngành, huyện, thị, thành phố, xã phường thị trấn và tổ chức các lớp tập huấn, hoạt động truyền thông nhằm nâng cao năng lực cộng đồng phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập huấn về phòng chống thiên tai đến nhân dân các xã phường, thị trấn của thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An và Dĩ An để nhận thức được những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu tới các ngành, các lĩnh vực, trong 05 năm qua đã thực hiện 02 buổi truyền thông cho cán bộ cấp tỉnh, 6 buổi cho cán bộ cấp huyện và 33 buổi cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn; in ấn 588 tài liệu tập huấn và 1.000 cuốn sổ tay dành cho cán bộ; 378 poster, 23.410 cuốn sổ tay “Biến đổi khí hậu-Các giải pháp ứng phó cho người dân”.
Về năng lượng nhằm hạn chế tối đa phát thải khí nhà kính, tỉnh đã nghiên cứu thành công và đang thực hiện ứng dụng sử dụng năng lượng mặt trời dùng cho trụ sở cơ quan (ứng dụng cho trụ sở Sở Công Thương - đường Huỳnh Văn Nghệ), thiết kế tối ưu cấu hình các bộ chuyển đổi từ điểm công suất cực đại của Pin mặt trời để nâng cao hiệu suất của hệ thống biến đổi năng lượng mặt trời của tỉnh, đồng thời đề xuất chiến lược và kế hoạch phát triển nguồn năng lượng này trong những năm tới cho tỉnh, vận động người dân áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho hộ gia đình nhằm giảm thiểu phát thải CO2; Triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm trong mỗi hộ gia đình; từng bước mở rộng ứng dụng và sử dụng các nguồn nhiên liệu như: xăng sinh học, các nguồn nguyên liệu thay thế cho các lĩnh vực kinh tế xã hội…
Nhìn chung, toàn tỉnh đã thực hiện hoàn thành 8/19 dự án, đạt 42% kế hoạch và đang thực hiện 07 dự án (36,8%), chưa thực hiện 04 dự án (21,2%), các dự án chưa được thực hiện do chưa có quy định của trung ương, hoặc chưa thật sự bức xúc đối với tỉnh, hoặc do điều kiện ngân sách khó khăn. Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai phù hợp với điều kiện của tỉnh Bình Dương trên cơ sở thực tiễn và mang tính khả thi cho từng ngành từng lĩnh vực cụ thể.
Tuyết Mai