Bình Dương: Phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI
Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một trong bốn chương trình đột phá, giai đoạn 2015-2020”. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định “phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”là một trong những chương trình đột phát trong 5 năm tới.
Trong giai đoạn 2015-2020, thực hiện theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đạt được một số kết quả tích cực, gắn với nhu cầu xã hội ở các lĩnh vực; tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh đã được sắp xếp, giảm đầu mối bên trong; sáp nhập, giải thể, chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ để tinh gọn bộ máy; tiến hành rà soát, tinh giản biên chế, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu vị trí việc làm; cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm cấp xã) có trình độ từ cao đẳng trở lên hiện chiếm 75%, trong đó hơn 6% có trình độ sau đại học; cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên đạt 90,06%. Quan tâm thu hút đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, lao động trình độ cao cho các ngành, lĩnh vực mà nhân lực hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu; lao động làm việc trong các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng về số lượng với 1.671.400 người; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh với tỷ lệ lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ tương ứng là 5,2% - 70,6% - 24,2%; công tác đào tạo lao động có tay nghề có sự chuyển biến tích cực. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt tỷ lệ 30%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 80%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%.
Kết quả đạt được thể hiện quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị của tỉnh và tinh thần sáng tạo, luôn đổi mới trong nhận thức và hành động của lãnh đạo các cấp; kết hợp nguồn lực từ ngân sách và tăng cường xã hội hóa thông qua xây dựng các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, động viên, khuyến khích mọi đối tượng học tập, học nghề, thu hút lao động phục vụ cho các hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 19/Ctr-TU đặt ra mục tiêu hướng đến năm 2030 nguồn nhân lực chất lượng cao được phát triển theo bậc đào tạo, ngành đào tạo và chủ thể phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, trong đó một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm công nghiệp hiện đại. Đến năm 2045, nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu của một trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có năng suất lao động cao có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của một đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là theo dõi, phát hiện và xây dựng cơ sở dữ liệu về học sinh, sinh viên xuất sắc có năng lực và tâm huyết, có hướng gắn bó lâu dài để tuyển chọn hoặc tổ chức đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các ngành nghề mà nền kinh tế của tỉnh rất cần như logistics, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, khoa học sức khỏe, các ngành dịch vụ,… Ưu tiên bố trí số biên chế nhà nước chưa sử dụng để thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc với ngành nghề đào tạo phù hợp vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị.
Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; chú trọng giới thiệu và định hướng các ngành nghề phát triển trong tương lai của kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0 (các ngành trong lĩnh vực công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin,…) ở bậc phổ thông nhằm mục tiêu ươm mầm nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của tỉnh đến năm 2045.
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học của tỉnh tập trung nguồn lực phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, phát triển đô thị, quản trị, quản lý, kinh tế, chính sách, khoa học sức khỏe,… để phục vụ triển khai các đề án Thành phố thông minh và Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và chính sách khuyến khích các trường đại học của tỉnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong Trường để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng, kinh nghiệm trong và ngoài nước tham gia đào tạo nhân lực đại học và nghiên cứu khoa học, công nghệ; xây dựng các chương trình liên kết đào tạo sau đại học, kỹ sư thực hành giữa các trường đại học trên địa bàn tỉnh với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo các ngành nghề có chất lượng cao phục vụ yêu cầu quản lý và phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh.
Phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học và công nghệ; ứng dụng có hiệu quả công nghệ số, từng bước hoàn thiện nguồn tài nguyên số phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý, giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đáp ứng yêu cầu học tập, trao đổi thông tin giữa người dạy và người học; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục - đào tạo khuyến khích sinh viên, học viên nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, trong đó nhà nước có vai trò chủ đạo ban hành chính sách phù hợp cho các thành phần trong mô hình liên kết cùng thực hiện, nhất là chính sách về đào tạo nhân lực, tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích và có chính sách phù hợp để các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nghệ nhân, nông dân giỏi tham gia công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Chương trình khẳng định một lần nữa sự ưu tiên phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Bình Dương. Do đó, việc nghiên cứu đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là việc cần thiết để các cấp, các ngành triển khai vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Trần Phước