Bình Dương: Tập trung nguồn lực, phát triển đề án Thành phố Thông minh thời kì mới, hướng tới kinh tế xã hội số
TS. Nguyễn Việt Long
Quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,
Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh
Abstract:
Bước sang giai đoạn 2021-2025, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh mới, cùng những cơ hội hậu COVID-19, Bình Dương xác định tiếp tục quyết liệt đột phá, đưa đề án Thành phố Thông minh sang một tầng bậc phát triển cao hơn. Bài viết sẽ trình bày một số tầm nhìn chiến lược, định hướng cho giai đoạn tiếp theo của Đề án TPTM, bao gồm việc qui hoạch Vùng Đổi mới Sáng tạo, tạo động lực để đẩy mạnh đà phát triển, xây dựng Bình Dương hướng tới kinh tế tri thức, kinh tế xã hội số.
Từ khóa: Bình Dương, thành phố thông minh,4.0, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tri thức
Mở đầu
Bình Dương là một tỉnh có truyền thống đổi mới và là vùng công nghiệp lớn của Việt Nam. Sau hơn 20 năm công nghiệp hóa thành công, trong bối cảnh bùng nổ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời mô hình tăng trưởng dựa vào công nghiệp gia công cũng đến điểm tới hạn, Bình Dương đã quyết định đột phá để xây dựng được một nền tảng phát triển mới, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2016, tỉnh đã hợp tác cùng thành phố Eindhoven-Hà Lan triển khai Đề án “Thành phố thông minh Bình Dương” nhằm mục tiêu đưa Bình Dương từ sản xuất truyền thống lên nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, với dịch vụ, sản xuất công nghệ cao mà đổi mới sáng tạo là động lực phát triển, đô thị xanh sạch đáng sống, tạo tiền đề vươn đến kinh tế tri thức, kinh tế số [3].
Khác với cách tiếp cận thông thường chỉ chú trọng ứng dụng công nghệ vào đô thị, đề án thành phố thông minh Bình Dương đột phá toàn diện, cả công nghệ lẫn phi công nghệ, tập trung nâng cao hàm lượng tri thức và sáng tạo trong đời sống và kinh tế. Theo cách tiếp cận của Bình Dương, thành phố thông minh (TPTM) như một hệ sinh thái năng động sáng tạo, trong đó mọi thành tố không ngừng được cải tiến, đổi mới, tối ưu hóa. Đề án TPTM lấy mô hình Ba Nhà (gồm nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà trường) làm trụ cột, đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy hợp tác kết nối làm phương châm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Từ 2016-2020, đề án đã triển khai giai đoạn đầu tiên bằng một kế hoạch hành động tổng thể “Binh Duong Navigator 2021”. Bản kế hoạch này giúp chỉ ra viễn cảnh chung, xác định những phương hướng phát triển, phân công và cam kết từng chương trình hành động cụ thể để xây dựng Bình Dương - với vai trò là một bộ phận quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam - hướng đến TPTM, là khu vực mang tầm quốc tế về khoa học công nghệ (KHCN) và kinh tế trong các lĩnh vực cải tiến sáng tạo, dịch vụ và sản xuất công nghệ cao.
Sau nhiều năm thực hiện, đề án TPTM đã đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh, đặc biệt bứt phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư, từng bước định vị lại vị thế Bình Dương trên trường quốc tế. Trong ba năm 2018-2020, vùng thông minh Bình Dương đã được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới ICF vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu (Smart21). Những thành quả này đã mở ra thêm nhiều cơ hội cho Bình Dương, trở thành tiềm năng và thúc đẩy nhu cầu phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới. Làm thế nào để giữ vững và phát huy hơn nữa sự thành công, đưa Bình Dương nhanh chóng vươn lên trở thành khu vực phát triển sản xuất công nghệ cao, sôi nổi hoạt động thương mại và dịch vụ toàn cầu, mạnh mẽ trong nghiên cứu phát minh, đổi mới sáng tạo.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà Nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách rất kịp thời, đáp ứng những thay đổi trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là cơ sở quan trọng để các địa phương căn cứ làm nền tảng, phát triển các chiến lược cho phù hợp tầm nhìn quốc gia và xu thế thế giới, tiêu biểu như Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 01/8/2018 của Thủ Tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nền tảng để tỉnh có thể bổ sung, cập nhật đề án Thành phố Thông minh Bình Dương.
Đặc biệt, bước sang năm 2021, toàn cầu có rất nhiều thay đổi bởi đại dịch COVID-19, cách con người sống, làm việc, tương tác và tiêu dùng ngày càng hướng đến công nghệ số [3]. Chuỗi sản xuất quốc tế cũng đang thay đổi, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam và các nước đang phát triển, trong khi đó người dân và doanh nghiệp khát khao đổi mới, và nền khoa học công nghệ (KHCN) kỷ nguyên 4.0 vẫn tiếp tục tiến lên vũ bão.
Từ những yếu tố trên, trong phần này bài viết sẽ phân tích 3 điểm lớn của đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2021-2025: (1) Tầm nhìn qui hoạch tổng thể, (2) Một số định hướng lớn cụ thể, và (3) Qui hoạch trọng tâm là Vùng Đổi mới sáng tạo.
1. Tầm nhìn qui hoạch tổng thể
Với bối cảnh trên, tỉnh Bình Dương đã xác định rõ giai đoạn tới đề án TPTM sẽ được tỉnh đặc biệt đầu tư phát triển, là mũi nhọn để đột phá vươn tầm quốc tế, và đưa nhiệm vụ quan trọng này vào chủ đề của Đại hội Đảng bộ Tỉnh Bình Dương lần thứ 11, nhiệm kì 2020-2025 [2] [4]. Đề án tiếp tục giữ vững mục tiêu lớn đã đặt ra, đồng thời triển khai có trọng điểm, có chiều sâu hơn, chú trọng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và kinh tế xã hội số. Bình Dương với tiềm lực và vị thế mới, đã đến lúc có thể đưa ra những dự án táo bạo hơn, mạnh mẽ và cụ thể hơn, tạo động lực và sự lan tỏa cho toàn vùng và Việt Nam [1].
Về chiến lược, tỉnh vẫn phát huy sức mạnh công nghiệp, xác định đó là trọng tâm, đặc biệt là thúc đẩy công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, đổi mới sáng tạo, đồng thời tập trung hơn nữa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ chất lượng cao như thương mại qui mô lớn, thương mại điện tử, giáo dục đào tạo chất lượng cao, đô thị hiện đại, v.v. Việc tăng tỉ trọng dịch vụ trong thời kì mới là tiên quyết để phát triển nhanh và bền vững, từ đó còn hỗ trợ công nghiệp phát triển hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chính quyền Bình Dương cũng tiếp tục tạo điều kiện, thúc đẩy các doanh nghiệp lan tỏa hoạt động sản xuất kinh doanh đến các tỉnh thành trong nước, vừa đóng góp xây dựng các địa phương khác, vừa mở rộng nguồn lực phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Về qui hoạch, tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng đưa công nghiệp lên phía Bắc, phát huy điều kiện tốt để xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu chất lượng cao, đồng thời cải thiện, nâng cấp đô thị dịch vụ ở phía Nam, trong đó Thành phố mới với qui hoạch hiện đại đồng bộ là trung tâm của tỉnh.
Từ tầm nhìn trên, lãnh đạo Tỉnh Bình Dương đang triển khai chỉ đạo các cơ quan ban ngành tiến hành nghiên cứu, bổ sung, cập nhật lại tổng thể, phát triển đề án TPTM cho phù hợp với thời kì mới, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp. Hai từ khóa của giai đoạn mới sẽ là đổi mới sáng tạo và công nghệ số, nhằm tạo động lực mới để bứt phá. Tiếp tục phát huy tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thời gian vừa qua, Tổng Công ty Becamex đã được tỉnh giao phối hợp cùng các cơ quan ban ngành, các đối tác quốc tế từ Eindhoven - Hà Lan, WTA - Hàn Quốc, và các chuyên gia từ Singapore cùng phối hợp triển khai ý tưởng đột phá Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương - là trọng tâm của đề án TPTM giai đoạn 2021-2025. Vùng bao gồm thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát, và Bàu Bàng. Như vậy, Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương tiếp giáp thành phố đổi mới sáng tạo đông TP. HCM, tạo thành một vệt đổi mới sáng tạo trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, xuyên suốt Bình Dương, nối vào tỉnh Bình Phước.
2. Một số định hướng lớn cụ thể cho TPTM Bình Dương giai đoạn tiếp theo
Để thực hiện tầm nhìn trên, một số định hướng lớn cụ thể cần chú trọng tập trung có thể kể đến ở đây như sau [5]:
2.1. Về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông
- Đẩy mạnh quy hoạch tổng thể, đặc biệt chú trọng phát triển Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, trong đó xem Thành phố mới Bình Dương - Thành phố Thủ Dầu Một là trung tâm để bắt đầu và chuyển hướng phát triển sang các khu công nghiệp trong tương lai, cụ thể là Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ Bình Dương đầu tiên tại huyện Bàu Bàng.
- Ứng dụng mô hình TOD - đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng, nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến xe buýt nhanh (BRT), giao thông kết nối vùng.
- Tiếp tục củng cố hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường trục theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây, để hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính của Bình Dương nhằm kết nối giao thông nội tỉnh và liên tỉnh.
- Định hướng phát triển các loại hình giao thông mới như đường thủy và cụm cảng trên 2 sông Đồng Nai và Sài Gòn, phát triển đường sắt, logistic thông minh, nhằm giảm áp lực cho hệ thống giao thông bộ, đồng thời giảm thời gian vận chuyển và giá thành sản phẩm cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu bức thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, viễn thông, công nghệ thông tin, kỹ thuật số - băng thông rộng.
2.2. Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
- Tập trung vào việc không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh ngày càng đẩy mạnh nâng cao nhận thức về mô hình và công nghệ 4.0 cho đội ngũ quản lý nhà nước, góp phần nâng trình độ bộ máy nhà nước lên tầm cao mới, theo hướng tinh gọn, ngày càng năng động, sáng tạo, nhạy bén, sâu sắc hơn trong công tác lãnh đạo quản lý.
- Tiếp tục ứng dụng mô hình Ba Nhà học tập từ Eindhoven, khuyến khích hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước, Nhà doanh nghiệp và Nhà trường-viện trên nền tảng là người dân.
- Xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo đến mọi thành phần trong xã hội, từ đó đổi mới sáng tạo sẽ được lan tỏa, diễn ra trên bình diện sâu và rộng, giúp Bình Dương tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
2.3. Phát triển toàn diện, cân bằng nền kinh tế
- Phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ; sản xuất gắn liền với nghiên cứu phát triển, giáo dục đào tạo chất lượng cao... bên cạnh đó, cũng cần tập trung đầu tư vào chất lượng sống, mảng xanh, năng lượng tái tạo để phát triển bền vững.
- Đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ, kết nối hợp tác quốc tế, tiếp tục đầu tư mở rộng các quan hệ đối tác quốc tế (WTC, Horasis, ICF,…) để hỗ trợ và thu hút các nguồn đầu tư quốc tế, trao đổi hợp tác khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, phát triển tài chính ngân hàng, dịch vụ công nghiệp… nhằm bổ trợ cho hệ sinh thái hiện tại, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển các khu vực nông thôn thông qua các chương trình Làng thông minh, Nông nghiệp tiên tiến, nghiên cứu phát triển giống cây trồng trên cơ sở nông nghiệp hữu cơ.
2.4. Chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0, Chính phủ số, Kinh tế xã hội số, thương mại điện tử
- Xây dựng chiến lược chuyển đổi số cấp tỉnh, trong đó, tập trung đẩy nhanh phát triển chính quyền điện tử, và chuyển đổi số trong công nghiệp, phát triển sản xuất thông minh, nhà máy thông minh… ứng dụng các công nghệ cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Blockchain… Qua đó xây dựng mô hình các khu công nghiệp mới trong kỷ nguyên số, cũng như góp phần nâng cấp những khu công nghiệp truyền thống hiện hữu. Việc thực hiện chuyển đổi số có thể không cần nhiều cơ sở vật chất, nhưng yêu cầu phải thay đổi về tư duy và cách tiếp cận để thực hiện.
Để tạo nền tảng cho phát triển số này, quan trọng hàng đầu cần tập trung nguồn lực hỗ trợ của tỉnh là:
- Hạ tầng băng thông rộng, tạo tiền đề cơ bản nhằm phát triển kinh tế, xã hội số.
- Cơ sở dữ liệu dùng chung, tích hợp, và mở để làm nền tảng cho mọi ứng dụng phân tích và là động lực để phát triển đổi mới sáng tạo.
- Cải cách hành chính, hướng tới chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ trong quản lý và nhất là hỗ trợ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
2.5. Phát triển và thu hút nguồn nhân lực
Phát triển giáo dục đào tạo kỹ năng số trên tất cả các bậc học; đưa giáo dục STEM, STEAM vào các chương trình giáo dục, nhằm khuyến khích tính sáng tạo cho thế hệ trẻ, chuẩn bị sớm lực lượng lao động số và đổi mới sáng tạo cho tương lai.
Các trường đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục giữ vai trò hết sức quan trọng để đáp ứng yêu cầu trên. Đặc biệt, học tập trực tuyến đang dần trở thành một thói quen mới của xã hội sau COVID-19, sẽ mở ra một làn sóng mới trong giáo dục. Theo định hướng của lãnh đạo tỉnh, chính quyền sẽ tiếp tục tạo điều kiện, đầu tư, thúc đẩy các trường tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết sâu rộng với doanh nghiệp và nhiều viện trường trên thế giới, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các chương trình đào tạo và nghiên cứu tiên tiến, chú trọng thúc đẩy giáo dục trực tuyến - đào tạo thông minh, bắt kịp với xu thế thời đại.
Xây dựng các Trung tâm xuất sắc ngành dọc có chọn lọc, trọng điểm, ưu tiên khởi đầu với các trung tâm về công nghệ số, sản xuất thông minh, phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế số của tỉnh, theo đúng tinh thần nghị quyết 52 của Bộ chính trị. Các trung tâm xuất sắc sẽ đóng vai trò tạo ra những đề án, đề tài nghiên cứu, những công việc có hàm lượng chất xám cao, trong những lĩnh vực mới, từ đó sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Dương làm việc, cũng như thu hút được tri thức và chất xám của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua các đề tài hợp tác nghiên cứu.
3. Vùng Đổi mới Sáng tạo - trọng tâm mới của đề án TPTM Bình Dương giai đoạn tiếp theo:
Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương là trọng tâm của đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo [5]. Bao gồm Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát, và Bàu Bàng, Vùng được mở rộng ra từ Vùng Thông minh được qui hoạch trong đề án Thành phố Thông minh giai đoạn 2016-2020. Cùng với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh, Vùng được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy, tiếp tục phát huy chiến lược phát triển thông minh, với những giải pháp nhiều lớp, liên ngành trên cơ sở một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sâu hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo được tích lũy qua nhiều thế hệ, tạo tiền đề xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước đưa cả Bình Dương trở thành thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo. Phát huy thành công của Vùng thông minh, Vùng Đổi mới Sáng tạo sẽ tiếp tục được xây dựng để đủ điều kiện gia nhập vào các tổ chức uy tín trên thế giới, đạt các danh hiệu quốc tế, ví dụ như Smart21 và Top 7 của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới ICF.
Hình 1: Quy hoạch Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương, trong đó bao gồm cả 2 dự án đột phá là Khu công nghiệp Khoa học Công nghệ, và Trung tâm Thương mại Thế giới TP Mới Bình Dương
Hình 2: Hệ thống giao thông kết nối vùng và loại hình giao thông mới
Để có thể từng bước đạt được những kì vọng trên, Vùng sẽ bám sát các định hướng phát triển TPTM, và quyết liệt triển khai nhiều dự án cụ thể như thúc đẩy phát triển giao thông vận tải thông minh, thí điểm dự án Làng thông minh nhằm phát triển nông nghiệp thông minh cùng du lịch sinh thái, ứng dụng thí điểm công nghệ trong Thành phố mới… Trong các dự án đó, bài viết sẽ dẫn chứng và phân tích ở đây 2 dự án được xem là mũi nhọn để đột phá, một về dịch vụ, một về công nghiệp sau [6]:
3.1. Tham gia nâng cao tỉ trọng dịch vụ, phát triển ba thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, và triển khai Trung tâm Thương mại Thành phố mới Bình Dương
Thời gian qua, ngành dịch vụ Bình Dương đang có những phát triển tích cực, cả trong dịch vụ phục vụ công nghiệp, đô thị, lẫn trong giáo dục đào tạo. Trên nền tảng này, nhằm hướng tới nền kinh tế xã hội thịnh vượng và bền vững, đề án TPTM Bình Dương xác định cần quyết liệt bứt phá hơn nữa, nhất là các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao. Sau thời kì công nghiệp hóa, đây sẽ là một trong những chiến lược quan trọng nhất để tiếp tục vươn lên.
Hiện nay, ba thành phố trực thuộc tỉnh là Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhiều cơ hội đột phá. Vì vậy, Ba thành phố sẽ được tập trung quyết liệt đầu tư, hoạch định lại, đặc biệt là thu hút mạnh mẽ được nguồn lực toàn xã hội, hướng tới trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống, xanh sạch, là khu vực dịch vụ chất lượng cao cho toàn vùng. Để thực hiện mục tiêu trên, tại khu vực này, thời gian tới cần nhanh chóng qui hoạch bổ sung tổng thể đô thị theo định hướng mới, từ môi trường, văn hóa xã hội, doanh nghiệp sản xuất, đến chống ùn tắc giao thông, nâng cấp hệ thống điện, xử lí cấp thoát nước, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, băng thông rộng, đóng góp vào phát triển dịch vụ, kết nối trong vùng và toàn vùng kinh tế trọng điểm.
Năm 2019, tại Thành phố mới Bình Dương, tổ hợp dự án khu phức hợp đã đạt các tiêu chí để gia nhập Hiệp hội Trung Tâm thương mại thế giới (gồm 330 thành viên là các trung tâm thương mại từ 90 quốc gia), và được công nhận là Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC). Đây là bước ngoặt chiến lược, tạo cơ sở để đột phá trong dịch vụ và thương mại quốc tế của tỉnh. Trung tâm đã từng bước được qui hoạch trong đề án TPTM, sẽ đóng góp mạnh mẽ vào việc xây dựng thương hiệu lớn và uy tín của Bình Dương, là công trình biểu tượng, tăng giá trị cho khu vực, trở thành trung tâm dịch vụ tích hợp thương mại toàn cầu, thu hút đối tác, các nhà đầu tư, nhân lực trí thức, tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái thương mại quốc tế, kết nối giao thương toàn vùng, từ đó gắn kết với phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ, bứt phá công nghệ mới, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các ngành công nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. WTC BDNC cũng sẽ là động lực quan trọng để tạo đà cho Bình Dương phát triển thương mại điện tử, một xu thế ngày càng bùng nổ hậu đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Becamex và công ty đầu tư Warburg Pincus (Hoa Kỳ) còn hợp tác để xây dựng Khu thử nghiệm về Thương mại điện tử xuyên biên giới. Khu vực này nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ, tập trung vào hậu cần cho thương mại điện tử tại Bình Dương, đồng thời để thu hút nguồn nhân lực và chất xám trong lĩnh vực này. Song hành với việc xây dựng các kho ngoại quan, là việc ứng dụng nền tảng công nghệ với sự tham gia của tất cả các thành phần liên quan. Thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những trụ cột quan trọng để đẩy mạnh và phát triển thương mại và phát triển kinh tế số cho các quốc gia.
Kế hoạch sắp tới, đề án TPTM Bình Dương và Vùng Đổi mới Sáng tạo sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình và dự án cụ thể, cùng chung tay đẩy mạnh ngành dịch vụ. Đối với dự án trọng điểm WTC BDNC, thời gian tới sẽ rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ Ba Nhà, mà sự chỉ đạo sát sao từ chính quyền địa phương và Trung ương là tiên quyết, để triển khai nhiều kế hoạch lớn như hoàn thiện thiết kế tổng thể, phát triển các dịch vụ liên quan đến thương mại quốc tế, chương trình kết nạp thành viên, mở các khóa đào tạo để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, khởi công xây dựng cao ốc văn phòng và thương mại, khu vực triển lãm quốc tế, Trung tâm thương mại - dịch vụ - văn hóa - nhà ga trung tâm... Đây cũng sẽ là một TOD (đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng) trung tâm của tỉnh, tạo điều kiện phát triển BRT (xe buýt nhanh) và các TOD khác dọc theo Mỹ Phước Tân Vạn, đồng thời phía bắc sẽ lan tỏa kết nối với khu công nghiệp khoa học công nghệ.
3.2. Khu công nghiệp Khoa học Công nghệ & phát triển sản xuất tiên tiến
Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ (KCN KHCN) sẽ là dự án đột phá mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực và đầu tư công nghệ cao trong các ngành sản xuất chiến lược của vùng, đóng vai trò liên kết công nghiệp và xuyên theo trục giao thông chính Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối vào Thành phố mới.
Để đáp ứng được tầm nhìn trên, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, KCN KHCN được Becamex phối hợp cùng các đối tác Hà Lan, Hàn Quốc WTA và Singapore định hướng quy hoạch gồm: khu viện trường thu hút đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ; khu công nghiệp công nghệ cho các tập đoàn - doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp; khu công viên kinh doanh cho văn phòng và cơ sở nghiên cứu - phòng thực nghiệm công nghệ; khu đô thị dịch vụ cao với môi trường sống đáp ứng các nhà khoa học và chuyên gia; khu văn hóa và thể dục thể thao cộng đồng.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, mấu chốt để thành công của KCN KHCN còn nằm ở các thiết chế mềm với các chính sách khuyến khích, hệ thống quản trị hiện đại và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo dựa trên sự hợp tác chặt chẽ và tương tác giữa các chủ thể trong vùng, trong đó Ba Nhà là trụ cột. Ngoài ra, trong tương lai tỉnh sẽ thiết lập một hệ thống thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược của vùng, hỗ trợ doanh nghiệp, ươm tạo và thu hút các công ty công nghệ.
Đặc biệt, từ ưu thế tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, Bình Dương và KCN KHCN đang từng bước nghiên cứu phát triển ngành sản xuất thông minh - sản xuất tiên tiến (Advanced Manufacturing): hợp tác với các tập đoàn lớn và các công ty có các mô hình hiện đại, thiết kế tiên tiến để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi, nâng cấp trình độ sản xuất, nguồn nhân lực, phù hợp thời đại công nghiệp 4.0. (như số hóa, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), đào tạo 4.0. v.v.). Định hướng trên sẽ mở ra một thị trường tiềm năng, đồng thời tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư về sản xuất công nghệ cao cho Bình Dương. Vừa qua, trong thành phố mới, Trung tâm sản xuất thông minh đã được hình thành, và đang thu hút sự tham gia tích cực của các đối tác của tỉnh mạnh về lĩnh vực này như Schneider, Philips, Bosch, Intel, Amazon Web Services, TMA, ITRI, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Quốc gia TP HCM, Viện cơ học và tin học ứng dụng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…
Cùng với WTC BDNC, KCN KHCN sẽ là những dự án đột phá, tạo nên một tầm nhìn và chiến lược để xây dựng marketing và thương hiệu mới cho Bình Dương, phù hợp với yêu cầu của tỉnh giai đoạn tiếp theo.
Kết luận
Năm 2021 được dự đoán là mở ra một thời kì mới với đà phát triển vũ bão của cách mạng 4.0 và những cơ hội mới hậu COVID-19, đặc biệt là về phát triển công nghiệp và ứng dụng số. Trong bối cảnh đó, đề án Thành phố Thông minh giai đoạn 2021-2025 đang được hình thành, đưa ra chiến lược đột phá mới, trong đó đặc biệt là qui hoạch vùng Đổi mới Sáng tạo với nhiều dự án cụ thể đầy đột phá như Khu công nghiệp Khoa học công nghệ, Trung tâm thương mại thế giới Thành phố Mới Bình Dương. Đề án được kì vọng sẽ tiếp tục góp phần mạnh mẽ, tạo động lực mới để tiếp tục bứt phá kinh tế xã hội Bình Dương, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh tầm quốc tế, vươn đến nền kinh tế tri thức, kinh tế số, đổi mới sáng tạo hướng tới thành phố thông minh, đón kỷ nguyên 4.0.
Tài liệu tham khảo
[1] UBND tỉnh Bình Dương - Ban điều hành Thành phố Thông minh, “Kế hoạch 09/KH-BĐH ngày 22/01/2020, thực hiện đề án thành phố thông minh Bình Dương trong năm 2020.” Jan. 22, 2020.
[2] UBND tỉnh Bình Dương - Ban điều hành Thành phố Thông minh, “Công văn 43/CV-BĐH ngày 18/8/2020 về Tài liệu tuyên truyền về Thành phố Thông minh.” Aug. 18, 2020.
[3] McKinsey & Company, “Coronavirus’ business impact: Evolving perspective | McKinsey.” Apr. 13, 2020.
[4] “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI, nhiệm kì 2020-2025.” 2020.
[5] Thường Trực Tỉnh Ủy Tỉnh Bình Dương, “Thông báo 912-TB/TU 1/10/2020 Kết luận và chỉ đạo về Vùng Đổi mới Sáng tạo.” 2020.
[6] Nguyen Viet Long, “Strategic planning vision and some key directions for economic breakthroughs during 2021-2025 period: A study of Binh Duong-Vietnam and Smart City Program,” J. Archit. Plan. Taiwan, vol. 20, no. 1, 2020.