Bình Dương triển khai Chiến lược Dữ liệu quốc gia đến năm 2030: Động lực mới cho phát triển bền vững
Thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược Dữ liệu quốc gia đến năm 2030, hướng tới xây dựng hệ sinh thái dữ liệu hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Kế hoạch triển khai Chiến lược Dữ liệu quốc gia tại Bình Dương xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, giữ vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số, tạo ra giá trị mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, kế hoạch huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội vào việc thu thập, xây dựng, phát triển, khai thác và làm giàu dữ liệu. Cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong trong kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu, đồng thời phát triển đội ngũ nhân lực chuyên sâu và ứng dụng các công nghệ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Một trong những mục tiêu trọng tâm đến năm 2030 là hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, đảm bảo kết nối với các trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các nền tảng điện toán đám mây và ứng dụng trên thiết bị di động sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lưu trữ, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đồng thời bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định pháp luật.
Trong lĩnh vực chính quyền số, Bình Dương phấn đấu hoàn thành số hóa 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả, đồng thời mở rộng cung cấp dữ liệu mở chất lượng phục vụ chỉ đạo điều hành, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho kinh tế số, xã hội số. Tất cả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính sẽ được số hóa; tối thiểu 80% dữ liệu về kết quả thực hiện thủ tục hành chính được tái sử dụng, chia sẻ, giúp người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin một lần khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Kế hoạch cũng đặt trọng tâm phát triển dữ liệu phục vụ cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, giáo dục, y tế, lao động, văn hóa... Các bộ dữ liệu này sẽ hỗ trợ quản lý, sản xuất, kinh doanh, quảng bá, phát triển thương mại điện tử và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đặc biệt, 90% di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sẽ được số hóa, lưu trữ và chia sẻ rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách tiếp cận thông tin trên môi trường số. Các dữ liệu về bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, giao thông cũng được chuẩn hóa, liên thông, phục vụ hiệu quả công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.
Bình Dương chú trọng phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hướng tới năm 2030 tất cả dịch vụ công trực tuyến toàn trình đều có ứng dụng AI hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; toàn bộ đô thị trên địa bàn tỉnh đều có ứng dụng AI giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về AI ứng dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới.
Để đảm bảo thành công, tỉnh sẽ tổ chức bộ máy, thiết lập mạng lưới nhân sự chuyên trách về dữ liệu tại các sở, ngành, địa phương; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về dữ liệu và AI cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng. Các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm quy định về dữ liệu mở, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia xây dựng bộ dữ liệu phục vụ AI, kết nối cung cầu sản phẩm, dịch vụ AI. Bình Dương cũng tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển, trao đổi dữ liệu, chuyển giao công nghệ, đồng thời bổ sung chỉ số phát triển dữ liệu vào bộ chỉ số chuyển đổi số, công bố kết quả định kỳ để theo dõi, thúc đẩy thực hiện kế hoạch.
Tỉnh Bình Dương kêu gọi các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng, phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch, cùng xây dựng hệ sinh thái dữ liệu hiện đại, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa Bình Dương trở thành địa phương đi đầu về dữ liệu và chuyển đổi số trong cả nước.
Anh Đào