Bình Dương: Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ lĩnh vực nông nghiệp theo “Mô hình Ba nhà”
Trong những năm qua, Bình Dương đã đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa, từng bước ổn định đời sống người dân và tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, các nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 55% so với tổng nhiệm vụ được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhiều nhất là vào các năm 2016, 2017 có hơn 10 nhiệm vụ được triển khai trong năm.
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bình Dương xuất phát từ nền nông nghiệp thuần túy, hiện nay, tỉnh đã có chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, vì vậy ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trong thuộc lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp; thực hành nông nghiệp tốt - VietGaph… giúp cho bà con nông dân, chủ trang trại phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn giúp cho bà con nông dân, chủ trang trại có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp hơn trong thời gian tới.
Lãnh đạo Sở KH&CN, Sở NN&PTNT và Trường Đại học Nông lâm thống nhất hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Tại các huyện, thị xã, thành phố, việc triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp rất được địa phương quan tâm triển khai. Điển hình vào cuối năm 2020, thị xã Tân Uyên đã tổ chức họp Hội đồng phê duyệt danh mục khoa học và công nghệ năm 2021 trên địa bàn thị xã, gồm có 03 nhiệm vụ: (1) Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ và áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm; (2) Xây dựng mô hình ứng dụng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ và áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và (3) Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi trong chậu theo hướng sinh thái nhằm phát triển theo hướng nông nghiệp đo thị ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Tại cuộc họp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trường Đại học Nông lâm, phòng Kinh tế thị xã Tân Uyên đã trực tiếp mời các nhà khoa học nghiên cứu thuyết minh đề cương cho 03 nhiệm vụ đã được Hội đồng phê duyệt. Đồng thời, để thực hiện Quyết định số 2949/QĐ-UBND ngày 02/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt Kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên giai đoạn 2020-2025, phòng Kinh tế thị xã Tân Uyên đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ liên quan đến các mô hình du lịch sinh khái ven sông Đồng Nai kết hợp với trải nghiệm thực tiễn.
Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo đưa ra các yêu cầu của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp để mời gọi các nhà khoa học tham gia đề xuất nhiệm vụ như: định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện, quy hoạch theo vùng, khu vực phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất áp dụng cơ giới hóa ngay từ khi bắt đầu triển khai.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương có nhiều lợi thế trong trồng trọt và chăn nuôi nhưng chưa có nghiên cứu đánh giá nào để khai thác hết tiềm năng hiện có: địa hình, thủy lợi (2 con sông và nhiều hồ lớn), gần trung tâm khoa học công nghệ lớn nhất cả nước, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách… tuy nhiên, chưa có nhiệm vụ khoa học và công nghệ đánh giá sâu về vùng nông nghiệp của Bình Dương nhằm hỗ trợ cho bà con chọn lựa vùng trồng, chăn nuôi cho phù hợp, tránh lãng phí công sức và có hiệu quả kinh tế cao, đề nghị Sở Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét triển khai chung cho tỉnh. Đối với địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, huyện có thể mạnh trồng cây có múi nên rất quan tâm đến việc xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tái sản xuất, đánh giá đất nông nghiệp trên địa bàn để quy hoạch cây trồng, vật nuôi; số hóa cơ sở dữ liệu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện…
PGS.TS Phạm Tất Toàn - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm phát biểu đề xuất nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Từ thực trạng triển khai các nhiệm vụ trong những năm trước và định hướng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực này như: Xây dựng danh mục và ứng dụng webGIS trong quản lý cây xanh cần bảo tồn trên địa bàn tỉnh; mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc cao đẳng và đại học; khảo sát hiện trạng nhiễm nấm móc trong nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Bình Dương nhằm cảnh báo nguy cơ nhiễm độc cho người; nghiên cứu sử dụng khoáng sét tại Bình Dương làm chất hấp phụ độc tố nấm mốc trong thức ăn chăn nuôi; nghiên cứu ứng dụng các chất phụ gia thay thế kháng sinh trong chăn nuôi; đánh giá ảnh hưởng của đô thị hóa đến sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Dương…
Trong năm 2021, ông Phạm Văn Bông thống nhất sẽ đặt hàng các nhiệm phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp như: chuyển đổi đất nông nghiệp thông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ; số hóa các dữ liệu cây trồng; đánh giá thực trạng cây xanh trên địa bàn; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; xây dựng mô hình du lịch sinh thái ven sông Đồng Nai...
Bên cạnh đó, việc bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cũng là những trăn trở của ngành nông nghiệp Bình Dương. Bình Dương mong muốn được cộng tác, kết nối với các nhà khoa học tại các viện trường trong việc triển khai và ứng dụng thực tiễn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Ngọc Trang