Bình Dương: Xây dựng khung kế hoạch khoa học và công nghệ 5 năm 2021-2025
Phát triển khoa học và công nghệ để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Đảng xác định thông qua rất nhiều văn kiện, Nghị quyết và đặc biệt trong thời gian gần đây như Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XII; Nghị quyết Trung ương 4, 5 Khóa XII đã làm rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để KH&CN đóng góp vào việc phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tại dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được đề cập: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh;...”; “Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới, kinh tế số, xã hội số....”; “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế...”. Do vậy, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được xác định là một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn trong 5 năm 2021-2025
Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa rất nhanh, vì vậy quá trình chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có bước phát triển mạnh nhằm góp phần tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng. Phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020, những thuận lợi, thách thức, khó khăn và xu thế phát triển khoa học và công nghệ trong các năm tiếp theo; thực hiện Chương trình số 129-CTr/TU ngày 11/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kế hoạch số 110-KH/TU của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; trong giai đoạn 2021-2025, Tỉnh xác định mục tiêu, đề ra các chỉ tiêu chủ yếu để tập trung thực hiện, tiếp tục giữ vững, ổn định và phát triển hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Mục tiêu
Mục tiêu của Khung Kế hoạch KHCN giai đoạn 2021-2025 nhằm phát triển mạnh mẽ KHCN, làm cho KHCN thực sự là động lực quan trọng nhất để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần phấn đấu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị công nghiệp, dịch vụ phát triển theo hướng thông minh và bền vững.
Cụ thể, Hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ được đề ra trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, phê duyệt được đánh giá theo từng giai đoạn 2020 - 2025; Hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số theo nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Hệ sinh thái khởi nghiệp của Bình Dương được hình thành và phát triển ở cấp độ cơ bản hoàn thiện (cấp độ 4 trong thang đo 7 cấp độ); hình thành về cơ bản hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo của tỉnh; Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho 02 đơn vị Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng để mở rộng phạm vi hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật. Phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ hình thành từ 4 đến 5 vườn ươm doanh nghiệp, không gian khởi nghiệp để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển 50 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 25 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm; phấn đấu đạt số lượng 10 - 15 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ/năm.
Có 9 định hướng, nhiệm vụ chủ yếu
(1) Đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức trong tổ chức thực thi cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kịp thời cụ thể hoá cũng như rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
(2) Xây dựng Chương trình phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch trọng tâm của tỉnh trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các giải pháp đổi mới sáng tạo của tỉnh theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và nhà trường (trường cao đẳng, đại học) là chủ thể nghiên cứu, đảm bảo phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
(3) Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành trên cơ sở thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; mở rộng hình thức liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ, gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu.
(4) Thực hiện hiệu quả Luật chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, trọng điểm, công nghệ cao để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển và các dự án sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao khuyến khích đầu tư phát triển. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Thúc đẩy hình thành Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ tỉnh.
(5) Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo và vận hành hiệu quả Trung tâm sáng tạo cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương.
(6) Tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ, chủ động ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn tỉnh thông qua việc xây dựng và triển khai Kế hoạch sự cố bức xạ của cơ sở và tỉnh. Ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Duy trì, phát triển sàn giao dịch thiết bị và công nghệ ảo, Trung tâm tư vấn khoa học và công nghệ trực tuyến gắn với Cổng thông tin khởi nghiệp tỉnh Bình Dương. Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ tỉnh
(7) Triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
(8) Lãnh đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải tiến lề lối, phương pháp làm việc; thực hiện tốt quy chế dân chủ gắn với các phong trào thi đua; thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện tốt quy chế văn hoá công sở; xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá, an toàn. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý.
(9) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII) và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII).
Thy Diễm