Cải thiện môi trường kinh doanh: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập và phát triển
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2015 của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh của Việt Nam (đánh giá, xếp hạng 189 nền kinh tế) năm 2015, thứ hạng của Việt Nam là 78 (giảm 6 bậc so với thứ hạng năm 2014 là 72), trong đó thứ hạng một số chỉ số thành phần như sau: Chỉ số thành lập doanh nghiệp: 125, Chỉ số giấy phép xây dựng: 22, Chỉ số tiếp cận điện: 135, Chỉ số đăng ký tài sản: 33, Chỉ số tiếp cận tín dụng: 36, Chỉ số bảo hộ nhà đầu tư thiểu số: 117, Chỉ số nộp thuế: 173, Chỉ số thương mại xuyên biên giới: 75, Chỉ số thực hiện hợp đồng: 47, Chỉ số giải quyết phá sản: 104.
Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có Kế hoạch số 2194/KH-UBND ngày 28/6/2016; ngày 28/2/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Kế hoạch số 598/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trong đó có Việt Nam là bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới; củng cố, duy trì các kết quả đạt được về môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu. Tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế.
Đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh như: Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục; tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo báo cáo của tỉnh, trong 10 tháng/2017 tỉnh Bình Dương đã thu hút hơn 38.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước với gần 4.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hơn 830 doanh nghiệp tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư đổi mới công nghệ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 30.000 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký gần 229.000 tỷ đồng. Với môi trường đầu tư thông thoáng cùng với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, tiềm năng phát triển của tỉnh đã tạo động lực, sức hút đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung tại Bình Dương.
Nguyễn Nhi