Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045
Với quan điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; Đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, ngày 06/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực; Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô từ 29 đến 30 hiệu con, trong đó đàn lợn nái từ 2,5 đến 2,8 triệu con; đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%; tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 500 đến 550 triệu con, trong đó khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp; đàn bò sữa đạt quy mô từ 650 đến 700 nghìn con, trong đó khoảng 60% đàn bò sữa được nuôi trong các trang trại… Nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến thực phẩm. Nâng cao năng lực kiểm soát môi trường trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường.
Đến năm 2045, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chiến lược đưa ra các giải pháp về hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi như chính sách đất đai, tài chính và tín dụng, chính sách thương mại, khuyến nông và thông tin tuyên truyền; triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến chế phẩm nuôi trồng thủy sản… nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới tổ chức sản xuất; phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y.
Đề án ưu tiên: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
Ánh Nguyệt